Đại tướng Nguyễn Quyết - vị tướng tài năng, đức độ, trung hiếu, vẹn toàn

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị công tác, dù ở cương vị nào, Đại tướng Nguyễn Quyết luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Đại tướng Nguyễn Quyết là vị tướng tài năng, mưu lược, giỏi về quân sự, vững vàng, sắc sảo, nhạy bén về chính trị. Đại tướng Nguyễn Quyết hội tụ đầy đủ những phẩm chất, đức tính cao đẹp của người cộng sản kiên trung. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có đóng góp quan trọng vào hầu hết các giai đoạn đặc biệt của lịch sử nước nhà.

Lãnh đạo khởi nghĩa Tháng Tám

Đại tướng Nguyễn Quyết, tên khai sinh là Nguyễn Tiến Văn (SN 1922), quê xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1937, Nguyễn Quyết đã rời quê hương lên Hà Nội và vào làm việc tại Báo Đuốc Tuệ.

Thời gian sinh sống và làm việc tại đây, ông tham gia tích cực vào các hoạt động của phong trào vận động dân chủ (1936-1939) do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động. Trước sự đàn áp, khủng bố khốc liệt của thực dân Pháp, năm 1939, đồng chí Nguyễn Quyết trở về quê hương Hưng Yên, gây dựng cơ sở cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (1940), mở ra bước ngoặt quan trọng trên chặng đường hoạt động cách mạng của người thanh niên cộng sản nhiệt huyết.

Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - trong một lần thăm hỏi sức khỏe Đại tướng Nguyễn Quyết. Ảnh: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - trong một lần thăm hỏi sức khỏe Đại tướng Nguyễn Quyết. Ảnh: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Từ năm 1942, đồng chí đảm nhiệm nhiều cương vị như Ban Cán sự Đảng tỉnh Hưng Yên, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên quân sự trong Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, Ủy viên chính trị Ủy ban Quân sự Hà Nội, Chính trị viên Chi đội 2 Vệ quốc quân. Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, nhận thấy thời cơ cách mạng đã chín muồi, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết quyết định phát động tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19-8-1945 bằng lực lượng tại chỗ để đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội với kết quả nhanh chóng, trọn vẹn, không đổ máu là minh chứng rõ nét khẳng định quyết định của Thành ủy về chọn thời cơ, sử dụng lực lượng, phương thức tiến hành khởi nghĩa là hoàn toàn chính xác.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Nguyễn Quyết gắn bó chặt chẽ với chiến trường Liên khu 5. Năm 1946, đồng chí là Chính trị viên Chi đội Độc lập 1 tham gia phong trào "Nam tiến". Từ năm 1947 đến 1952, đồng chí trải qua nhiều cương vị như Chính trị viên rồi Chính ủy Trung đoàn 108 phụ trách mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, chiến trường chính của Liên khu 5.

Tại đây, đồng chí Nguyễn Quyết đã sử dụng lực lượng chủ lực phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy, lãnh đạo quân và dân ta chiến đấu dũng cảm, kìm chân địch, giữ vững một nửa tỉnh Quảng Nam nối liền với 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thành vùng tự do rộng lớn liên hoàn, làm hậu phương vững chắc cho kháng chiến lâu dài.

Trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954, đồng chí Nguyễn Quyết là đảm nhiệm các cương vị như Chủ nhiệm chính trị Liên khu 5, Phó Chính ủy rồi Chính ủy Đại đoàn 305 đã cùng với quân và dân Liên khu 5 chiến đấu tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng phần lớn Bắc Tây Nguyên, nhiều vùng rộng lớn ở Nam Tây Nguyên và các tỉnh ven biển, giữ vững vùng tự do, làm phá sản kế hoạch Nava, phối hợp hiệu quả với chiến trường chính Điện Biên Phủ.

Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, từ chiến trường Liên khu 5, Chính ủy Sư đoàn 305 đồng chí Nguyễn Quyết theo đơn vị ra miền Bắc tập kết. Đồng chí trở lại gắn bó với địa bàn Quân khu 3 với nhiều cương vị, như quyền Chính ủy rồi Chính ủy Quân khu Tả Ngạn (1955-1963). Đồng chí đã cùng Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung toàn lực thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam.

Trong quá trình lãnh đạo Quân khu, đồng chí Nguyễn Quyết đặc biệt chú trọng các vùng trọng điểm, vùng xung yếu, vùng biên giới, hải đảo, vùng đô thị, vùng dân tộc ít người, vùng đồng bào theo đạo Công giáo, biến những nơi này từ "bốn không" (không có chi bộ, không có dân quân, không có đoàn thể, không có hợp tác xã) thành "bốn có", biến "địa bàn có nhiều phỉ" thành "toàn dân đánh biệt kích Mỹ - Diệm, biệt kích Mỹ - Tưởng", biến "lô cốt chống cộng" thành pháo đài bắn máy bay Mỹ, đánh tàu chiến Mỹ.

Nhiều đóng góp quan trọng

Trong những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc (1964-1968), đồng chí Nguyễn Quyết đảm nhiệm nhiều cương vị, như Phó Chính ủy, Chính ủy Quân khu 3; Chính ủy Quân khu Tả Ngạn; Phó Chính ủy Quân khu Trị - Thiên kiêm Chính ủy Mặt trận B8 (Quân khu Trị - Thiên).

Tiếp đó là chính ủy của Quân khu Tả Ngạn, Học viện Quân sự, Quân khu 3 (1969-1976). Nhằm phát huy vai trò "kho người, kho của" của hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam, đồng chí Nguyễn Quyết cùng Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu tiến hành xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, chuẩn bị sẵn sàng thế trận toàn dân đánh giặc với lực lượng vũ trang 3 thứ quân làm nòng cốt.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, đất nước ta lại đứng trước muôn vàn khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại, các thế lực phản động chống phá cách mạng Việt Nam câu kết gây nên cuộc chiến tranh ở 2 đầu biên giới. Địa bàn Quân khu 3 vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến đã chịu nhiều mất mát, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, nay lại tiếp tục làm nhiệm vụ trong tình hình cả nước vừa có hòa bình vừa có chiến tranh, đời sống nhân dân và bộ đội vô cùng khó khăn.

Trong bối cảnh mới, đồng chí Nguyễn Quyết tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trên nhiều cương vị như Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 3 (1977-1980), Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Quân khu 3 (1981-1986). Đồng chí đã cùng Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các lực lượng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống; hết lòng chi viện sức người, sức của cho phía trước, đồng thời tranh thủ hòa bình đưa bộ đội đi lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, phát động phong trào "vươn ra biển Đông làm giàu, đánh thắng".

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí cùng tập thể Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu, các đơn vị của Quân khu 3 đã khắc phục được khó khăn, cải thiện được đời sống của bộ đội, bảo đảm khả năng chiến đấu và chiến thắng trong điều kiện nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn.

Trên thực tế, phong trào "làm giàu, đánh thắng" của Quân khu 3 đã trở thành một minh chứng sống động về việc quán triệt và vận dụng một cách chủ động, sáng tạo 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng: Giữ nước phải đi đôi với dựng nước, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, cũng như việc quán triệt thực hiện 3 chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam - đội quân cách mạng trên cả bình diện lý luận và thực tiễn.

Từ năm 1986, đồng chí Nguyễn Quyết được điều động giữ chức Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1987-1991) trong bối cảnh đất nước đang trải qua thời kỳ khủng hoảng trầm trọng trên nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế - xã hội.

Trên những cương vị được giao, đồng chí đã tham mưu giúp Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đề xuất với Bộ Chính trị đề ra những nghị quyết về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới: Thực hiện điều chỉnh chuyển trạng thái từ thời chiến sang thời bình, bố trí lại lực lượng và thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước, chấn chỉnh tổ chức biên chế, giảm mạnh quân thường trực và dân quân tự vệ; rút quân tình nguyện Việt Nam ở Lào và Campuchia về nước; xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Đặc biệt, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Quyết đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc chỉ đạo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, góp phần bảo vệ thành công vai trò lãnh đạo của Đảng trước sự chống phá của các thế lực thù địch.

Cống hiến cho cách mạng và quân đội

Với 102 tuổi đời, 85 năm tuổi Đảng, Đại tướng Nguyễn Quyết đã đồng hành cùng đất nước đi qua những tháng năm gian khổ, khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương, huy hiệu và danh hiệu cao quý khác.

Đồng chí Nguyễn Quyết được thăng quân hàm Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1980), Thượng tướng (1986), Đại tướng (1990); là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV - VI (Ủy viên Ban Bí thư khóa VI); đại biểu Quốc hội các khóa IV, VII, VIII và là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1992).

Thiếu tướng NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dai-tuong-nguyen-quyet-vi-tuong-tai-nang-duc-do-trung-hieu-ven-toan-196241224213345678.htm