Đắk Lắk giữ thị trường xuất khẩu sầu riêng bằng nâng cao chất lượng vườn trồng
Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng, nông dân và chính quyền tỉnh Đắk Lắk đang chủ động triển khai nhiều giải pháp canh tác an toàn để giữ vững vị thế cho trái sầu riêng ở thị trường xuất khẩu trọng điểm
Tỉnh Đắk Lắk hiện đang đứng đầu cả nước về diện tích trồng sầu riêng với hơn 33.000 ha. Sản lượng đạt hơn 300.000 tấn/năm. Việc xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc những năm gần đây đã mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng, nông dân và chính quyền tỉnh Đắk Lắk đang chủ động triển khai nhiều giải pháp canh tác an toàn để giữ vững vị thế cho trái sầu riêng ở thị trường xuất khẩu trọng điểm này.
Trong khu vườn rộng hơn 1 ha của ông Lê Văn Việt, ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, những cây sầu riêng hơn 6 năm tuổi đang trong giai đoạn xổ nhị. Ông Việt cho biết, thời tiết bất thường với những ngày lạnh kéo dài, xen kẽ các đợt mưa trái mùa khiến hoa yếu, tỷ lệ đậu trái thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ông Việt vẫn tin vào chất lượng của vườn cây vì gia đình canh tác theo hướng sinh học, giúp trái cây phát triển an toàn.

Năm nay thời tiết bất thường với những ngày lạnh kéo dài, xen kẽ các đợt mưa trái mùa khiến hoa yếu, tỷ lệ đậu trái thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
“Với một phương thức canh tác bền vững như tôi đang thực hiện, không sử dụng thuốc kích thích, không sử dụng phân bón hóa học thì thời tiết này, sản lượng không nhiều nhưng đổi lại những trái sầu riêng có chất lượng vượt trội hơn những phương thức cách tác khác và nó không bị các hiện tượng lỗi quả sầu riêng. Đó là canh tác bền vững sẽ ít bị ảnh hưởng của thời tiết hơn” - ông Việt chia sẻ.
Canh tác bền vững ít dùng hóa chất là hướng sản xuất được nhiều hộ trồng sầu riêng tại các huyện: Krông Pắc, Cư M’gar, Krông Năng… của tỉnh Đắk Lắk áp dụng trong những năm gần đây. Bà con liên kết với nhau trong các tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc liên kết sản xuất với doanh nghiệp xuất khẩu nên có điều kiện giao lưu, tập huấn, quy trình sản xuất sầu riêng bền vững ngày càng hoàn thiện.
Ông Lê Văn Thông, thành viên tổ hợp tác nông nghiệp sạch Hòa Thắng, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Học hỏi được khoa học của các kỹ sư, họ về truyền đạt lại khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm của nông dân từ vùng này sang vùng khác để mình học hỏi. Thứ hai, cho nông dân ý thức ghi chép lại để mình theo dõi việc bón phân, canh tác hàng ngày”.

Nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc sầu riêng để quản lý lượng nước tưới, dinh dưỡng phù hợp.
Trước yêu cầu nghiêm ngặt của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về các tiêu chuẩn an toàn, tỉnh Đắk Lắk đã tích cực rà soát, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cho các đơn vị đáp ứng đủ điều kiện. Đến nay, toàn tỉnh có 68 mã số vùng trồng và 23 cơ sở đóng gói sầu riêng được phê duyệt xuất khẩu sang Trung Quốc. Tại các vùng trồng sầu riêng trọng điểm, việc quản lý mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc được các địa phương thực hiện nghiêm túc.
Ông Trần Quốc Vĩnh, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, huyện “thủ phủ sầu riêng” của Đắk Lắk cho biết, huyện đã được cấp 37 mã số vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói và đang tăng cường công tác giám sát.
Theo ông Vĩnh: “Chúng tôi tăng cường quản lý giám sát mã vùng trồng cùng với mã cơ sở đóng gói để làm sao đảm bảo được các tiêu chuẩn. Trước hết là các doanh nghiệp trên địa bàn huyện phải hoàn thiện các hồ sơ thủ tục, nhất là những chất hiện nay Trung Quốc đang cấm như chất Cadimi hay chất Vàng O”.

Người trồng sầu riêng Đắk Lắk chủ động canh tác theo hướng an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, năm nay, tỉnh đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỷ USD, trong đó sầu riêng tươi và đông lạnh là sản phẩm quan trọng. Tuy nhiên, những diễn biến thị trường đầu năm đã đặt ra thách thức buộc ngành nông nghiệp phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững thị trường xuất khẩu.
“Thứ nhất là về khâu sản xuất, xác định được vùng trồng và vùng trồng có chọn lọc và hai là về hoạt động sản xuất phải đảm bảo cho việc truy xuất nguồn gốc, đầu tư các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như quản lý các yếu tố đầu vào. Đặc biệt là thu mua, bảo quản, chế biến đảm bảo yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, phải hình thành nên các khu vực đã được quy hoạch để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng các kho hàng, các khu cấp đông đảm bảo theo các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu” - ông Hà nhấn mạnh.
Dù ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk đã được khẳng định cả về quy mô và chất lượng, nhưng để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe, vẫn cần thêm nhiều cố gắng cải thiện. Việc chủ động canh tác an toàn là cố gắng bước đầu của tỉnh, là nền tảng để sầu riêng Đắk Lắk tiếp tục vươn ra nhiều thị trường tiềm năng khác.