Đại tướng lừng danh, người Anh Cả của Quân đội ta

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911 ở làng An Xá, tổng Đại Phong Lộc, huyện Lệ Thủy, phủ Quảng Ninh (nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) trong một gia đình nhà nho, sớm được giác ngộ về lòng yêu nước, căm thù quân xâm lược.

Ông được Chủ tịch nước phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam ngày 28-5-1948. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trọn cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp-vị tướng lừng danh, người Anh Cả của QĐND Việt Nam anh hùng gắn liền với 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng của Quân đội, thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Một là, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người được giao trực tiếp tổ chức, giáo dục, rèn luyện, xây dựng QĐND Việt Nam. Tháng 12-1944, đồng chí được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên của LLVT cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Thực hiện Chỉ thị của Người, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), gồm 34 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp phụ trách. Ngay sau đó, đồng chí đã chỉ huy Đội đánh thắng liên tiếp hai trận Phai Khắt, Nà Ngần, tạo khí thế, tinh thần đấu tranh cách mạng cho Đội và nhân dân. Trên cương vị Tư lệnh các LLVT cách mạng, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo các LLVT cùng toàn Đảng, toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đại tướng, bộ đội chủ lực không ngừng phát triển, lớn mạnh, thành lập các đại đoàn, phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích, tạo sức mạnh tổng hợp tổ chức các chiến dịch có tính chất quyết định về chiến lược, tiêu hao, tiêu diệt lớn quân địch trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954), buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, Đại tướng tham mưu cho Đảng và trực tiếp xây dựng, phát triển Quân đội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đại tướng kiến nghị với Trung ương và chỉ đạo khẩn trương xây dựng QĐND Việt Nam tiến lên chính quy, hiện đại. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cuối, Đại tướng đã đề xuất thành lập các quân đoàn chủ lực nhằm tăng cường sức mạnh quân sự đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn, thực hiện những trận đánh quan trọng, chiến dịch quyết chiến chiến lược.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B-52 của Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân (năm 1972). Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B-52 của Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân (năm 1972). Ảnh tư liệu

Hai là, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tài năng quân sự xuất chúng. Trong hơn 30 năm giữ cương vị Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy QĐND Việt Nam đánh thắng các đội quân xâm lược của chủ nghĩa phát xít, thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ông luôn đánh giá đúng cục diện chiến trường, sáng suốt đưa ra những quyết định đúng đắn ở thời điểm quan trọng, mang tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến: Đề xuất, chỉ đạo, thực hiện công thức “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, đập tan cuộc tiến công quy mô lớn của thực dân Pháp lên Việt Bắc (năm 1947); chuyển mục tiêu đánh Cao Bằng sang Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (năm 1950); chủ trương phân tán lực lượng cơ động của Pháp ra nhiều hướng trên chiến trường Đông Dương để chúng khó ứng cứu cho Điện Biên Phủ trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954), Đại tướng đã đề xuất và quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đưa chiến dịch đến thắng lợi hoàn toàn.

Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Đại tướng đã sớm nhận ra tầm quan trọng của việc chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam. Ông đề xuất với Trung ương và trực tiếp chỉ đạo xây dựng, bảo vệ tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, mở Đường Hồ Chí Minh trên biển tiếp tế nhanh chóng, kịp thời cho chiến trường miền Nam. Đại tướng đã cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Trung ương Đảng mở nhiều chiến dịch, chiến lược giành thắng lợi: Đường 9-Khe Sanh (năm 1968), Đường 9-Nam Lào (năm 1971), Chiến dịch phòng không Hà Nội-Hải Phòng (“Điện Biên Phủ trên không”, năm 1972), Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng (năm 1975)... nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quá trình chỉ đạo tác chiến, Đại tướng luôn cân nhắc kỹ lưỡng, đưa ra những quyết định táo bạo, quyết đoán, chính xác; luôn sáng tạo trong sử dụng nghệ thuật tác chiến, nhất là nghệ thuật chuyển hóa thế trận, buộc địch từng bước lâm vào thế bị động đối phó, bị tiêu hao, tiêu diệt và thất bại hoàn toàn. Đặc biệt, kiến thức uyên bác và tài năng quân sự xuất chúng của Đại tướng đều do tự học, tự nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tác chiến. Điều này đã tạo nên nét đặc sắc, độc đáo, khác biệt của Đại tướng khiến thế giới khâm phục, suy tôn Võ Nguyên Giáp là danh tướng, một trong những thống soái kiệt xuất nhất thế kỷ 20 và lịch sử nhân loại.

Đánh giá về tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư sử học Georges Boudarel người Pháp đã viết: “Giáp là nhà quân sự lỗi lạc, vị tướng lĩnh tài ba, nhân vật nổi bật của lịch sử hiện đại Việt Nam và thế giới trong thế kỷ 20... một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của các thời đại”(1). Đại tướng Mỹ William Westmoreland đánh giá Võ Nguyên Giáp là “một thống soái quân sự cỡ lớn”. Bernard Fall, sử gia phương Tây khẳng định: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào có thể so sánh kịp với tướng Giáp"(2)...

Ba là, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người phát triển lý luận chiến tranh nhân dân Việt Nam lên tầm cao mới. Không chỉ trực tiếp chỉ huy Quân đội đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đại tướng còn có công lao to lớn trong việc phát triển lý luận chiến tranh nhân dân Việt Nam lên tầm cao mới. Đó là đường lối chiến tranh nhân dân “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh”, toàn dân đánh giặc, LLVT làm nòng cốt; đánh địch toàn diện trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực, lấy đấu tranh vũ trang là chủ yếu; phát huy sức mạnh tổng hợp... Đại tướng đã khái quát, viết nhiều tác phẩm, công trình lý luận quân sự giá trị, tìm ra những quy luật cơ bản về xây dựng QĐND, về chiến tranh giải phóng dân tộc, về nghệ thuật quân sự, về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân... Tiêu biểu như: “Phát động du kích chiến tranh”, “Tiến mạnh sang giai đoạn mới”, “Chiến tranh giải phóng và QĐND-ba giai đoạn chiến lược”, “Điện Biên Phủ”, “Từ nhân dân mà ra”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ-điểm hẹn lịch sử”, “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, “Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”, “Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi”... Những quan điểm, tư tưởng đó tạo nên nét riêng biệt, độc đáo, đặc sắc trong lý luận quân sự Võ Nguyên Giáp, không chỉ góp phần đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc Tổ quốc mà còn chỉ đạo hoạt động nghiên cứu, phát triển lý luận quân sự Việt Nam, xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

Bốn là, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà lãnh đạo, nhà chính trị tài giỏi, có uy tín lớn. Trong suốt quá trình tổ chức, chỉ đạo, điều hành Quân đội, ông không chỉ hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ Tổng Tư lệnh, Tổng chỉ huy, mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương, Bí thư Đảng ủy nhiều chiến dịch, thật sự là nhà lãnh đạo, nhà chính trị tài giỏi của QĐND Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ huy Quân đội, Đại tướng luôn bám sát đường lối, phương hướng chính trị của Đảng; giữ vững nguyên tắc lãnh đạo, chỉ huy, đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp xác đáng, khoa học, phù hợp với yêu cầu sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, khả năng LLVT và tình hình đất nước. Trong lãnh đạo Quân đội, Đại tướng luôn coi trọng xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, chăm lo giáo dục phẩm chất cách mạng, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu, chiến thuật quân sự, khả năng tác chiến cho cán bộ, chiến sĩ. Kết hợp chặt chẽ, khéo léo giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa đấu tranh vũ trang với ngoại giao, binh vận, địch vận; giữa quốc phòng với kinh tế, an ninh...

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn coi dân là gốc, nhất quán quan điểm "người trước, súng sau", chính trị đi trước quân sự; thường xuyên xây dựng mối quan hệ quân-dân như cá-nước, cán-binh như anh em, tôn trọng nguyên tắc “dĩ công vi thượng”. Là Tổng Tư lệnh Quân đội, Đại tướng luôn coi trọng tính mạng cán bộ, chiến sĩ. Đại tướng là tấm gương sáng ngời về “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”-6 phẩm chất của người tướng do Bác Hồ căn dặn. Tình yêu thương con người của Đại tướng được hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước, để lại trong cán bộ, chiến sĩ Quân đội, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế hình ảnh về một nhà lãnh đạo, nhà chính trị đức độ, tài năng, một nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, suốt đời hy sinh vì Quân đội, vì đất nước, vì nhân dân. Hội tụ đầy đủ các phẩm chất của người tổ chức, xây dựng Quân đội; người cầm quân đánh trận giỏi; nhà lý luận quân sự xuất sắc; nhà lãnh đạo chính trị tài ba, mẫu mực... Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân dân suy tôn là “Đại tướng của nhân dân”, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội suy tôn là Anh Cả của QĐND Việt Nam, bạn bè quốc tế kính phục. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh Cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của Quân đội ta. Vì từ ngày thành lập đội Nam tiến đến nay, Đảng và Chính phủ đã ủy thác cho đồng chí Giáp và một số cán bộ phụ trách tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo Quân đội ta”(3).

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chúng ta tưởng nhớ, tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp-người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp xây dựng Quân đội, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành một trong “tứ đại danh tướng Việt Nam”, là vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam, vị tướng lừng danh, Anh Cả của QĐND Việt Nam, được Hội đồng Hoàng gia Anh suy tôn là một trong 10 danh tướng kiệt xuất trên thế giới. Kính trọng, tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta nguyện phấn đấu không ngừng theo tấm gương của Đại tướng, quyết tâm xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đến năm 2030, xây dựng Quân đội hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Thượng tướng, PGS, TS TRẦN VIỆT KHOA, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng

(1) Nguyễn Văn Sự (2011), Đại tướng Võ Nguyên Giáp-danh tướng thế kỷ XX qua tư liệu nước ngoài, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.11

(2) Trần Trọng Trung (2006), Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.842

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.264

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/dai-tuong-lung-danh-nguoi-anh-ca-cua-quan-doi-ta-808211