Hai người lính - một lý tưởng
Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng ký ức về năm tháng bom đạn, những đồng đội ngã xuống vì độc lập dân tộc vẫn còn in đậm trong trái tim những người lính năm xưa. Trên mảnh đất Bình Phước, nơi từng là chiến trường ác liệt, chúng tôi tìm gặp hai người lính, mỗi người một chiến tuyến nhiệm vụ, nhưng đều chung một lý tưởng chiến đấu giành lại hòa bình cho Tổ quốc.
LÍNH BỘ BINH
Sinh ra ở Hà Nội, khoác lên mình màu áo lính từ khi còn là giáo sinh 20 tuổi. Những năm tháng chiến đấu gian khổ ở chiến trường miền Đông Nam Bộ đã tôi luyện nên một người lính kiên cường, bản lĩnh. Đó là Thượng tá Nguyễn Phương Mỹ, trú tại khu phố 2, phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài.
Ông Mỹ nhập ngũ năm 1968, sau 3 tháng huấn luyện, ông được lệnh Nam tiến. Ròng rã 4 tháng hành quân bộ, đơn vị ông vào đến Tiểu đoàn 168, Tỉnh đội Phước Long. Những năm này trên chiến trường miền Nam chiến sự diễn ra hết sức ác liệt. Tiểu đoàn 168 thường xuyên đối mặt với những trận càn quét lớn của địch. Mỗi ngày trôi qua là một cuộc chiến giành giật từng tấc đất, từng rừng cây, từng khe suối. Địch đánh bằng máy bay, pháo binh, cả trực thăng và lính dù; ta chống bằng ý chí, bằng sự gan dạ, bằng những khẩu súng cũ kỹ và tình đồng đội son sắt.









Sáng ngày 20-4-2025, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Quân y viện K50, Cục Hậu cần Miền tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 58 năm ngày thành lập đơn vị (26-3-1967 - 26-3-2025) và chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong ảnh: Ông Hoàng Trung Lộc (bìa phải) chụp hình cùng đồng đội
Ông Mỹ nhanh chóng được giao giữ vai trò tiểu đội phó, rồi tiểu đội trưởng nhờ tinh thần quả cảm và khả năng chỉ huy tốt. Ông kể: Cuối năm 1971, ông và 8 đồng chí được điều động về tăng cường cho K17 (Đồng Xoài), Tỉnh đội Phước Long. Trong một trận tập kích lính ngụy đi càn ở đồi 105, phía Bắc, Chi khu Đồng Xoài, đơn vị ông đã tiêu diệt được nhiều tên địch. Sau trận đó, ông được cấp trên biểu dương và được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt ngụy”. Tuy nhiên điều làm ông day dứt là trong trận đánh đó có 1 đồng đội đã hy sinh hiện chưa tìm được hài cốt. Một trận đánh khác, đó là năm 1972, đơn vị ông đánh Trung đội Bảo An, Chi khu Đồng Xoài, tiêu diệt được nhiều quân địch nhưng 2 đồng đội đã mãi mãi hy sinh.
Những tháng năm chiến đấu ở Phước Long để lại trong ông nhiều ký ức không thể phai mờ. Có những người đồng chí ông từng cùng ăn cơm, ngủ chung một tấm tăng, sáng hôm sau đã nằm lại trong rừng. Nhưng chính trong khốc liệt ấy, ông học được cách kiên cường, cách sống vì người khác và niềm tin mãnh liệt vào ngày đất nước thống nhất.
“Tôi là lính bộ binh trực tiếp chiến đấu trên chiến trường. Vì vậy khi nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi phấn khởi không thể tưởng tượng nổi. Bởi không có niềm vui nào bằng niềm vui đã dồn nén, mong chờ từ lâu, bây giờ mới được bung ra. Đến bây giờ, tôi không thể tả nổi cảm xúc, hành động vui mừng lúc đó” - Thượng tá Nguyễn Phương Mỹ nói trong niềm hạnh phúc còn nguyên vẹn.
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ông đã được trao tặng nhiều huân chương cao quý như: Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất và Huân chương Chiến công hạng Nhì. Sau giải phóng, ông tiếp tục công tác trong quân đội và giữ chức Chỉ huy phó chính trị Huyện đội Đồng Phú cho đến ngày nghỉ hưu.
LÍNH HẬU CẦN
Ở một góc khác của thành phố Đồng Xoài, ông Hoàng Trung Lộc, nguyên chiến sĩ Đoàn 340, Cục Hậu cần, hiện ở khu phố 2, phường Tân Đồng, cũng mang trong mình những hồi ức không thể nào quên.
Ông Lộc kể: Năm 1965, ông rời Hà Nội lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện và đào tạo chuyên môn hóa học, xử lý bom đạn chứa chất độc và bom napan, cuối năm 1966, ông hành quân vào miền Nam chiến đấu, công tác tại Quân y viện K50, Cục Hậu cần Miền, Quân giải phóng miền Nam. Khi ấy ông chỉ là thanh niên nhưng đã đảm nhiệm vai trò quan trọng trong bảo đảm hậu cần, lương thực, thuốc men, đạn dược... cho chiến trường miền Nam.
Ông Lộc nhớ lại những tháng ngày hành quân xuyên rừng, vượt suối, băng đèo trong điều kiện vô cùng gian khổ. Mỗi bước đi đều có thể đối mặt với bom mìn, chất độc hóa học rải khắp nơi. Nhiệm vụ của ông không chỉ là vận chuyển lương thực, thuốc men, mà còn trực tiếp tham gia xử lý các loại bom đạn chưa nổ, đặc biệt là bom hóa học và bom napan mà quân đội Mỹ rải xuống các vùng giải phóng trên đường hành quân. “Có những lúc phải chui xuống hầm chỉ cách mặt đất vài mét, trong khi phía trên là máy bay địch bắn phá. Anh em chúng tôi đều biết nguy hiểm, nhưng chẳng ai lùi bước. Chỉ có một điều duy nhất nghĩ tới là làm sao cho đồng đội ở chiến tuyến có đủ lương thực, thuốc men, vũ khí đạn dược để chiến đấu và chiến thắng giải phóng nước nhà” - ông Lộc kể.
Thời điểm đó, do đặc thù công việc, ông cùng đồng đội luôn phải di chuyển bí mật, làm việc cả ngày lẫn đêm, đảm bảo các tuyến hậu cần không bị đứt gãy. Những kiến thức hóa học được đào tạo giúp ông phân tích, xác định mức độ ô nhiễm của khu vực và tìm cách tẩy độc thủ công bằng các biện pháp thô sơ nhưng hiệu quả, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. “Lúc đó tiếp tế từng gói gạo, từng viên thuốc đều quý hơn vàng. Những người lính trẻ chúng tôi đã vận chuyển xuyên rừng, có khi mấy ngày không ăn nhưng chẳng ai than phiền” - ông Lộc nói.
Rời quân ngũ, ông Lộc chuyển ngành về công tác tại Bình Phước và làm Chánh Văn phòng UBND huyện Đồng Phú. Năm 1993, ông làm Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Xoài. Năm 2000, ông làm Chủ tịch UBND phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài. Dù đang công tác hay nghỉ hưu, ông đều gương mẫu, tích cực đóng góp xây dựng địa phương.
Hiện ông Hoàng Trung Lộc là Trưởng Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Quân y viện K50. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, K50 là bệnh viện tuyến sau có những thời điểm đã tiếp nhận trên 1.700 thương binh và tỷ lệ điều trị thành công đạt cao, cho ra viện trở về đơn vị phục vụ và chiến đấu.
CHUNG MỘT LÝ TƯỞNG
Hai người lính, hai câu chuyện, một lý tưởng chung. Dẫu xuất thân, hoàn cảnh và con đường đến với chiến trường có thể khác nhau, nhưng trong tim họ đều cháy lên ngọn lửa yêu nước nồng nàn. Chiến tranh đã lùi xa, những người lính năm xưa vẫn mãi là nhân chứng sống cho một thời hoa lửa. Câu chuyện đời họ, dù giản dị hay hào hùng, vẫn luôn là bài học quý giá về lòng yêu nước, tinh thần vượt khó và sự hy sinh cao cả. Sống giữa thời bình, họ tiếp tục là những tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Ông Vũ Văn Diệm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đồng Xoài chia sẻ với sự trân trọng về hai người đồng chí của mình: “Hai đồng chí Lộc và Mỹ đều là cựu chiến binh tiêu biểu của thành phố Đồng Xoài. Hai đồng chí đã phát huy phẩm chất truyền thống bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia các phong trào khu dân cư và hoạt động cựu chiến binh ở cơ sở. Sự tận tâm, gương mẫu và nhiệt huyết của hai đồng chí là những tấm gương sáng, góp phần tô thắm thêm hình ảnh người lính trong thời bình, xứng đáng được nhân rộng trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố Đồng Xoài”.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, những người lính từng chiến đấu trên chiến trường miền Nam năm xưa, sau ngày giải phóng vẫn tiếp tục ở lại sống và làm việc tại Bình Phước như những “hạt giống đỏ” gieo mầm cho địa phương. Họ luôn tự hào vì đã đóng góp một phần công sức của mình vào sự nghiệp giải phóng và xây dựng quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172206/hai-nguoi-linh-mot-ly-tuong