Đại tá Phạm Văn Trọng, từ y tá chiến trường đến người Thầy thuốc nhân dân
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, Thầy thuốc nhân dân Phạm Văn Trọng đã cứu sống được nhiều thương binh trong các trận đánh ác liệt ở chiến trường miền Đông Nam bộ, Campuchia. Rời quân ngũ, ông lại tích cực tham gia công tác xã hội, tổ chức nhiều chương trình tình nguyện khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo vùng căn cứ cách mạng, cũng như nước bạn Campuchia.
Đại tá Phạm Văn Trọng và “Thư cảm ơn” của nước bạn Campuchia trao tặng
Người thầy thuốc nhân dân
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, Thầy thuốc nhân dân Phạm Văn Trọng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất giàu truyền thống cách mạng - Tam giác sắt. Sau bao năm bôn ba làm cách mạng, cống hiến cho nhiều hoạt động thiện nguyện; tuổi xế chiều, ông chọn trở về xã An Tây, TX.Bến Cát - nơi chôn nhau cắt rốn của mình để an dưỡng tuổi già. Trò chuyện cùng ông, chúng tôi được biết, ông kế thừa truyền thống yêu nước của quê hương, của gia đình, nên đã gác lại chuyện học hành tham gia cách mạng từ rất sớm.
Tháng 4-1962, ông đã tình nguyện nhập ngũ. Học xong lớp đào tạo y tá ngắn hạn, Đại tá Phạm Văn Trọng được điều về làm y tá của Tiểu đoàn Phú Lợi. Đại tá Phạm Văn Trọng nhớ lại: “Cuối tháng 4-1964, trong trận đánh của đơn vị vào căn cứ Lai Khê ở huyện Bến Cát, chiến sĩ Trai bị mảnh lựu đạn văng trúng kheo chân, đứt động mạch chủ, mất máu nhiều, nguy cơ tử vong cao. Tôi cõng được anh Trai ra khỏi trận địa, tiến hành băng bó vết thương theo cách thông thường nhưng không cầm được máu. Suy nghĩ trong giây lát, tôi dùng tay ấn vào trong vết thương xác định vị trí động mạch chủ bị đứt rồi dùng kìm kẹp kẹp kín lại. Thấy có hiệu quả, tôi giữ nguyên những chiếc kìm kẹp trong vết thương rồi băng bó”. Sáng kiến băng bó thương binh bị đứt động mạch chủ của y tá Phạm Văn Trọng ngay sau đó đã được Quân y tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương đưa vào chương trình đào tạo y tá và phổ biến kinh nghiệm trong LLVT tỉnh. Từ sáng kiến này, ông và các chiến sĩ quân y LLVT tỉnh đã cứu sống được nhiều thương binh bị đứt động mạch chủ. “Mỗi lần nghe đồng đội gọi tên mình, tim tôi lại nhói lên. Đồng đội hy sinh xương máu thì mình cũng phải dũng cảm xung phong vào trận địa để cứu thương binh”, ông bồi hồi nói.
Cuộc tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân năm 1968 nổ ra, LLVT tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương được giao nhiệm vụ tách ra 1 tiểu đoàn, cùng với Đội Phẩu tăng cường về cho Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Từ đó, Đại tá Phạm Văn Trọng tham gia hoạt động ở địa bàn Sài Gòn - Gia Định.
Hòa bình lập lại, ngày 20- 5-1976, Bệnh viện Quân y 7A của Cục Hậu cần Quân khu 7 được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bệnh viện C2, Quân khu Sài Gòn - Gia Định và Bệnh viện K21, Cục Hậu cần Miền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là bệnh viện đa khoa hạng 1 tuyến cuối của Quân khu 7 và ông được điều về công tác. Ông đã có những cống hiến to lớn trong chặng đường phát triển của bệnh viện, góp phần làm tròn sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn, trở thành địa chỉ tin cậy của người bệnh.
Tuổi xế chiều, Đại tá Phạm Văn Trọng chọn trở về quê hương An Tây, TX.Bến Cát để vui thú điền viên
Nặng tình với đất nước Chùa Tháp
Hòa bình lập lại, Việt Nam chưa kịp khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh lại phải chịu thiệt hại rất lớn từ thảm họa diệt chủng và chính sách gây chiến của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary. Quân và dân Việt Nam thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng; đồng thời đáp lời kêu gọi khẩn thiết của mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia anh em, cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Trong bối cảnh đó, năm 1979, Bệnh viện dã chiến 7D của Mặt trận 779, Quân khu 7 được thành lập, với nhiệm vụ thu dung, điều trị cho bộ đội ta tại Mặt trận 779, bộ đội địa phương và nhân dân của 5 tỉnh nước bạn. Lúc đó, Đại tá Phạm Văn Trọng đang là chủ nhiệm khoa Ngoại.
Ông Trọng nhớ lại: “Bệnh viện được triển khai ở khu vực trường Kỹ thuật Cơ khí đã bị bọn Pôn Pốt đập phá xơ xác. Khi tiếp nhận, bệnh viện chỉ là những đống gạch vương vãi, không điện, không nước. Cán bộ, y sĩ, bác sĩ phải dốc hết sức dọn dẹp. Để có nước sinh hoạt, phải dùng xe chở cách đó 2km, dùng máy phát điện thắp sáng để hoạt động chuyên môn, phẫu thuật, cứu chữa cho thương binh, bệnh binh trong tiếng nổ ầm ào của đạn, pháo”.
Có lần ông đang mổ cho thương binh thì trúng pháo địch, làm sập cả một góc nhà bệnh viện. Ban đêm, ngoài bộ phận làm chuyên môn, bệnh viện phải bố trí lực lượng canh gác, bảo vệ, đề phòng địch tập kích. Thời gian này, bệnh viện đã cứu sống, điều trị cho hàng ngàn người, trong đó có cả những người lính của phía bên kia. Ông Trọng cười hiền: “Tháng 4-1983, lực lượng của ta đánh địch tại tỉnh Công-pông Thom đã thu được giấy ra viện của một người lính phía bên kia do Giám đốc Bệnh viện 7D Phạm Văn Trọng ký. Lúc đó tôi mới biết, mình chữa bệnh cho cả người của bên đối phương. Trong điều kiện chiến trường, mỗi khi có thương binh đưa vào là chúng tôi phải cứu chữa, không phân biệt người đó là ai. Đó không chỉ là chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội ta mà còn là cái tâm của những người thầy thuốc…”.
Có lúc thương binh, bệnh binh ở các mặt trận chuyển về nhiều, cán bộ, y sĩ, bác sĩ phải tham gia mổ suốt ngày đêm, không kịp ăn uống, chân tê cứng vì đứng lâu. Đại tá Phạm Văn Trọng bồi hồi nhớ lại: “Cuối tháng 4-1982, bệnh viện tiếp nhận 4 thương binh bị nát cẳng chân do mìn của địch. Dù đã được sơ cứu nhưng khi về đến bệnh viện, vết thương nhiễm trùng nặng, người tím tái, trụy tim mạch, tính mạng thương binh rất nguy kịch, cần phải được phẫu thuật cấp cứu cắt bỏ sớm mới mong cứu được. Tôi đã vừa làm vừa rơi nước mắt khi trong một đêm phải phẫu thuật liên tục cắt bỏ chân của 4 đồng chí. Các đồng chí ấy rất trẻ, chỉ mới tuổi đôi mươi...”.
Trong cuộc đời quân ngũ của Đại tá Phạm Văn Trọng, có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất chính là những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia và tấm lòng người dân Campuchia dành cho ông. Ông kể, nhiều lần đưa đoàn về thăm chiến trường xưa ở đất nước Campuchia, ông rất vui khi người dân nơi đây rất quý mến ông, cũng như quý mến những người lính “Quân tình nguyện Việt Nam”. Vui nhất là từ những đóng góp của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện 7D Việt Nam, sau này khi tiếp quản, Campuchia vẫn giữ tên Bệnh viện 7D.
Đại tá, anh hùng LLVT nhân dân, thầy thuốc nhân dân Phạm Văn Trọng - chân dung một con người bằng tất cả tâm huyết, tấm lòng yêu nghề, đã góp phần đem đến mùa xuân cho nhiều người.
Với những thành tích xuất sắc, năm 1978, ông được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Từ một y tá, ông được đào tạo thành bác sĩ chuyên khoa, được bổ nhiệm các chức vụ phó giám đốc, rồi Giám đốc Bệnh viện 7A (Quân khu 7), Chủ nhiệm Quân y Quân khu 7. Rời quân ngũ, ông chuyển về làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trưởng đoàn Thầy thuốc tình nguyện Cơ quan phía Nam của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.