Đại sứ Ukraine bỏ phép tắc ngoại giao, làm khó Úc trong xung đột với Nga
Ông Volodymyr Shalkivskyi, Đại sứ Ukraine tại Úc, nhấn mạnh không thể tiếp tục giữ phép lịch sự ngoại giao khi cha mẹ mình phải ngày đêm trong hầm trú ẩn ở Kiev và yêu cầu trục xuất đại sứ Nga.
"Cha mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi, họ từ chối rời khỏi thủ đô Kiev bất chấp giao tranh" - báo Anh Guardian ngày 10-3 dẫn lời Đại sứ Ukraine tại Úc Shalkivskyi - "Họ vẫn làm bánh mì cho binh sĩ Ukraine và dành cả đêm trong hầm trú bom. Cha tôi nói với tôi rằng 2 đêm trong hầm tránh bom là đủ để thay đổi hoàn toàn bất kỳ tình cảm thân Nga nào mà ông đã lưu giữ trong tim mình".
Chính phủ Úc đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với giới tinh hoa Nga kể từ khi xảy ra xung đột với Ukraine. Tuy nhiên, Úc đã ngừng việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga giai đoạn này vì muốn giữ các đường dây liên lạc cởi mở.
Đại sứ Shalkivskyi cũng cho biết trong khi làm việc, ông luôn phải đấu tranh tư tưởng giữa "phép lịch sự ngoại giao" và trẻ em Ukraine đã chết trong các trận pháo kích.
"Tôi không thể tiếp tục giữ phép lịch sự về mặt ngoại giao được nữa. Cha mẹ tôi phải trong hầm trú ẩn, điều đó khiến tôi phải quyết đoán hơn" - ông Shalkivskyi giải thích. Theo ông, bây giờ là lúc cần sử dụng tất cả những gì có thể trong cuộc chiến.
"Vâng, tôi muốn đại sứ Nga bị trục xuất. Tôi muốn tẩy chay tất cả tuyến đường cung cấp và dịch vụ của Nga ở Úc. Tôi muốn ngăn chặn bất kỳ công ty vận tải Nga nào đi vào lãnh hải..." - đại sứ Shalkivskyi nói.
Lời kêu gọi của Đại sứ Ukraine được đưa ra sau giới chức Kiev cho biết loạt nổ bom của Nga đã phá hủy hoàn toàn bệnh viện phụ sản ở Mariupol, khiến ít nhất 17 người bị thương.
Đại sứ Shalkivskyi cũng cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những tính toán sai lầm, bao gồm cả nhận định phương Tây có thể chia rẽ vì xung đột Ukraine và các lực lượng Nga có thể nhanh chóng chiếm được Kiev.
Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24-2, đến nay, hai phái đoàn Kiev và Moscow đã trải qua ba vòng đàm phán.
"Ukraine đang tham gia đối thoại với Nga nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ quyền tự do của mình" - ông Shalkivskyi quả quyết - "Chúng tôi thuộc về đại gia đình châu Âu và không đời nào chúng tôi từ bỏ".
Theo tiết lộ của Đại sứ Shalkivskyi, ông đã nhận được những cuộc điện thoại của người Úc muốn gia nhập Quân đoàn Quốc tế ở Ukraine nhưng không rõ có bao nhiêu người đã đến nước này.
Chính phủ Úc đã cảnh báo các công dân không nên đến Ukraine để chiến đấu cho cả hai bên (Nga hoặc Ukraine), việc này sẽ rất nguy hiểm và không rõ ràng về mặt pháp lý.
Theo Bộ luật Hình sự Úc, việc một người Úc ra nước ngoài để tham gia các hoạt động thù địch là hành vi phạm tội, trừ khi tham gia lực lượng vũ trang của chính phủ nước ngoài.
Đại sứ Ba Lan tại Kiev, ông Bartosz Cichocki ngày 10-3 nói với kênh TVN24 (Ba Lan) rằng việc lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine sẽ giúp xung đột kết thúc nhanh hơn và cứu sống được hàng trăm người.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã yêu cầu NATO lập vùng cấm bay nhưng liên minh này đã từ chối do lo ngại có thể kéo vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Lầu Năm Góc hôm 9-3 cũng từ chối lời đề nghị của Ba Lan về việc chuyển máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga sản xuất đến căn cứ của Mỹ ở Đức và sau đó Mỹ có thể giao cho lực lượng không quân Ukraine.