Đại sứ Ấn Độ: Việc rước xá lợi Đức Phật tới Việt Nam thể hiện sự liên kết văn hóa giữa hai dân tộc
Tổ chức chiêm bái xá lợi không chỉ thể hiện sự thành kính đối với Đức Phật mà còn góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Phật giáo trong cộng đồng, hướng con người đến sự an lạc, từ bi và trí tuệ.

Khu vực đặt xá lợi bên trong chùa Quán Sứ được bài trí trang trọng tạo không gian thiêng liêng, thanh tịnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya bày tỏ sự xúc động khi chứng kiến hàng vạn người dân và Phật tử xếp hàng dài chiêm bái xá lợi Phật – Bảo vật Quốc gia Ấn Độ được cung rước đến Việt Nam nhân Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus chiều 15/5, Đại sứ cho rằng việc người dân tôn kính xá lợi Phật cho thấy sự tương đồng và cảm thông sâu sắc giữa hai dân tộc Việt Nam-Ấn Độ về mặt tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa.
Bí ẩn nguồn gốc xá lợi Phật
Theo Đại sứ Sandeep Arya, xá lợi của Đức Phật được lưu giữ tại Thiền viện Mūlagandhakuti Vihāra tại Thánh địa Ishipatana Migadaya, Sarnath, Ấn Độ. Đây là nơi linh thiêng vĩnh cửu đối với Phật tử, nơi Đức Phật đã thuyết giảng bài giảng đầu tiên, là khởi đầu cho hành trình phát triển của Phật giáo Ấn Độ.

Thiền viện Mūlagandhakuti Vihāra tại Thánh địa Ishipatana Migadaya, Sarnath, Ấn Độ. (Ảnh: Expedia)
Hàng năm, Thiền viện Mūlagandhakuti Vihāra tổ chức kỷ niệm ngày thành lập vào tháng 11. Nhân dịp này, Thiền viện mở cửa cho công chúng chiêm ngưỡng xá lợi. Hàng ngàn người từ nhiều quốc gia khác nhau cùng đổ về Sarnath. Nhờ đó, Thiền viện này đã trở thành nơi tụ họp của tất cả những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Xá lợi đặt trong một chiếc tráp bạc, đã được ông A. H. Longhurst, nguyên Giám đốc Cơ quan Khảo sát Khảo cổ của Vùng khảo cổ phía Nam tìm thấy vào năm 1929 trong một Bảo tháp lớn tại Nagarjunakonda ở Palnad Taluk thuộc Quận Guntur của Phủ Toàn quyền Madras. Chiếc tráp hiện tại là bản sao của chiếc tráp gốc, được tìm thấy trong tình trạng bị vỡ. Thông qua các dòng chữ khắc tại tòa bảo tháp nơi xá lợi được tìm thấy và các đánh giá khoa học, các chuyên gia xác định đây là xá lợi Phật.
Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ truyền thống và hữu nghị bền chặt, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ tiền bối của Ấn Độ như Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru cùng các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Hai nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực. Đó là nền tảng cho sự giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa và tin cậy chính trị.


Xá lợi linh thiêng của Đức Phật. (Ảnh: ĐSQ)
Sau nhiều cuộc trao đổi giữa Chính phủ hai nước, xá lợi Phật Thích Ca đã được chuyên cơ đưa đến Việt Nam nhân dịp Việt Nam chủ trì tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025.
Từ ngày 2/5 đến ngày 20/5, xá lợi được tôn trí tại chùa Thanh Tâm, thuộc khu vực Học viện Phật giáo Việt Nam cơ sở Lê Minh Xuân, Thành phố Hồ Chí Minh; Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh; chùa Quán Sứ, Hà Nội và chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam. Khoảng 12 giờ ngày 20/5, xá lợi Đức Phật sẽ được cung tiễn trở về Ấn Độ.
Là Bảo vật Quốc gia nên hành trình đưa xá lợi Phật đến Việt Nam được xem như chuyến công du của nguyên thủ. Đoàn hộ tống xá lợi Đức Phật gồm ông Kiren Rijiju – Bộ trưởng Các vấn đề Nghị viện và Dân tộc Thiểu số của Ấn Độ; ông Kandula Durgesh – Bộ trưởng Du lịch và Văn hóa bang Andhra Pradesh, các vị cao tăng và quan chức cấp cao của Ấn Độ.
“Việc cung thỉnh xá lợi do Tổ chức Mahabodhi Society Ấn Độ và Bảo tàng Quốc gia của Chính phủ Ấn Độ phụ trách, với sự hỗ trợ của Liên minh Phật giáo Quốc tế. Xá lợi mang ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt đối với cộng đồng Phật tử trên toàn thế giới và đây là lần đầu tiên xá lợi Đức Phật được đưa đến Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với sự phối hợp chặt chẽ từ Chính phủ Việt Nam, đã tích cực hỗ trợ các công tác liên quan đến Xá lợi Đức Phật tại Việt Nam theo thỏa thuận giữa hai nước,” Đại sứ cho biết.

Xá lợi Phật được rước từ Sân bay Nội Bài về Chùa Quán Sứ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 1,8 triệu lượt người đã đến chiêm bái xá lợi tại Thành phố Hồ Chí Minh, ở Tây Ninh là 125.000 người.
Đại sứ bày tỏ sự vui mừng và xúc động khi nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Chủ tịch nước Lương Cường, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đến chiêm bái xá lợi.
“Tôi thực sự xúc động khi thấy mọi người xếp hàng dài để chiêm bái xá lợi dù thời tiết nắng nóng. Nhiều cá nhân, tổ chức cũng tình nguyện phục vụ thức ăn, nước uống miễn phí cho người dân. Đó là nghĩa cử đẹp,” Đại sứ bày tỏ.
Ông Sandeep Arya cho rằng việc rước xá lợi đến Việt Nam thể hiện sự liên kết tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa giữa hai dân tộc cũng như sự chia sẻ tầm nhìn về các vấn đề mà hai nước và toàn cầu đang đối diện. Đó là tầm quan trọng của sự khoan dung, từ bi và hòa bình. Những thông điệp này đã được đưa ra xuyên suốt Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vừa qua.
Đại sứ nói thêm rằng phía Ấn Độ hài lòng với công tác tổ chức của Việt Nam trong những ngày qua. Dù lượng người chiêm bái đổ về rất đông những việc đảm bảo sự tôn nghiêm, an ninh, trật tự được duy trì rất tốt.
Tăng cường giao lưu văn hóa Việt Nam-Ấn Độ
Năm nay, Đại sứ quán Ấn Độ cũng tổ chức nhiều sự kiện văn hóa để tăng cường tình hữu nghị với Việt Nam.
Trong khuôn khổ Đại lễ Vesak vừa qua, một triển lãm chuyên đề về mối liên kết lịch sử trong tín ngưỡng Phật giáo, nghệ thuật và văn hóa kéo dài hơn hai nghìn năm được tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình kịch múa đặc biệt “Hành trình của Đức Phật Cồ-đàm” tái hiện cuộc đời và thông điệp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Nội và các địa phương khác.

Vở kịch múa tái hiện hành trình giác ngộ của Đức Phật Thích Ca. (Ảnh: ĐSQ)
Trong năm nay, Ấn Độ sẽ tiếp tục dự án bảo tồn di sản tại Việt Nam, cụ thể là phục dựng Phật viện Đồng Dương, tỉnh Quảng Nam và Dự án trùng tu khu tháp E, F trong quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, giai đoạn 2025-2029.
Trước đó, chuyên gia Ấn Độ đã giúp trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh các nhóm tháp A, K, H từ năm 2017-2022. Các đơn vị tham gia dự án đã tiến hành gia cố, trả lại dáng vẻ ban đầu như khi người Pháp phát hiện ra, được các chuyên gia trong nước, quốc tế và du khách đánh giá cao.
Đầu năm nay, Liên hoan phim Ấn Độ được người dân Việt Nam đón nhận tích cực. Sự kiện Liên hoan phim không chỉ là dịp để khán giả Việt Nam thưởng thức các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng Ấn Độ, trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo mà còn góp phần vun đắp tình hữu nghị bền chặt và sự gắn kết văn hóa giữa hai quốc gia. Ngoài ra, bộ phim hợp tác sản xuất giữa Việt Nam và Ấn Độ mang tên “Tình yêu ở Việt Nam” khởi quay vào tháng 9/2024 tại Đà Lạt hiện đang trong giai đoạn hoàn tất sản xuất và dự kiến sẽ ra mắt vào giữa năm 2025.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya trả lời báo chí. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Nối tiếp thành công của 10 sự kiện trước đây, Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 11-năm 2025 sẽ diễn ra tại nhiều địa phương kể từ ngày 16/5 đến tháng 7/2025.
“Ấn Độ trân trọng mối quan hệ bền chặt giữa nhân dân Ấn Độ và nhân dân Việt Nam và mong rằng việc cung rước xá lợi Đức Phật tới Việt Nam cùng các hoạt động giao lưu văn hóa sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai quốc gia,” Đại sứ chia sẻ./.