Đại tang do COVID-19 gây ra với gia tộc cải lương tuồng cổ nổi tiếng Huỳnh Long
Tin chấn động giữa đại dịch do COVID-19 là nghệ sỹ Bạch Mai, người chị cả trong gia đình cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đã ra đi do mắc COVID-19. Điều buồn hơn là chỉ hơn 1 tháng trong đại dịch, gia đình cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đã mất đi 3 nghệ sỹ tài danh là nghệ sỹ Bạch Mai, nghệ sỹ Kim Phượng và nhạc sỹ Thanh Châu.
Trong những gia tộc nổi tiếng với nhiều đời duy trì và phát triển bộ môn sân khấu cải lương tại Sài Gòn, gia tộc họ Huỳnh của ông bầu Bảy Huỳnh - Ngọc Hương thường được nhắc tên bởi có 3 đời theo nghiệp diễn.
Thập niên những năm 1940 - 1950 tại Sài Gòn, vợ chồng ông bầu Bảy Huỳnh- Ngọc Hương đã nổi tiếng khi lập gánh hát Chánh Thành (tiền thân của đoàn cải lương Huỳnh Long). Gia đình Bảy Huỳnh - Ngọc Hương sinh được 10 người con, tất cả đều theo nghề sân khấu và nhiều người đã trở thành những nghệ sỹ nổi tiếng như Bạch Mai, Thanh Bạch, Bạch Lan, Kim Phượng, Phượng Nga, Trung Cuộc, Thanh Châu...
Trong đó nổi bật nhất của thế hệ thứ 2 của gia tộc là 2 nghệ sỹ Bạch Mai và Thanh Bạch. Nếu như Thanh Bạch chuyên đóng vai kép chính, thường xuất hiện với những vai tướng đầy dũng khí uy nghi nhận được nhiều lời khen thì Bạch Mai lại xuất sắc với nhưng vai đào chính, đào thương, luôn tạo một phong cách diễn xuất rất riêng khi đứng trên sân khấu.
Ngoài ra Bạch Mai còn có khả năng đạo diễn và viết tuồng, bà đã viết khoảng 50 kịch bản vẫn được nhiều đoàn hát thường xuyên lựa chọn để dựng vở diễn như Xử án Phi Giao, Giang sơn và mỹ nhân, Tấm Cám, Mạnh Lệ Quân, Ngũ biến báo phu cừu... Bạch Mai kết hôn với Đức Lợi - một nghệ sĩ nổi tiếng trong tuồng cổ và họ có 2 người con đều theo nghiệp diễn là Chinh Nhân và Tinh Binh.
Sau khi ông Bảy Huỳnh mất, bà Ngọc Hương thành lập đoàn tuồng cổ Huỳnh Long và Thanh Bạch, Bạch Mai trở thành trụ cột của đoàn. Ngoài việc dàn dựng những vở diễn đã tạo nên thương hiệu Huỳnh Long, Bạch Mai còn sáng tác thêm những kịch bản lịch sử như Anh hùng bán than, Mặt trời đêm thế kỷ... để Huỳnh Long tiếp tục sáng đèn trong một thời gian dài.
Sau này, khi Thanh Bạch về đầu quân cho đoàn Minh Tơ, nên duyên cùng nghệ sĩ Bạch Lê rồi sang Pháp định cư thì đoàn Huỳnh Long mới ngưng diễn một thời gian.
Thế hệ thứ 3 của gia tộc Huỳnh Long, những nghệ sỹ trẻ như Bình Tinh, Chinh Nhân là những người đã khôi phục lại thương hiệu Huỳnh Long. Dưới sự giúp đỡ của mẹ là Bạch Mai, của các dì các cậu cùng nhiều nghệ sỹ cải lương từng yêu mến thương hiệu Huỳnh Long, đoàn cải lương Huỳnh Long đã sáng đèn trở lại với nhiều vở diễn như Sơn hà xã tắc, Cô giá Đồ Long, Dương gia tướng… Nghệ sỹ Chinh Nhân cũng không làm hổ danh gia tộc khi có nhiều vai diễn xuất sắc và anh đã đoạt Huy chương Vàng triển vọng giải Trần Hữu Trang năm 1996. Tuy nhiên năm 2016, Chinh Nhân đột ngột qua đời do viêm phổi cấp tính, để lại nhiều nuối tiếc cho giới yêu cải lương.
Cô em gái Bình Tinh tiếp tục thay anh gìn giữ thương hiệu Huỳnh Long. Cùng với mẹ, Bình Tinh đã đầu tư cho nhiều vở diễn cũng như nỗ lực rất nhiều để thể hiện các vai diễn. Năm 2016, Bình Tinh đã đoạt giải cao nhất trong Sao nối ngôi, cũng như nhiều vở diễn của đoàn Huỳnh Long đã gây được tiếng vai với giới yêu cải lương, như một minh chứng thành công ban đầu cho những nỗ lực để gìn giữ thương hiệu nổi tiếng một thời.