Nhà đầu tư nước ngoài cần gì ở start-up Việt Nam?

Minh bạch tài chính, cấu trúc pháp lý rõ ràng và quản trị chuyên nghiệp là chìa khóa giúp start-up Việt Nam thu hút vốn ngoại.

Với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, hệ sinh thái start-up Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, không phải start-up nào cũng dễ dàng gọi vốn thành công, đặc biệt ở những giai đoạn sau.

Tại hội thảo do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng các chuyên gia từ Ice Miller và Duane Morris tổ chức sáng 13/2, ông Hoàng Minh Đức, Luật sư cao cấp của Duane Morris Vietnam, đã chia sẻ những yêu cầu quan trọng mà nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm ở các start-up Việt Nam.

Cấu trúc doanh nghiệp rõ ràng, tuân thủ quy định pháp lý

Hội thảo hướng dẫn dành cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường Hoa Kỳ sáng 13/2.

Hội thảo hướng dẫn dành cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường Hoa Kỳ sáng 13/2.

Mặc dù hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang phát triển nhanh, nhưng thực tế, hoạt động gọi vốn lớn thường diễn ra bên ngoài Việt Nam.

Theo ông Đức, khi phát triển tới 1 giai đoạn nhất định, các start-up buộc phải gọi vốn ở nước ngoài, lý do chính vì hầu như chỉ những nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài mới sẵn lòng rót vốn khi các công ty khởi nghiệp đạt đến một giai đoạn nhất định.

“Nhiều start-up nói chuyện với tôi rằng, họ được nhà đầu tư yêu cầu phải sang Mỹ gọi vốn, vì nhà đầu tư không quen thuộc với các thị trường khác ngoài Mỹ, start-up phải có sự nghiệp thương mại tại Mỹ thì họ mới đầu tư”, ông Đức cho biết Mỹ hay Singapore là các quốc gia thu hút hoạt động đầu tư, gọi vốn vì các chính sách ưu đãi thuế, trợ cấp của chính phủ, uy tín quốc tế về hệ thống tư pháp và khả năng mở rộng thị trường.

“Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư yêu cầu founder phải sang nước ngoài, thành lập công ty ở Singapore hoặc Mỹ trước khi đầu tư”.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư muốn start-up có công ty mẹ ở nước ngoài nhưng vẫn kiểm soát được công ty vận hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, khẩu vị đầu tư khác nhau giữa các quốc gia.

“Nhà đầu tư Trung Quốc có thể thích nominee structure (đại diện ẩn danh), còn các quỹ Âu Mỹ thì không vì điều này tiềm ẩn rủi ro pháp lý, thiếu minh bạch và có thể dẫn đến tranh chấp về quyền sở hữu. Nhà đầu tư Âu Mỹ ưa chuộng mô hình SPV (Special Purpose Vehicle) đặt tại nước ngoài để sở hữu Công ty vận hành (OpCo) tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tuân thủ pháp lý là một trong những điều kiện tiên quyết. Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, có một số quy định chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong một số ngành. Khi quan tâm đến start-up, nhà đầu tư cần biết ngành nghề kinh doanh có mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài không? Nếu có, giới hạn sở hữu là bao nhiêu? Start-up có chiến lược tuân thủ luật đầu tư không? Nếu có, start-up sẽ dễ dàng thuyết phục nhà đầu tư hơn. Do đó, startup cần hiểu rõ quy định ngành của mình, làm việc với chuyên gia pháp lý để đảm bảo tuân thủ ngay từ đầu.

Startup cũng còn cần tạo niềm tin với nhà đầu tư thông qua việc quản trị tốt. Nhà đầu tư cần có thỏa thuận cổ đông rõ ràng, founder cần hiểu và cam kết với các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp.

“Founder trẻ thường muốn linh hoạt, nhưng nhà đầu tư yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt. Tôi đã chứng kiến nhiều thương vụ startup đổ vỡ vì founder không thực hiện cam kết”. Ông Đức lưu ý, khi đã ký thỏa thuận cổ đông, founder phải tuân thủ 100%, không thể ký bừa để nhận tiền rồi không thực hiện cam kết.

Tài chính minh bạch

Cũng theo Luật sư Hoàng Minh Đức, một trong những lý do khiến nhiều start-up Việt mất điểm trong mắt nhà đầu tư là vấn đề tài chính không minh bạch. Nhà đầu tư cần start-up cam kết: báo cáo tài chính rõ ràng, được kiểm toán độc lập, không sử dụng hệ thống sổ sách kép (dual books) – một trong những rào cản lớn nhất với quỹ đầu tư quốc tế.

Nhà đầu tư sẽ “né” ngay lập tức các start-up quản lý kiểu gia đình, thiếu chuyên nghiệp, giao dịch bên liên quan không rõ ràng (RPTs), vốn điều lệ “trên giấy”, không thực sự đóng góp.

Ngoài ra, việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ là yếu tố quyết định giá trị start-up. Đặc biệt, đối với các start-up công nghệ, sở hữu trí tuệ là yếu tố sống còn. Do đó, nhà đầu tư muốn thấy start-up có đăng ký quyền sở hữu trí tuệ rõ ràng, cam kết bảo vệ dữ liệu và công nghệ cốt lõi.

"Nhà đầu tư quốc tế không chỉ nhìn vào ý tưởng, mà còn xem xét cách doanh nghiệp vận hành. Hãy chuẩn bị thật tốt nếu muốn gọi vốn thành công!", ông Đức kết luận.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//he-sinh-thai/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-can-gi-o-start-up-viet-nam-1104958.html