Những người lính gác thềm lục địa phía Nam Tổ quốc

Giữa trùng khơi sóng gió, những người lính nhà giàn DK-1 vẫn ngày đêm canh giữ thềm lục địa phía Nam, vững vàng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong hành trình đến với Trường Sa trên con tàu HQ 561, tôi đã được nghe, nhìn thấy, cảm nhận và cảm phục những người chiến sĩ Hải quân đang canh giữ thềm lục địa, biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Đại tá Nguyễn Vĩnh Nam, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân mỗi lần bước chân lên một đảo, hay nhà giàn, dường như ông bước nhanh hơn, gấp hơn như thể muốn chạm nhanh vào những cột mốc chủ quyền của Việt Nam giữa biển Đông và cũng là để có nhiều thời gian thăm hỏi những người lính với tinh thần thép ở giữa nơi chỉ có nắng, gió và sóng biển.

“Mỗi nhà giàn là một pháo đài thép, mỗi chiến sĩ là một cột mốc sống kiên trung, bất khuất và tuyệt đối trung thành với Tổ quốc”- Đại tá Nguyễn Vĩnh Nam tự hào nhấn mạnh: “Họ là hiện thân của lòng yêu nước, của tinh thần bất khuất, của những trái tim thắp sáng chủ quyền nơi đầu sóng ngọn gió”.
Đến thăm nhà giàn DK-1/15 đúng vào ngày Quân chủng Hải quân kỷ niệm tròn 70 năm Ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/1955-7/5/2025), Đại tá Nguyễn Vĩnh Nam xúc động và tự hào chia sẻ những trang sử vẻ vang của Hải quân Nhân dân Việt Nam với những người lính trẻ ở nhà giàn.

Ông cho hay, suốt 70 năm hình thành và phát triển, Quân chủng Hải quân đã viết nên những trang sử vàng chói lọi bằng máu, mồ hôi và lòng quả cảm của biết bao thế hệ cha anh. Những trận chiến oanh liệt giữa trùng khơi, những chiến công bất tử trên sóng nước đã khắc ghi tên tuổi người lính biển vào lịch sử dân tộc như những bản hùng ca vang vọng mãi.

Chính những bài học, những tấm gương kiên trung ấy đã trở thành ngọn đuốc soi đường, là lời thề thiêng liêng để lớp lớp chiến sĩ hôm nay tiếp bước vững tin, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, quyết không để mất một sải biển nào thuộc chủ quyền linh thiêng của Tổ quốc.
Tự hào biết bao khi giữa trùng khơi lộng gió, vẫn có những người lính nhà giàn những cột mốc sống, những người gác cửa thầm lặng nơi thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Mặc dù rất sợ độ cao, nhưng được chứng kiến và được nghe về những khó khăn, thử thách, sự hi sinh và lòng quả cảm của những người lính biển, tôi đã quyết tâm vượt qua nỗi sợ hãi để lên nhà giàn DK-1/15 (Phúc Nguyên) được chạm vào cột mốc chủ quyền thềm lục địa của Việt Nam. Ở độ cao cách mặt nước biển khoảng 30m với cầu thang dốc đứng quả thật chẳng dễ dàng gì.
Gặp Thượng úy Lê Quốc Đạt, Chính trị viên Nhà giàn DK1/15, quê ở Trà Vinh, anh cho biết, nhà giàn sau nhiều lần được sửa chữa và bảo quản khối thượng tầng đã to đẹp và vững chãi hơn rất nhiều.

Là một trong những người lính gác thềm lục địa đầy tâm huyết, Thượng úy Lê Quốc Đạt đã từng công tác tại Nhà giàn DK1/11 thấu hiểu rõ sự khắc nghiệt của biển khơi lẫn sự ấm áp của tình đồng đội.

Dù đã lập gia đình, khi ra nhà giàn, con của Thượng úy Đạt chưa đầy tuổi, giờ cháu đã được 18 tháng tuổi, nhưng người chiến sĩ ấy vẫn mong muốn tiếp tục gắn bó với nơi đây. “Được bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc đó là lý tưởng, là vinh dự lớn lao của những người lính Hải quân chúng tôi”- anh khẳng định.
Được biết, trên 60% cán bộ ở nhà giàn đều đã có gia đình, nhưng không vì thế mà họ cho phép mình yếu lòng. Họ luôn giữ vững tư tưởng, kiên định với nhiệm vụ, cảnh giác tuyệt đối trước mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra.


Lúc từ trên tàu 561 để xuống xuồng đến với nhà giàn, từ xa tôi đã bắt gặp một chiến sĩ với làn da đen sạm vì nắng gió biển khơi, tay phất cờ hiệu lệnh để hướng dẫn xuồng tiếp cận nhà giàn, đó là Trung sĩ Phạm Hoàng Nam.

Mỗi chiến sĩ, dù là người lính kỳ cựu hay lính trẻ mới vào quân ngũ, đều mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết sục sôi. Không có mạng internet.., nhưng anh em gần gũi với nhau hơn, chia sẻ từng chén cơm, giấc ngủ, tiếng cười trong mỗi lần câu cá, chơi bóng bàn, nghe nhạc. Họ sống như một gia đình.
Khi được hỏi cháu muốn nhắn gửi cho đất liền điều gì, không quá bất ngờ khi người chiến sĩ trẻ nhắn “Con nhớ bố mẹ lắm. Cuối năm nay con sẽ hoàn thành nhiệm vụ và trở về!”, lời nhắn gửi của Phạm Hoàng Nam khiến tôi bùi ngùi xúc động.
Lời nhắn của Trung sĩ Nam khiến tôi nhớ đến lời của một sĩ quan trên Đảo Đá Tây, “em chỉ ước giờ được nhìn thấy hình ảnh của vợ và hai đứa trẻ. Lúc em ra đảo con còn nhỏ quá, giờ cháu cũng đang học lớp 2 rồi, chắc cũng cao lên nhiều rồi”.
Nơi đầu sóng ngọn gió, nỗi nhớ nhà không bao giờ nguôi, nhưng ý chí phục vụ Tổ quốc vẫn luôn bừng cháy.

Không gian sống ở nhà giàn tuy chật hẹp nhưng đầy đủ sinh khí. Những vườn rau xanh tốt do chính tay các chiến sĩ vun trồng.
Trung sĩ Nguyễn Hoàng Nam cho hay, vườn rau có quy định rõ ràng, chỉ quân y mới được phép chăm sóc, ở đây rau xanh rất quý, để chăm sóc và bảo vệ vườn rau giảm ảnh hưởng tối đa bị gió và muối biển tác động phòng trồng phải được quây tôn cẩn thận, còn nếu ở trên đảo thì phải quây bạt lưới che chắn gió biển, hái rau cũng có quy định chặt chẽ để đảm bảo cây có thể phát triển, sinh trưởng tốt.

Người lính trẻ chia sẻ thêm, nước ngọt nơi đây vô cùng quý giá. Mỗi giọt nước là kết tinh từ những cơn mưa được hứng trên mái sân bay, gom vào bể chứa. Trên nhà giàn có hệ thống lọc nước biển, nhưng hoạt động kém rồi do sử dụng thời gian lâu bị muối biển bám.
Ngoài giờ trực, các chiến sĩ còn tham gia chăn nuôi lợn, gà, góp phần cải thiện bữa ăn. Cá biển là món chính, vừa do anh em đi câu, vừa do bà con ngư dân tặng khi tàu ghé qua.
Trung sĩ Nam cho biết, từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau là thời điểm thời tiết trên biển thường xuyên có sóng to hay áp thấp nhiệt đới, có những khi hàng nhu yếu phẩm từ đất liền gửi ra nhưng gặp sóng lớn khiến hàng tiếp tế hư hại đến một nửa, nhưng không ai kêu than. Người lính nhà giàn hiểu rằng sống giữa biển phải học cách thích nghi, xoay sở và kiên cường.
Những người lính DK-1 không chỉ sống mà còn chiến đấu với thiên nhiên. “Tháng 2 vừa rồi có gió Đông Nam cấp 8-9 rất to. Nhưng nhờ nhà giàn đã được gia cố chắc chắn nên anh em an tâm tuyệt đối”, Trung sĩ Nam nhớ lại.

Họ phải sẵn sàng chiến đấu mọi lúc, cảnh giác cao độ, báo cáo kịp thời khi có tình huống xảy ra. Từ chủ quyền lãnh thổ đến từng chuyển động nhỏ trên biển, mỗi người lính như một cột mốc sống, kiên cường trước mọi biến động.
Nói về sự quan tâm, sẻ chia của đất liền, Thượng úy Lê Quốc Đạt cho biết thêm: “Chúng tôi được các thủ trưởng và các đoàn công tác ra thăm, tặng quà, động viên, đó là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn giúp anh em vững tin nơi đầu sóng ngọn gió".
Tình quân dân nơi đây được bồi đắp qua từng chuyến tàu ghé thăm, qua từng nắm rau, con cá mà ngư dân tặng lại cho nhà giàn. Ở giữa đại dương mênh mông, tình người là thứ giữ ấm trái tim người lính.

Những người lính nhà giàn không ồn ào, không ca thán. Họ sống giản dị, lặng lẽ như sóng, nhưng cũng mạnh mẽ và bền bỉ như chính thềm lục địa phía Nam nơi họ đang canh giữ từng tấc biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Họ là những người gác cửa đại dương, là tường thành vững chãi trước mũi sóng ngọn gió. Trong trái tim họ, “mệnh lệnh từ Tổ quốc” không chỉ là nghĩa vụ, mà là lời thề thiêng liêng từ sâu thẳm tâm hồn, lời thề gìn giữ chủ quyền bằng cả đời lính.

Nói về những cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK-1, Đại tá Nguyễn Vĩnh Nam khẳng định: Các anh không chỉ là lực lượng bảo vệ những nhà giàn DK-1 vững vàng giữa biển, mà còn là những người trực tiếp bảo vệ các dàn khoan dầu khí, canh giữ vùng biển có vị trí địa chính trị, kinh tế vô cùng trọng yếu của đất nước. Các anh là lực lượng cảnh giới từ xa, là tai mắt tiên phong báo động sớm cho toàn Quân chủng nắm chắc tình hình, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ vòng ngoài.
Như cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến từng nói: “Khi giặc đến nhà, phải bước qua cái sân nhà mình trước mới được vào nhà” thì những nhà giàn chính là “sân trước” của biển đảo Việt Nam. Và các anh, những người đứng gác ở “hiên nhà biển cả” là biểu tượng cho ý chí sắt đá và tình yêu bất diệt với quê hương.

Mỗi bước chân ra với Trường Sa, với nhà giàn, là một lần trái tim lặng lẽ thầm nhắc: Yêu biển đảo không chỉ bằng lời nói mà bằng cả máu, tim và lòng trung thành sắt son với Tổ quốc. Càng ra với Trường Sa, ta càng yêu hơn biển đảo quê hương mình yêu từ con sóng đến ánh mắt người lính canh biển giữa trùng khơi.
Tổ quốc trong tim những người lính nhà giàn không chỉ là bản đồ, là biên giới, là quốc kỳ tung bay giữa biển khơi. Tổ quốc là từng con sóng họ vỗ về mỗi sớm mai, là từng vườn rau xanh họ vun trồng giữa nắng gió, là những đêm trắng thao thức gác biển và là khát vọng hòa bình cháy bỏng trong trái tim người lính.
Họ, những người gác thềm lục địa phía Nam vẫn đang lặng thầm viết tiếp bản hùng ca bất tử giữa trùng khơi, giữ vững cho đất nước một cõi yên bình.
Từ chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa, chúng tôi cảm nhận được sâu sắc một điều: Công tác tuyên truyền pháp luật về biên giới, về biển đảo ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Những lớp sóng yêu nước đang được đánh thức nơi từng người dân, từng cơ quan, từng tổ chức. Chủ quyền biển đảo không còn là khái niệm xa xôi mà trở thành một phần máu thịt gần gũi và thiêng liêng.

Nội dung: Thu Hường Ảnh: Thu Hường - Văn Đường
Đồ họa: Hồng Thịnh
Thu Hường - Hồng Thịnh