Đại sứ Việt Nam tại các thị trường lớn bàn chuyện hỗ trợ ngành gỗ
Chỉ có 4 nước châu Á có hiệp định thương mại tự do với EU: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam. Ngoài Việt Nam thì 3 nước còn lại không có thế mạnh xuất khẩu sản phẩm gỗ. Vậy tại sao xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang EU lại sụt giảm nhiều như vậy?
Tại cuộc họp giao ban tháng 5/2023 của Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế (Bộ Ngoại giao), tối 22/5, các Đại sứ Việt Nam tại 3 thị trường lớn: EU, Trung Quốc, Mỹ đã thông tin về biến động tình hình thị trường và đưa ra nhiều khuyến nghị với doanh nghiệp ngành gỗ.
Vì sao thị trường EU có nhu cầu lớn, nhưng gỗ Việt chỉ chiếm 1%?
Tại cuộc họp, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, kiêm Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU Nguyễn Văn Thảo chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp ngành gỗ và đặt ra băn khoăn vì sao kim ngạch xuất khẩu gỗ sang thị trường này lại sụt giảm nhiều như vậy.
Theo Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU, trong năm 2022 và quý 1/2023, EU có khó khăn nhưng đây là thị trường đầy triển vọng thị trường. Trong báo cáo mới nhất của EU, dự kiến GDP của khối này sẽ tăng 1% trong năm nay và tăng 1,7% vào 2024.
Tiêu dùng cá nhân cũng được dự báo tăng 0,5% trong 2023 và tăng 1,8% năm 2024. EU đang phải đối mặt với lạm phát tuy nhiên đã được kiểm soát tốt hơn so với dự báo. Trong năm 2023, EU sẽ tăng 3% cho xuất khẩu và 2,1% cho nhập khẩu ngoài khối.
“Câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ số nhập khẩu của EU không suy giảm mà kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam lại giảm nhiều như vậy. Tôi cho rằng, nguyên nhân từ phía EU chỉ là một phần.
Cần xem lại chính sản phẩm của chúng ta đã đủ sức cạnh tranh hay không? Nhất là khi thị trường Trung Quốc năm 2022 đóng cửa, nhưng 2023 đã mở cửa trở lại đã tạo thành đối trọng cạnh tranh lớn”, ông Thảo nói.
Nói riêng về nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm của EU vẫn ở mức lớn, 2021 khối này nhập tới 14 tỷ Euro, 2022 nhập 15,8 tỷ Euro. Ngược lại, Việt Nam chỉ xuất khẩu sang EU được 112 triệu Euro năm 2021 và đạt 175 triệu Euro vào 2022.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo
Do đó, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo đề xuất giải pháp, trong ngắn hạn, cần đa dạng hóa các sản phẩm, nghiên cứu chọn ra các mặt hàng có thể đẩy mạnh đầu tư thâm nhập thị trường. Đối với Liên minh EU, việc ổn định nguồn hàng đóng vai trò quan trọng quyết định cần liên kết doanh nghiệp lại với nhau đáp ứng yêu cầu.
Đặc biệt là công tác quảng bá, các doanh nghiệp cần chú trọng và chủ động nhiều hơn, xuất hiện nhiều hơn trong các gian hàng sản phẩm gỗ, nội thất của EU. Việc tham gia các hội chợ gỗ là cần thiết nhưng chưa đủ, các doanh nghiệp cần xây dựng chương trình quảng bá chuyên nghiệp thâm nhập thị trường.
Về dài hạn, Trưởng phái đoàn Liên minh EU cho rằng, cần đầu tư vào công nghệ là yếu tố không thể thiếu để đảm bảo hạ giá thành sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã.
“Bản thân doanh nghiệp xác định ra biển lớn sẽ đối mặt sóng lớn, cần có sự chuẩn bị kỹ càng về tập quán kinh doanh, pháp lý trong thương mại.
Đáng lưu ý, doanh nghiệp gỗ sẽ bị tác động rất lớn trước các đạo luật mới chuẩn bị ban hành của EU, do đó cần có sự chuẩn bị tâm lý và thích nghi với các thay đổi này, đáp ứng yêu cầu thị trường”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo chia sẻ.
Tận dụng cơ hội từ các chính sách thương mại mới của Trung Quốc
Khẳng định thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn về gỗ và các sản phẩm gỗ, Đại sứ Phạm Sao Mai, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc thông tin, Trung Quốc hiện đang nhập khẩu gỗ dăm nhiều nhất thế giới và Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất sang nước này. Năm 2022 tác động của nền kinh tế thế giới nói chung gây ảnh hưởng lớn đến xuất – nhập gỗ của Trung Quốc.
Thông tin về các chính sách mới, Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết, từ 1/1/2023, Trung Quốc áp dụng giảm thuế suất đối với 1.002 mặt hàng, trong đó có nhiều mặt hàng gỗ, sản phẩm gỗ, từ 29 quốc gia/vùng lãnh thổ, theo 19 hiệp định thương mại tự do song phương. Điều này sẽ góp phần tạo ổn định giá nguyên liệu gỗ trong nội địa và phục hồi thị trường bất động sản với nhu cầu sử dụng gỗ.
"Gần đây, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng tạo việc làm, phục hồi kinh tế, Trung Quốc đã ban hành 18 biện pháp ổn định kết cấu ngoại thương, nhấn mạnh tăng cường nhập khẩu với các nước xung quanh. Các chính sách mới này sẽ có tác động nhiều tới xuất khẩu gỗ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, nhất là khi Việt Nam là thị trường nhập khẩu gỗ chính của nước này".
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai
Để nắm bắt các cơ hội tại thị trường này, Đại sứ Phạm Sao Mai khuyến nghị, Hiệp hội gỗ cần tổ chức các đoàn khảo sát để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tham gia sâu hơn vào các hội chợ chuyên ngành của Trung Quốc, theo sát hoạt động của nhà đầu tư Trung Quốc liên quan đến các sản phẩm gỗ và lâm sản.
Bên cạnh đó, tham mưu thêm cho các doanh nghiệp gỗ ở thị trường Trung Quốc, Tham tán Thương mại Việt Nam ở Trung Quốc Nông Đức Lai lưu ý các thách thức khi thị trường Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại sẽ tạo ra những áp lực cạnh tranh lớn.
Trong bối cảnh, các doanh nghiệp gỗ Việt cần tận dụng sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc chuyển từ các sản phẩm mang tính quý hiếm sang các sản phẩm thông minh, mang tính ứng dụng cao.
Doanh nghiệp cần cẩn trọng về nguồn gốc nguyên liệu
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Thanh Nga, Phó Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết, phần lớn các nhà nhập khẩu gỗ vào Mỹ có sự suy giảm ngày càng tăng, thậm chí lớn hơn Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam là nhà xuất khẩu gỗ lớn thứ 3 vào Mỹ, sau Trung Quốc và Canada.
Mặt hàng gỗ đang đứng trước những nguy cơ gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại, nhất là trong bối cảnh khi Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, nên các kết quả điều tra thương mại thường bất lợi cho sản phẩm của ta.
Bà Nga, chia sẻ dự báo từ các chuyên gia Mỹ cho rằng, đến nửa cuối 2023, nhu cầu từ thị trường Mỹ sẽ tăng cao hơn so với đầu năm, nhưng cũng khó có thể tăng quá mạnh do nền kinh tế Mỹ vẫn đang ảm đạm và có nguy cơ suy thoái. Do đó, việc xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh này, để giảm thiểu các tác động bất lợi, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo doanh nghiệp cẩn trọng về xuất xứ, nguồn gốc, khai thác hợp pháp, không sử dụng nguyên liệu từ các nước đang bị Mỹ áp dụng phòng vệ thương mại.
"Ngoài ra, khi xảy ra các vụ điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần hợp tác đầy đủ với các cơ quan của Mỹ, cung cấp thông tin đúng hạn và trao đổi thông tin với các cơ quan trong và ngoài nước", Phó Đại sứ Hoàng Thị Thanh Nga lưu ý.