Đắk Lắk: Hiệu quả từ công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu
Ttừ năm 2017- đến nay, công tác tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk được các cấp và chính quyền địa phương được quan tâm. Công tác bình chọn triển khai đến các cơ sở, doanh nghiệp đạt được kết quả cao.
Với mục đích phát hiện và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy CNNT phát triển, đồng thời lựa chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk.
Qua các năm 2017, 2019, 2021 và 2023, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 04 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, kết quả đã có 61 sản phẩm và bộ sản phẩm của 42 cơ sở sản xuất CNNT được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Đồng thời, tham gia 03 kỳ bình chọn cấp khu vực vào các năm 2018, 2020 và 2022, kết quả có 18 sản phẩm, bộ sản phẩm của 18 cơ sở được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực; tham gia 03 kỳ bình chọn gia cấp Quốc gia vào các năm 2019, 2021 và 2023 có 09 sản phẩm và bộ sản phẩm của 09 cơ sở được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia.
Năm 2024, tỉnh Đắk Lắk gửi hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, với 23 sản phẩm của 17 cơ sở đã được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023.
Qua thời gian triển khai thực hiện (từ năm 2017- đến nay) công tác tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk được các cấp và chính quyền địa phương được quan tâm. Công tác tổ chức bình chọn triển khai đến các cơ sở, doanh nghiệp đạt được kết quả cao, nhiều sản phẩm mới của các cơ sở, doanh nghiệp đăng ký tham gia, số lượng sản phẩm đăng ký ngày càng nhiều, mẫu mã đa dạng, phong phú, chất lượng ngày một nâng lên,… Giá trị sản phẩm gia tăng và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nhìn chung một số cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển thông qua chất lượng, hình thức, bao bì của sản phẩm.
Ông Trương Công Hồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đánh giá: Thông qua kết quả bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đã tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thực hiện các chính sách của nhà nước thông qua hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ đầu tư, máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất,…Các doanh nghiệp cơ sở có sản phẩm được cấp giấy chứng nhận CNNT tiêu biểu ngày càng quan tâm cải tiến về mẫu mã, bao bì sản phẩm, sản phẩm đã tiếp cận với khách hàng ngày càng nhiều, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, góp phần quan trọng thúc đẩy CNNT của tỉnh ngày càng phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, trong triển khai kế hoạch bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh vẫn còn một số địa phương chưa tích cực, chưa sẵn sàng tham gia việc triển khai bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Do đó, chưa có địa phương nào trong tỉnh đủ số lượng sản phẩm để triển khai bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, mà chỉ xem xét, lựa chọn một số sản phẩm của địa phương để gửi tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Một số cơ sở CNNT cung cấp các thông tin liên quan đến sản phẩm, quy trình sản xuất sản phẩm, hiệu quả sản phẩm theo quy định chưa đầy đủ, chất lượng chưa đảm bảo, ổn định, mẫu mã, bao bì sản phẩm chưa đạt so với yêu cầu do cơ sở còn khó khăn về nhiều mặt như: vốn, công nghệ sản xuất, năng lực quản lý còn hạn chế, công tác tiếp cận thị trường…
Nhiều cơ sở CNNT cũng chưa thực sự tích cực, chủ động tham gia vào chương trình bình chọn; không ít cơ sở chưa hiểu biết hết được lợi ích của hoạt động này; chưa nắm bắt được quy trình, thủ tục, điều kiện về sản phẩm tham gia, do đó còn ngại ngùng.
Việc triển khai, theo dõi, đánh giá thực hiện thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp có nhiều bất cập như không thực hiện một cách thường xuyên, bắt buộc từng cấp. Việc tổ chức bình chọn phụ thuộc vào khảo sát, xây dựng đề án và nguồn kinh phí khuyến công địa phương được cấp. Theo quy định, hồ sơ và văn bản đăng ký tham gia bình chọn do cơ quan quản lý nhà nước gửi liên thông theo từng cơ sở CNNT không phải nộp phí hay lệ phí khi tham gia, không gửi trực tiếp hồ sơ đăng ký bình chọn đến cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia.
Để chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu ngày càng phát triển trong thời gian đến và phát hiện, tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người dùng trong và ngoài nước. Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã đề ra một số nội dung, giải pháp mang tính định hướng.
Cụ thể, sẽ tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến các cơ sở CNNT để nắm bắt, hiểu rõ được các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu thông qua các trang thông tin điện tử, truyền hình, truyền thanh; lồng ghép phổ biến tại các chương trình hội nghị, hội thảo, tập huấn … do chương trình khuyến công hằng năm thực hiện.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ cho các cơ sở CNNT tham gia các hội chợ, triển lãm trưng bày, quảng bá sản phẩm chất lượng của địa phương; Hỗ trợ các cơ sở tham gia vào các hệ thống trưng bày, phân phối sản phẩm cấp khu vực và quốc gia. Hỗ trợ các cơ sở CNNT thuê tư vấn thông qua hoạt động Marketing; tư vấn thay đổi mẫu mã bao bì, logo,… quảng cáo các sản phẩm trên Trang thông tin điện tử của Sở Công Thương.
Tư vấn, hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất CNNT tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, có chính sách ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương để đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, xúc tiến thương mại.