Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper: Cảm ơn Việt Nam vì sự nồng hậu và lòng hiếu khách

'Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Thành công của các bạn là thành công của chúng tôi và dù trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, y tế, an ninh hay giáo dục, chúng ta là đối tác lâu dài. Cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì sự nồng hậu và lòng hiếu khách mà tôi nhận được hằng năm'.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper. Ảnh: VGP

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper. Ảnh: VGP

Nhân dịp chào đón năm mới Giáp Thìn 2024, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper đã dành cho Báo Điện tử Chính phủ cuộc trao đổi cởi mở về những dấu ấn đã đạt được trong năm qua giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như những kỳ vọng trong năm mới 2004. Đồng thời ông cũng chia sẻ cảm nhận của mình đối với Tết cổ truyền Việt Nam sau nhiều năm làm việc tại Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay

Năm 2023 đánh dấu hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện cũng như chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ song phương và triển vọng hợp tác giữa hai nước sau những sự kiện này?

Đại sứ Marc Knapper: Mối quan hệ giữa hai quốc gia đang phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Khi các nhà lãnh đạo của chúng ta gặp nhau vào tháng 9 năm ngoái trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hai bên đã thống nhất khởi động một kỷ nguyên mới của quan hệ song phương tập trung vào công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với nhận thức rằng Việt Nam có tiềm năng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn có sức chống chịu. Hơn thế nữa, các nhà lãnh đạo nhất trí phát triển hệ sinh thái, khung pháp lý, lực lượng lao động và nhu cầu cơ sở hạ tầng bán dẫn hiện có của Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đã chú ý đến lĩnh vực này. Kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ, tập đoàn bán dẫn Hoa Kỳ Amkor Technology đã mở nhà máy mới nhất tại tỉnh Bắc Ninh – đây là dự án đầu tư trị giá 1,6 triệu USD; Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) đã đến thăm Việt Nam hai lần và trong chuyến thăm thứ hai đã mang theo một đoàn các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Về phía hai Chính phủ, chúng ta đang hợp tác trong chương trình giáo dục chú trọng khoa học – công nghệ - kỹ thuật – toán học (viết tắt là STEM) từ bậc tiểu học đến sau đại học, kết nối các cơ quan Chính phủ và cơ sở giáo dục của Việt Nam và Hoa Kỳ. Chúng tôi đã mở rộng Chương trình Fulbright để đưa STEM thành ngành nghiên cứu ưu tiên. Cho đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ hơn 7.000 sinh viên Việt Nam từng theo học các chương trình trao đổi và du học của chúng tôi, nhưng chúng tôi mong số lượng sinh viên sẽ nhiều hơn thế, bao gồm trong những lĩnh vực quan trọng này, để giúp Việt Nam đạt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư trong những năm tới.

Bên cạnh xây dựng các chuỗi cung ứng có sức chống chịu, mới đây chúng tôi đã ký kết một Biên bản ghi nhớ với Bệnh viện Bạch Mai nhằm tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu về đột quỵ và phục hồi chức năng mạch máu não. Chúng ta thậm chí đang phối hợp về không gian vũ trụ. NASA và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vừa mới đón các nhà khoa học từ khắp các nước đến Hà Nội để tìm hiểu Chương trình Độ che phủ đất và Thay đổi trong sử dụng đất của NASA có thể giúp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu như thế nào.

Việt Nam cũng đã đặt ra những mục tiêu cao khác cho mình, bao gồm mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là những lĩnh vực mà không chỉ các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và Chính phủ đang tiến hành đổi mới sáng tạo, mà các tổ chức phi chính phủ cũng đóng vai trò then chốt để mang lại những góc nhìn đa dạng nhằm hỗ trợ các mục tiêu của Chính phủ. Khi tất cả các yếu tố này cùng được thực hiện đồng bộ, các mục tiêu như chuyển dịch sang năng lượng xanh và năng lượng tái tạo đều có thể thực hiện được.

Hai nước đang tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư song phương; Việt Nam cũng đang thúc đẩy Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đại sứ đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Đại sứ Marc Knapper: Về việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư, như các nhà lãnh đạo của chúng ta đã nêu trong Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ về nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023, cả hai nước đều nhất trí coi tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo là nền tảng cốt lõi và nguồn động lực trong quan hệ song phương.

Nhìn lại 30 năm qua kể từ khi Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam (2/1994), thương mại song phương đã tăng 300 lần kể từ năm 1995. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 139 tỷ đô la Mỹ. Năm ngoái, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Hoa Kỳ. Một lĩnh vực khác mà chúng ta đang cùng nhau hợp tác là hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta đã thấy sự tiến bộ to lớn trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (viết tắt là IPEF).

Tháng 11/2023, các đối tác IPEF đã ký tham gia Thỏa thuận Chuỗi cung ứng nhằm hạn chế tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, giống như những gì chúng ta đã trải qua trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Họ đã kết thúc đàm phán Thỏa thuận Kinh tế sạch, trong đó tập trung vào quá trình chuyển dịch năng lượng sạch và sẽ thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch tại Việt Nam. Đây là tiền đề thu hút nhiều doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Các đối tác IPEF cũng đang hoàn tất Thỏa thuận Kinh tế công bằng để tăng cường thực thi chống tham nhũng và thực thi thuế nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong khu vực. Trong thời gian tới, chúng tôi mong đợi Chính phủ Việt Nam tiếp tục hợp tác trong việc thực hiện các thỏa thuận này nhằm mang lại lợi ích cho các nền kinh tế của chúng ta.

Về việc Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, hiện Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang tiến hành quy trình phân tích trước khi đưa ra quyết định theo đúng luật pháp Hoa Kỳ.

Theo quy định của Hoa Kỳ, có sáu yếu tố được xem xét khi xác định liệu một quốc gia có phải là nền kinh tế có thị trường hay không: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.

Chúng tôi hoan nghênh cam kết của Việt Nam đối với tiến trình này và khuyến khích Việt Nam tiếp tục cải cách kinh tế.

"Thành công của các bạn là thành công của chúng tôi"

Đại sứ đã trải qua năm 2023 như thế nào và với ông đâu là dấu mốc đáng chú ý nhất?

Đại sứ Marc Knapper: Tất nhiên, sự kiện quan trọng của năm là chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden và việc nâng cấp quan hệ song phương thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu không đề cập đến trong chuyến thăm có khoảng 1/4 nội các của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Bên cạnh đó là các chuyến thăm của một số phái đoàn cấp cao của Quốc hội và đặc biệt là chuyến thăm của tàu sân bay U.S.S. Ronald Reagan đến Đà Nẵng trong mùa hè vừa rồi. Tất cả những chuyến thăm này đều đáng nhớ và thực sự phản ánh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Với cá nhân tôi, điều đáng nhớ là sau khi đã làm việc ở Việt Nam vào đầu những năm 2000 và có những kỷ niệm đẹp khi nỗ lực vì tương lai của mối quan hệ hai nước khi đó, tôi lại được quay lại đây với tư cách là Đại sứ và chủ trì lễ khởi công khu phức hợp Đại sứ quán mới rộng 8 mẫu (tương đương 3,2 ha) ở quận Cầu Giấy vào tháng 4/2023. Trong các cuộc trò chuyện với những người đồng cấp và đồng nghiệp Việt Nam của tôi, chúng tôi đều thấy rằng, công trình này có ý nghĩa đối với cả hai chính phủ, người dân hai nước và sẽ là biểu tượng cho tương lai của mối quan hệ song phương.

Cùng với đó, tôi được chứng kiến hai nhà lãnh đạo của chúng ta, Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nâng cấp mối quan hệ song phương tại Trụ sở Trung ương Đảng. Đây cũng là một sự kiện thật đáng nhớ.

Bên cạnh đó, vào tháng 12/2023, thật đặc biệt khi chứng kiến sự tương tác giữa các bạn trẻ Việt Nam và Hoa Kỳ khi họ chơi ném còn và nhảy hip-hop, thể hiện chiều sâu kết nối giữa hai quốc gia tại Lễ hội Giao lưu Hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ do chúng tôi phối hợp với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long. Sự tương tác giữa hai nền văn hóa của chúng ta và sự hiểu biết lẫn nhau được thúc đẩy bởi những hoạt động giao lưu như thế này là những dấu mốc thực sự cho tình hữu nghị lâu dài và liên tục phát triển của hai nước.

Tết cổ truyền Việt Nam là một trải nghiệm khác biệt

Đại sứ đã đón Tết ở Việt Nam như thế nào và ông có thể chia sẻ ấn tượng gì về Tết cổ truyền Việt Nam?

Đại sứ Marc Knapper: Mỗi dịp Tết cổ truyền Việt Nam khi tôi ở đất nước các bạn là một trải nghiệm khác biệt. Tôi vẫn luôn nói rằng, có một điều không thay đổi từ cái Tết đầu tiên khi tôi là một viên chức đến bây giờ là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là sự nồng hậu và hiếu khách của người dân Việt Nam. Tôi nghĩ rằng trong 20 năm qua, tình hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, ông chia sẻ điều gì với bạn đọc của chúng tôi?

Đại sứ Marc Knapper: Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam. Thành công của các bạn là thành công của chúng tôi và dù trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, y tế, an ninh hay giáo dục, chúng ta là đối tác lâu dài. Cảm ơn Chính phủ và Nhân dân Việt Nam vì sự nồng hậu và lòng hiếu khách mà tôi nhận được hằng năm. Chúc mừng năm mới thịnh vượng, dồi dào sức khỏe và tình bạn của chúng ta.

Chúc mừng năm mới!

Kiều Liên

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/dai-su-hoa-ky-marc-knapper-cam-on-viet-nam-vi-su-nong-hau-va-long-hieu-khach-102240207212414326.htm