Đại Từ hôm nay - Vững bước đi lên
Đại Từ - vùng đất có bề dày lịch sử đấu tranh cách mạng. Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước, để bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh.
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về xây dựng huyện Đại Từ đạt chuẩn NTM và cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Từ đã ban hành và triển khai Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 18/01/2023 về xây dựng huyện Đại Từ đạt chuẩn huyện NTM năm 2023; Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 10/5/2023 về lãnh đạo thực hiện phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” giai đoạn 2023-2025; UBND huyện xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn và hàng năm…
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cấp ủy, chính quyền huyện Đại Từ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành các tiêu chí của huyện NTM; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực, cùng sự đồng lòng ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM…
Theo rà soát, năm 2011, bình quân các xã trên địa bàn huyện chỉ đạt 3,37 tiêu chí NTM; thu nhập bình quân đầu người đạt 17,59 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2006-2010 là 17,59%; nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng NTM và thực hiện các tiêu chí còn nhiều khó khăn…
Từ thực tế trên, với sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, cùng cách làm sáng tạo của cấp ủy, chính quyền; sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của nhân dân, xây dựng NTM đã thực sự trở thành phong trào có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng, làm thay đổi nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn huyện.
Tổng nguồn lực huy động cho xây dựng NTM thời gian qua của huyện Đại Từ đạt gần 21.200 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 323,9 tỷ đồng. Từ nguồn lực huy động trên, huyện tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, khang trang, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân...
Tính đến nay, 100% đường trục xã, liên xã của huyện được nhựa hóa và bê tông hóa; gần 97% đường trục xóm, liên xóm được cứng hóa, tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội; 100% các xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế; 100% các trường học đạt chuẩn Quốc gia; 100% xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa và khu thể thao; 29/29 xã, thị trấn có nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, khu thể thao... đạt chuẩn, đáp ứng hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân.
Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường được chú trọng đầu tư; ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng nâng lên rõ rệt.
Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền huyện Đại Từ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là phát triển cây chè - cây trồng chủ lực của địa phương.
Đến nay, sản lượng chè búp tươi của huyện đạt bình quân trên 77 nghìn tấn/năm, đứng đầu toàn tỉnh. Nhiều sản phẩm nông nghiệp ngày càng được nâng cao về chất lượng và giá trị sản phẩm. Toàn huyện hiện có 44 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận OCOP, trong đó 35 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP từ 3-4 sao…
Đời sống, thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên. Năm 2023, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 50,3 triệu đồng/người (tăng 35,5 triệu đồng so với năm 2011); tỷ lệ nghèo đa chiều bình quân chung của 27/27 xã là 5,05% (giảm 18,48% so với năm 2011); 27/27 xã của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; 2/2 thị trấn được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện hoàn thành các tiêu chí huyện NTM.
Qua chặng đường 13 năm xây dựng NTM, nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân trong huyện luôn được thống nhất và nâng cao, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Mỗi giai đoạn đều có những bài học hay, cách làm phù hợp, sáng tạo, như: Phong trào vận động nhân dân hiến đất và sử dụng nguồn xi măng hỗ trợ của Nhà nước; nhân dân đối ứng nguồn lực để xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn (đường giao thông, thiết chế văn hóa...), hay phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” đã trở thành điểm sáng của huyện trong xây dựng NTM.
Tính đến nay, diện tích đất nhân dân đã hiến để mở rộng đường xóm từ 6m trở lên đạt trên 435.000m2; ước giá trị công trình, tài sản trên đất đã hiến trên 77,2 tỷ đồng.
Kết quả trên là hành trình đầy khó khăn, thử thách song cũng rất đáng tự hào của cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ. Những “trái ngọt” được kết tinh từ sự đồng thuận giữa ý Đảng - lòng dân, tinh thần đoàn kết, sự chỉ đạo thống nhất “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” cùng sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong suốt hơn 1 thập kỷ qua.
Với thành tích và khí thế đó, huyện Đại Từ tin tưởng và quyết tâm hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao trong năm 2024, cơ bản hoàn thành các tiêu chí của thị xã vào năm 2025, trở thành thị xã trước năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra...