Đại sứ của lòng yêu nước thương nòi
'Quê hương luôn luôn trong lòng tôi. Ngay từ khi rời đất nước, tôi đã muốn quay về', nhà văn Phó Đức An (Peter Pho) nói với chúng tôi như vậy khi vừa 'bình thường' sau cơn say múi giờ giữa Mỹ và Việt Nam.
Về Việt Nam được ít ngày, nhưng tư gia của nhà văn Phó Đức An ở Hà Nội luôn rộn tiếng cười vui hàn huyên của bạn hữu, văn nhân và những người yêu thư pháp. Dịp cuối năm, không khí ấy càng trở nên đầm ấm, thân tình trong những chuyện xưa, chuyện nay… Đây đó là lời ca ngọt ngào từ người vợ vốn là ca nương nức tiếng vùng quan họ Kinh Bắc: Thúy Hoàn.
Mở đầu câu chuyện, nhà văn Phó Đức An nói: “Quê hương luôn luôn trong lòng tôi. Ngay từ khi rời đất nước tôi đã muốn quay về”. Dường như câu nói này không chỉ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc nói chuyện của chúng tôi mà còn là điểm tựa cho ông, một người yêu văn chương, giàu lòng trắc ẩn vững vàng vượt qua mọi gian khó nơi đất khách và cũng để lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng người Việt ở Mỹ nói riêng và người Việt Nam nói chung.
Tiếp mạch câu nói đó, nhà văn Phó Đức An cho rằng: “Vì di dân sang một đất nước khác, tôi phải lo cơm áo gạo tiền để mưu sinh. Là những lúc bận rộn đều bị mọi thứ cuốn đi nhưng nửa đêm là nhớ quê, thao thức muốn được trở về. Khi sự nghiệp vững chắc, đủ điều kiện quay về là lúc tôi cảm thấy thôi thúc nhất: Muốn về, muốn sống ở quê hương, muốn cống hiến cho quê hương. Dù cho những cống hiến ấy rất nhỏ bé nhưng tôi luôn thấy tự hào và sung sướng”.
Nhà văn Phó Đức An cho rằng, nỗi nhớ quê chỉ ở những người xa xứ mới là nỗi nhớ sâu đậm nhất. “Các bạn đang sống ở đất nước mình nên không nhận ra được sự thiêng liêng này”, nhà văn Phó Đức An chia sẻ.
Như để “trút” tình yêu và nỗi nhớ quê hương ấy, Phó Đức An đã gắn bó với văn chương từ lúc nào không hay. Sau này những cuốn sách ông viết đều là triết lý, nhân sinh quan về cuộc sống. Đó là những trải nghiệm, chiêm nghiệm sống thấm đẫm tình người, tình đời. Mà ở đó, quê hương Việt Nam là những tự tình không bao giờ vơi cạn.
Nhà văn Phó Đức An cho biết: “Ở nước ngoài, tôi đều tham gia những hoạt động do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức để hướng về quê hương. Ngay từ những ngày đầu, tôi dùng khả năng viết của mình nhằm lay động tình cảm của đồng bào hải ngoại hướng về quê hương. Để mọi người luôn nhớ rằng, mình có một nơi chôn nhau cắt rốn. Từ đó, cộng đồng người Việt thêm gắn bó, tương thân, tương ái”.
Nói đến đây, nhà văn Phó Đức An ngậm ngùi với hình ảnh những người lớn tuổi ở Mỹ với ước mong tha thiết được trở về quê hương như “lá rụng về cội”. Có lẽ bởi lòng trắc ẩn chung “tiếng nước tôi” mà nhà văn Phó Đức An xót xa: “Tôi đã chứng kiến nhiều cụ già ngồi một mình với ánh nhìn thơ thẩn về phía cửa sổ. Đó là ánh mắt hướng về phương Nam, về đất nước, về tổ tiên mình”.
Niềm mong nhớ và níu chân nhà văn Phó Đức An về Việt Nam nhiều hơn khi ông có người vợ là ca sĩ Thúy Hoàn với những làn điệu dân ca Quan họ đậm sâu tình người, tình yêu quê hương xứ sở.
Nhà văn Phó Đức An chia sẻ: “Tôi về Việt Nam đã 20 năm nay. Trong một buổi đi dự hội Lim, tôi nhìn thấy các đoàn Quan họ mặc mớ ba, mớ bảy, nón quai thao đẹp quá. Nhất là Thúy Hoàn khi mặc áo Quan họ lên. Một hình tượng khác hẳn, đẹp đẽ làm sao! Tôi như nhìn thấy bà, mẹ mình trước đây. Điều giữ chân tôi lại là tình yêu quê hương, là câu ca quan họ Kinh Bắc, là Thúy Hoàn”.
Tự hào được sinh ra ở mảnh đất Châm Khê (Phong Khê, Bắc Ninh) - là một trong 49 làng Quan họ gốc nổi tiếng của vùng Kinh Bắc - ca sĩ Thúy Hoàn đã cùng những giai điệu, ca từ quê hương ấy xây đắp hạnh phúc cùng nhà văn Phó Đức An.
Ca sĩ Thúy Hoàn nói: “Đi Mỹ hay bất kỳ nước nào, tôi rất tự hào về nền văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Bắc Ninh nói riêng. Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình. Thời Covid không được về Việt Nam, tôi rất buồn. Có lần, tôi mặc áo mớ ba, mớ bảy, đầu đội khăn mỏ quạ đứng ở cửa siêu thị rất to đứng hát mặc cho mọi ánh nhìn tò mò ngang qua. Bởi được hát là thỏa nỗi nhớ mong quê nhà”.
Khi ca sĩ Thúy Hoàn sang chăm sóc mẹ chồng ốm ở Mỹ và từng hát ở cho gia đình, bạn bè nghe ở một nhà hàng. “Khi nghe tôi hát, một số đồng bào là người Việt rất xúc động. Họ đến mời tôi đi hát về chủ đề quê hương nhưng tôi từ chối vì chăm mẹ già. Hay một lần chúng tôi đi ăn phở, rồi được đề nghị hát. Lúc tôi hát xong một em đi đến rơm rớm nước mắt nói rằng: “Chị hát làm em nhớ mẹ em lắm”. Điều này chỉ khi ở nước ngoài, những người xa quê mới chiêm nghiệm được”, ca sĩ Thúy Hoàn nhớ lại.
Clip ca sĩ Thúy Hoàn thể hiện tình yêu đất nước qua câu dân ca:
Trong câu chuyện của mình, nhà văn Phó Đức An liên tục nhắc đến nỗi nhớ mong quê hương khi mưu sinh ở đất khách. “Khi tôi nghe Thúy Hoàn hát “Bèo dạt mây trôi” là muốn bay về ngay”, nhà văn Phó Đức An nhấn mạnh.
Một người yêu văn chương, có vốn sinh ngữ dồi dào, một người coi dân ca Quan họ là lẽ sống của đời mình. Họ gặp nhau bởi tình yêu đậm sâu với quê hương. Không những thế, bằng cầu nối văn chương, ca từ họ đã chạm đến trái tim nhiều người Việt Nam. Mang đến cho cộng đồng nét đẹp hồn hậu của quê hương. Cũng từ đó, họ xây dựng được một vòng tròn nhân ái để sẻ chia những khó khăn với đồng bào.
Theo nhà văn Phó Đức An, tên khai sinh của ông không nhiều người biết nhưng cái tên Peter Pho được cộng đồng mạng biết đến nhiều hơn.
“Thời đại 4.0, nền tảng mạng xã hội như facebook đã mang lại cho tôi những người bạn từ nhiều nơi. Hơn 10 năm xây dựng nhóm bạn bè này, tài khoản Peter Pho có hơn 300.000 bạn theo dõi. Trong đó rất nhiều những người bạn cùng chung một niềm tin, tình yêu quê hương, đồng bào. Nếu không có hai từ thân thương ấy sẽ không thể gắn kết chúng tôi với nhau. Tôi bắt đầu nghĩ mình phải làm việc gì đó có ích cho xã hội, đồng bào. Mỗi lần chúng tôi phát động phong trào thiện nguyện được đông đảo các bạn ủng hộ. Các bạn không phải giàu có gì, nhưng mỗi người một viên gạch là đã xây một tòa nhà lớn”, nhà văn Phó Đức An chia sẻ.
Năm 2022, nhà văn Phó Đức An (Peter Pho) ra mắt cuốn sách “Rong chơi một kiếp người”, đây là cuốn sách thứ 5 sau 4 cuốn trước đó đều dày hơn 500 trang: Chém theo chiều gió, Luận Anh hùng, Tiếu ngạo hồng trần, Đường đời. Giới phê bình văn học nhận định: “Biến những status ở facbook trở thành ngôn ngữ văn học cho người đọc của thời đại 4.0 - đây là một việc không dễ dàng. Peter Pho đã làm được, mà còn rất thành công”.
Năm 2020, vợ chồng nhà văn Phó Đức An đã giới thiệu đến khán giả album hát quan họ "Se chỉ luồn kim" và tạp văn "Tiếu ngạo hồng trần". Trong sự kiện, vợ chồng nhà văn Phó Đức An chia sẻ toàn bộ số tiền bán album, tạp văn và đấu giá tranh thư pháp sẽ được gửi đến miền Trung, đặc biệt ở 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (Quảng Bình) để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn vì bão lũ.
Nhà văn Phó Đức An nói: “Chúng tôi về Việt Nam đều có các hoạt động xã hội. Mọi người chắc biết đến Peter Pho với tác phẩm “Chém theo chiều gió” gồm 6 tập, mỗi năm tôi cho ra một tập. Mỗi lần ra sách, tôi đều rút một số tiền để làm từ thiện”.
Bán sách, album nhạc để gây quỹ, nhà văn Phó Đức An còn được biết đến là nhà thư pháp. Năm 2022, vợ chồng nhà văn Phó Đức An cùng góp sức để gây quỹ được hơn 1 tỷ đồng để làm từ thiện bằng việc viết thư pháp.
“Tôi đã dùng ngòi bút thư pháp viết hơn 1.500 bức trong vòng 10 ngày. Chúng tôi đã thu về hơn 1 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này xây 2 lớp học vùng cao huyện Vị Xuyên, Hà Giang, tặng các hộ nghèo 5 con trâu, làm một đoạn đường ở huyện Mèo Vạc và tặng 1 căn nhà cho hộ nghèo với trị giá hơn 100 triệu đồng. Những đồng tiền này đều minh bạch, có ban kiểm tra giám sát từng đồng tiền chi ra như thế nào”, nhà văn Phó Đức An nói.
Ca sĩ Thúy Hoàn chia sẻ: “Thúy Hoàn rất đồng tình với việc làm của chồng. Tôi có chút nào sẽ góp thêm vào với anh. Điều rất mừng là bằng chút khả năng của mình, không những chúng tôi mang lại cái đẹp cho đời mà còn chia sẻ được với những mảnh đời còn khó khăn”.
Vừa ổn định lại sức khỏe sau chuyến bay dài, nhà văn Phó Đức An tiếp tục phát động gây quỹ thiện nguyện trên trang facebook cá nhân bằng cách viết thư pháp.
Clip chia sẻ tấm lòng hướng về quê hương của vợ chồng nhà văn Phó Đức An:
Không chỉ mang tiếng hát, lời ca sâu sắc về quê hương Việt Nam, vợ chồng nhà văn Phó Đức An còn giúp những người quanh mình hiểu về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam nồng hậu và ân tình.
Ca sĩ Thúy Hoàn cho biết: “Khi tôi sang Mỹ, đây đó còn có người hiểu chưa đúng về Việt Nam qua những trang tin không chính thống. Nhưng khi tôi nói và mời về Việt Nam, họ bắt đầu tò mò. Đặc biệt, những chuyến đi của những người thân, bạn bè của gia đình nhà chồng về Việt Nam đã cho họ một thiện cảm tốt. Như con rể của chồng tôi sang Việt Nam nửa tháng và khi trở về Mỹ đã rất nhớ Hà Nội và nói rằng “Yêu Hà Nội”. Trong những buổi gặp mặt với gia đình đều nói về Việt Nam với một niềm tự hào, tin cậy”.
Nhà văn Phó Đức An cho rằng: “Có thể chúng ta không vừa ý với một phát ngôn nào đó ở quê nhà nhưng chúng ta không thể không có quê hương”.
Trước khi về Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ đã mời vợ chồng Thúy Hoàn đến hát quan họ và nhà văn Phó Đức An viết thư pháp.
“Nhiều anh chị ở đại sứ quán nói rằng, chúng tôi đã mang hơi ấm quê hương đến cho họ. Ngược lại, cách họ trao tình cảm đến cho vợ chồng tôi rất ấm áp. Vì thế, ngôi nhà của đại sứ như ngôi nhà thứ hai của chúng tôi ở Mỹ vậy”, ca sĩ Thúy Hoàn nói.
Tình yêu quê hương của gia đình nhà văn Phó Đức An không chỉ dừng lại là họ hát cho nhau nghe, viết cho nhau đọc mà còn tạo được một vòng tròn nhân văn ở những người quanh họ. Từ đó, nhân lên lòng yêu nước thương nòi. Họ chính là những đại sứ mà bất kỳ người làm công tác ngoại giao nào cũng mong gặp để nhân lên nét đẹp này.
Bài viết: Lê Vân/Báo Tin tức
Ảnh: Lê Vân, Nhân vật cung cấp
Clip: Lê Phú
Trình bày: Tuệ Thy
09/02/2024 02:12