Đại tá - Nhà báo Trần Thế Tuyển: Cả cuộc đời đau đáu với nghiệp cầm bút

Trần Thế Tuyển tập tành viết báo từ những năm tháng chiến tranh, đến nay đã hơn 70 tuổi ông vẫn hăng say với nghiệp cầm bút. Hàng chục năm gắn bó với nghề báo, trên các cương vị khác nhau, ông đã có nhiều đóng góp, cống hiến cho nền báo chí nước nhà.

Tôi được biết đến Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Nguyên Cục phó Cục Báo chí, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng thông qua chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn và đôi câu đối "Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia".

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), Báo Sức Khỏe & Đời Sống có cuộc trò chuyện với "cây bút" lão làng này.

Vừa cầm súng, vừa cầm bút

Năm 2025, nước ta kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), nhưng Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển đã có hơn 50 năm làm báo.

Từng đọc qua nhiều tác phẩm, xem các chương trình truyền hình về ông nhưng khi gặp trực tiếp, tôi mới có cảm nhận rõ nét hơn về con người này. Đó là vẻ nghiêm nghị, bản lĩnh của người bộ đội Cụ Hồ nhưng sâu thẳm bên trong là sự gần gũi, đầy chất văn thơ của một nghệ sĩ.

Lớn lên trên mảnh đất Hải Hậu, Nam Định, nơi sản sinh nhiều nhân tài của đất nước, Trần Thế Tuyển dường như được hưởng cái gen của các bậc hiền tài. Năm 1970, chưa đủ 18 tuổi nhưng ông quyết định xếp bút nghiên lên đường ra trận theo tiếng gọi của Tổ quốc. Từ Nam Định, ông vượt Trường Sơn đến tận miền Tây Nam Bộ cầm súng chống giặc Mỹ.

Dù đã về nhưng cựu nhà báo Trần Thế Tuyển vẫn hằng ngày "ăn cơm nhà vác nghĩa tình đồng đội". Ảnh: NVCC.

Dù đã về nhưng cựu nhà báo Trần Thế Tuyển vẫn hằng ngày "ăn cơm nhà vác nghĩa tình đồng đội". Ảnh: NVCC.

Những ngày mới vào chiến trường, ngoài cầm súng chiến đấu, ông luôn tận dụng thời gian rảnh để viết. Ban đầu, ông viết nhật ký kể về những kỷ niệm hành quân của mình cùng đồng đội.

Đến năm 1973, ông được giao phụ trách tờ "Tin trung đoàn". Đây được xem là "sân chơi" đầu tiên giúp ông rèn giũa ngòi bút để hiện thực hóa giấc mơ trở thành phóng viên chiến trường.

"Cuộc sống khó khăn của người lính, gian nan của những cuộc hành quân, thảm khốc của chiến tranh và sự hy sinh của đồng đội đã thôi thúc tôi chiến đấu và cống hiến. Lúc đó, vừa đi hành quân tôi vừa viết nhật ký, trở thành một nhà báo chiến trường là giấc mơ lớn nhất của tôi lúc bấy giờ", Đại tá Trần Thế Tuyển tâm sự.

Những năm tháng khốc liệt trên chiến trường để lại trong ông nhiều kỷ niệm, có những câu chuyện buồn, cũng có những ký ức rất đỗi tự hào. Trực tiếp tham gia, chứng kiến những cảnh thảm khốc khiến ngòi bút của ông ngày càng trở nên đanh thép. Bóng dáng của những người lính, những người đồng đội ăn sâu và luôn xuất hiện trong những tác phẩm của ông.

"Còn nhớ những năm tháng "quần nhau với giặc", có đêm tôi cùng đồng đội chôn cất hơn 30 liệt sĩ. Những chàng trai mới vừa đây tôi còn trò chuyện với họ. Trong vòng 3 năm, đơn vị của tôi có hơn 1.000 người ngã xuống ở chiến trường Long Khốt (Long An)", Đại tá Trần Thế Tuyển ngậm ngùi nhớ lại.

Thời gian trôi qua, bối cảnh chiến tranh ăn sâu trong tâm khảm của ông, tạo cảm hứng, hình thành nên phong cách một Trần Thế Tuyển rất riêng. Mãi về sau này, hòa bình lặp lại, nhưng với ông, những ký ức ấy vẫn không hề nhạt phai.

Sau giải phóng, Đại tá Trần Thế Tuyển về làm việc tại Báo Quân khu 7, Báo Quân đội Nhân dân, sau đó ông lên làm Cục Phó Cục Báo chí Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Thông tin & Truyền thông. Trước khi về hưu, ông giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Nghề báo nguy hiểm nhưng cao quý

Trải qua nhiều cương vị trong suốt hơn 5 thập kỷ, từng vào sinh ra tử, "lên bờ xuống ruộng", đối mặt với muôn vàn gian nan và thử thách từ thời chiến đến thời bình, Đại tá Trần Thế Tuyển chia sẻ thật lòng, nghề báo là nghề vô cùng nguy hiểm.

"Trải qua rồi tôi mới thấm được câu của nhà văn Hữu Ước - Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân rằng "Tổng Biên tập là người đi xiếc trên dây". Nghề báo là một nghề nguy hiểm.

Một tác phẩm, một bài viết được xuất bản không chỉ ảnh hưởng tới một cá nhân mà còn ảnh hưởng tới cả tập thể, thậm chí là cả xã hội", Đại tá Trần Thế Tuyển chia sẻ.

Nói về vai trò của báo chí, Đại tá Trần Thế Tuyển nhấn mạnh, dù ở thời đại nào, báo chí luôn là công cụ truyền tải thông tin, định hướng dư luận. Tuy nhiên, nếu như ngày xưa báo chí chủ yếu tập trung ngợi ca, chứng minh nhằm mục đích động viên toàn xã hội thực hiện nhiệm vụ chính trị giải phóng đất nước thì bây giờ, báo chí lại có tính phản biện rất cao. Báo chí không chỉ nói một chiều mà phải phản ánh rất nhiều mặt trong xã hội và có tính thuyết phục cao thì mới có thể đi vào cuộc sống".

Không những nguy hiểm, Đại tá Trần Thế Tuyển cho rằng đây cũng là nghề "cám dỗ", vì báo chí là nghề có quyền lực mềm. Sau lập pháp, hành pháp và tư pháp, báo chí được coi là quyền lực thứ 4. Nhà báo nắm quyền lực thứ 4 ấy nên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện.

"Để trở thành nhà báo chân chính cần xác định động cơ đúng đắn, rõ ràng. Tôi thường dạy học trò của mình, vào ngành báo chí thì đừng nghĩ tới việc "kiếm cơm" đầu tiên. Đương nhiên, phải kiếm cơm nuôi sống bản thân và gia đình nhưng nó không phải là mục đích đầu tiên và phải bằng mọi giá để đạt được mà người làm báo phải tìm mọi cách để cống hiến và lan tỏa những điều tốt đẹp tới xã hội", nguyên TBT Báo SGGP tâm sự.

Ông nhấn mạnh, người làm báo cần dũng cảm, dám dấn thân nhưng cũng cần khiêm tốn, không ngừng học tập và tu dưỡng, rèn luyện về cả ngòi bút và đạo đức.

Đại tá Trần Thế Tuyển - người chiến sĩ vừa cầm bút vừa cầm súng. Ảnh: NVCC.

Đại tá Trần Thế Tuyển - người chiến sĩ vừa cầm bút vừa cầm súng. Ảnh: NVCC.

Đại tá Trần Thế Tuyển nhìn nhận, trong 99 năm qua, báo chí nước nhà có nhiều thay đổi, tạo được nhiều dấu ấn. Ngày nay, đất nước ngày càng phát triển, báo chí được xem là sản phẩm gắn liền với con người và trở thành một thứ hàng hóa đặc biệt, nhất là trong nền kinh tế thị trường. Báo chí không những chú trọng tới tính định hướng dư luận, lan tỏa những điều tốt đẹp mà còn phải dũng cảm đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng; chống tham nhũng, chống tiêu cực. Phải không ngừng đổi mới hình thức thể hiện, có tính hấp dẫn, thuyết phục cao. Dù khó khăn, vất vả nhưng suy cho cùng nghề báo vẫn là một nghề cao quý, người làm báo có quyền tự hào về nghề mình đang theo đuổi.

Về hưu nhưng không nghỉ hưu

Khi làm Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, Đại tá Trần Thế Tuyển đã cùng Ban biên tập khởi xướng chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn", vận động các doanh nghiệp đóng góp hàng trăm tỷ đồng góp phần tri ân liệt sĩ như xây dựng 5 Đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn, nơi đây không chỉ là điểm đến cho du khách thập phương mà còn là địa chỉ giáo dục, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Đây cũng là công trình gắn liền với đôi câu đối "Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc / Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia" của ông. Không chỉ thế, đôi câu đối này đã xuất hiện tại gần 50 đền thờ liệt sĩ trong cả nước.

Đến khi về hưu, Đại tá Trần Thế Tuyển dường như không nghỉ mà vẫn "Ăn cơm nhà vác nghĩa tình đồng đội". Năm 2020, ông làm Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, tổ chức thiện nguyện hỗ trợ vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, có công với đất nước, không chỉ trên địa bàn TPHCM mà còn khắp mọi miền đất nước.

Một tổ chức tuy nhỏ bé về số tuổi nhưng đã làm được rất nhiều việc có ích cho xã hội. Hơn 4 năm qua, Hội đã hỗ trợ tìm kiếm, đưa hàng trăm hài cốt liệt sĩ về quê; phối hợp xây dựng nhiều đền thờ ở Long An, Phú Quốc, Kon Tum… với kinh phí lên đến hơn 100 tỷ đồng.

Bên cạnh nhiệm vụ tri ân đồng đội, Đại tá Trần Thế Tuyển còn tham gia thỉnh giảng báo chí tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cơ sở 2 tại TPHCM, Cao đẳng Phát thanh Truyền hình (VOV)…

Trong suốt cuộc đời mình, Đại tá Trần Thế Tuyển luôn dùng ngòi bút để ghi lại những dấu mốc trên từng hành trình. Ông không chỉ hăng say viết báo mà còn viết văn, làm thơ với nhiều tác phẩm nổi tiếng về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang như các trường ca, tập thơ, tập truyện ngắn "Phía sau mặt trời", "Gió thổi miền ký ức", "Dấu chân của Mẹ", "Câu hỏi đời người", " Dòng sông cuộn chảy" " Hai mươi năm sau"…

Ông tiết lộ, sắp tới sẽ ra mắt tập trường ca "Quốc giỗ" nhân Kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và "Lời của gió" nhân Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phạm Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dai-ta-nha-bao-tran-the-tuyen-ca-cuoc-doi-dau-dau-voi-nghiep-cam-but-16924062110021895.htm