Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những sứ mệnh lịch sử trong cách mạng Tháng Tám

Gần 80 năm trước, việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang và chuẩn bị căn cứ cách mạng làm chỗ dựa cho vũ trang khởi nghĩa nằm trong số những việc được lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta quan tâm hàng đầu. Và người vinh dự được trao những sứ mệnh lịch sử ấy là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Xây dựng lực lượng quân sự cho cách mạng

Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được rằng, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng, cần phải tổ chức lực lượng vũ trang. Người từng khẳng định: “Dân tộc Việt Nam nhất định phải được giải phóng. Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự”. Mục đích xây dựng quân đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tự vệ dân tộc.

Từ năm 1925 đến năm 1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc mở các lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Kết thúc khóa học, Người trực tiếp lựa chọn các học viên tiêu biểu tiếp tục đi học ở trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Tại đây, các học viên được học những kiến thức cơ bản về quân sự như: quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quân đội, nguyên tắc tổ chức quân đội theo kiểu Hồng quân Liên Xô và kinh nghiệm tác chiến phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.

Tháng 6 năm 1940, Nguyễn Ái Quốc gặp đồng chí Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng) và đồng chí Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) vừa ở trong nước sang. Người đã phát hiện ra tài năng quân sự của nhà cách mạng trẻ Võ Nguyên Giáp nên giới thiệu Võ Nguyên Giáp đi học trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Diên An và căn dặn: “Cố gắng học thêm quân sự”.

Tháng 10/1941, Người chỉ đạo mở lớp huấn luyện quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó để tiến tới thành lập đội vũ trang cách mạng. Tại đây, Người đã trực tiếp tham gia huấn luyện và biên soạn các tài liệu giảng dạy quân sự quan trọng. Khi về nước, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Người tin cận giao tiếp tục ở lại Trung Quốc học tập và tham gia mở các lớp đào tạo cán bộ quân sự cho cách mạng Việt Nam.

Năm 1942, nghĩa là chỉ một năm sau khi trở về Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải xây dựng, tổ chức ngay lực lượng vũ trang. Người được giao sứ mệnh này không ai khác là nhà cách mạng Võ Nguyên Giáp. Đầu tháng 12 năm 1944, tại Pác Bó (Cao Bằng), lãnh tụ Hồ Chí Minh triệu tập đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Anh đến để nghe báo cáo về tình hình phong trào cách mạng của ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng và chủ trương phát động chiến tranh du kích Liên tỉnh ủy. Người chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công tác thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Còn nhớ, trước câu hỏi của Bác Hồ: “Chú Văn có thể làm được không?”, Đồng chí Võ Nguyên Giáp khẳng định có thể được” với Bác.

Ngay chiều hôm sau, Người gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Quảng Ba để thông qua kế hoạch thành lập đội. Người thêm hai chữ “tuyên truyền” vào tên đội Việt Nam giải phóng quân thành tên gọi đầy đủ của đội vũ trang là “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”.

 Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp đọc tuyên thệ tại lễ thành lập, ngày 22/12/1944. Ảnh tư liệu

Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp đọc tuyên thệ tại lễ thành lập, ngày 22/12/1944. Ảnh tư liệu

Nửa tháng sau, lãnh tụ Hồ Chí Minh gửi một bức thư cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đó là Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, giao đồng chí Võ Nguyên Giáp chọn lựa những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất với những vũ khí tốt nhất, xác định phương thức hoạt động của lực lượng vũ trang là “chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”; phương châm tác chiến là “vận dụng lối đánh du kích mau lẹ, linh hoạt, bí mật, bất ngờ”.

Ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân làm lễ thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Lực lượng quân sự cho cuộc cách mạng mùa Thu được đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp xây dựng đã ra đời. Không phụ lòng tin tưởng, trông đợi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đánh thắng trận đầu ở Phai Khắt, Nà Ngần, tạo khí thế đấu tranh cách mạng cho toàn dân.

Chuẩn bị căn cứ địa cách mạng

Tháng 5/1945, trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trương chuyển trung tâm chỉ đạo cách mạng từ Pác Bó (Cao Bằng) đến một nơi gần trung ương và đồng bằng hơn. Người chỉ thị: Chọn tìm một địa điểm làm trung tâm chỉ đạo cách mạng. Nơi đó phải ở trong căn cứ địa Việt Bắc, quần chúng giác ngộ cao, giao thông thuận lợi và nhất là gần trung ương. Và người được lãnh tụ Hồ Chí Minh tín nhiệm giao trọng trách, không ai khác, vẫn là đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Xung quanh câu chuyện đồng chí Võ Nguyên Giáp chuẩn bị căn cứ địa cho cách mạng, PGS.TS Trần Ngọc Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Vâng lệnh Cụ Hồ, trở lại Kim Quan Thượng, với nhãn quan quân sự sắc sảo, Võ Nguyên Giáp nhận thấy trong vùng rừng núi Việt Bắc trùng điệp ấy, Tân Trào là nơi đáp ứng được các yêu cầu mà Bác đặt ra. Đây là một địa bàn hiểm trở, xa quốc lộ, bảo đảm “tiến có thể công, thoái có thể thủ”, lại có cơ sở chính trị tốt, nhất là từ sau cuộc Khởi nghĩa Thanh La, nơi đây đã được xây dựng thành khu tự do.

Trong con mắt của nhà quân sự này thì Tân Trào hội đủ các yếu tố “nhân sơn, nhân hải” để có thể xây dựng thành “đại bản doanh” cho Bác và Trung ương chỉ đạo Cách mạng. Sau khi trao đổi, bàn bạc với các ông Song Hào, Tạ Xuân Thu, Lê Trung Đình... về ý định của mình và cùng nhau xây dựng các phương án bảo vệ, Võ Nguyên Giáp đón Bác cùng đoàn tùy tùng về Tân Trào”.

Nhà văn Phù Ninh, nguyên Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, người từng được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng cho biết: “Theo Chỉ thị của Bác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bàn bạc với các đồng chí trong Phân khu ủy Nguyễn Huệ, cân nhắc nhiều yếu tố và quyết định chọn làng Kim Long, Tân Trào để làm trung tâm chỉ đạo cách mạng mới. Bởi khi đó, nơi đây đã có cơ sở cách mạng được xây dựng từ rất sớm, địa thế núi rừng hiểm trở, bảo đảm an toàn bí mật. Từ đây có đường đi nhiều ngả, lên ngược về xuôi”.

 Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu tiên ở Hà Nội ngày 26/8/1945 sau khi giành được chính quyền. Ảnh tư liệu

Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu tiên ở Hà Nội ngày 26/8/1945 sau khi giành được chính quyền. Ảnh tư liệu

“Võ Nguyên Giáp cũng là một người rất năng động trong vấn đề tổ chức hai sự kiện quan trọng liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc đó là Hội nghị toàn quốc, ông là người vâng lệnh Bác Hồ đã thảo ra các bức điện hỏa tốc triệu tập các đại biểu về dự hội nghị toàn quốc của Đảng và sau đó là Quốc dân Đại hội Tân Trào để ra quyết định lịch sử quyết định Tổng khởi nghĩa” - PGS.TS. Trần Ngọc Long cho biết.

Ngày 4/5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác từ Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng về Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Chiều ngày 17/5/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đi đón lãnh tụ Hồ Chí Minh và cùng Người về làng Kim Long, xã Tân Trào, châu Tự Do (Tuyên Quang) vào ngày 21/5/1945. Từ đây, Tân Trào trở thành trung tâm cách mạng của cả nước.

Tại Tân Trào, sau khi nghe báo cáo tình hình, lãnh tụ Hồ Chí Minh giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Khu giải phóng và quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu. Thực hiện nhiệm vụ được giao, kể từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tích cực chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Khu giải phóng.

Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị tuyên bố thành lập Khu giải phóng. Tân Trào được chọn làm Thủ đô Khu giải phóng. Phạm vi Khu giải phóng bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, một số vùng phụ cận thuộc các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái. Khu giải phóng đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Ủy viên Thường trực và là Ủy viên Quân sự.

Khu Giải phóng là “hình ảnh nước Việt Nam mới”, Tân Trào trở thành Thủ đô Khu giải phóng, lán Nà Nưa đã trở thành “Đại bản doanh”, trung tâm lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám.

Có thể nói, việc quyết định chọn Tân Trào là Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến trong những năm chống thực dân Pháp có vai trò rất lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-va-nhung-su-menh-lich-su-trong-cach-mang-thang-tam-post308753.html