Đắk Lắk tăng cường ứng phó bệnh truyền nhiễm
Theo thống kê của CDC Đắk Lắk, tính đến ngày 21/8. toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 1.400 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số mắc rải rác ở hầu hết địa phương trong tỉnh.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 21/8, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 1.400 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số mắc rải rác ở hầu hết địa phương trong tỉnh.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng Dengue gây ra, lây lan thông qua loại muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền virus sang người lành khi muỗi đốt.
Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc chủ động phòng ngừa rất cần thiết. Công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng đóng vai trò quan trọng, trong đó không thể không kể đến những người có vai trò là trưởng/phó các thôn buôn, cộng tác viên, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và người có uy tín trong cộng đồng.
Tại các buổi truyền thông trực tiếp, cán bộ xã, trưởng các thôn buôn, người dân ở các xã đã được báo cáo viên của CDC Đắk Lắk chia sẻ thông tin về tình hình bệnh sốt xuất huyết, bệnh bạch hầu gần đây trên cả nước và tại Đắk Lắk.
Ngoài ra, những người tham dự còn được cập nhật các thông tin về bệnh sốt xuất huyết, bệnh bạch hầu, nguyên nhân mắc bệnh, nguồn lây, các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết bằng cách diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy, sử dụng các biện pháp chống muỗi đốt. Đối với bệnh bạch hầu, bên cạnh các biện pháp phòng tránh lây lan nguồn bệnh thì khuyến cáo người dân cho trẻ tiêm đầy đủ và đúng lịch vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
Ông Nguyễn Tấn Thoại, thôn 3, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: "Chúng tôi luôn quan tâm đến công tác truyền thông để làm sao tuyên truyền cho bà con về cách đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống bệnh sốt xuất huyết và một số bệnh truyền nhiễm nói chung một cách hiệu quả nhất".
Đắk Lắk đang thời điểm mưa nhiều, có nguy cơ xuất hiện và gia tăng ca bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh công tác tuyên truyền qua loa, đài phát thanh thì công tác truyền thông trực tiếp, đi từng ngõ gõ từng nhà để người dân biết các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, bệnh bạch hầu, viêm não Nhật bản và một số bệnh truyền nhiễm khác là việc làm thiết thực và hiệu quả.
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh bạch hầu, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để ứng phó với dịch bệnh.
Trong đó, tập trung công tác giám sát, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch tại các địa phương, đồng thời tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp cho người dân, cộng tác viên y tế, trưởng thôn buôn, người có uy tín là giải pháp có tính nòng cốt và lâu dài có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh ở địa bàn, khu dân cư.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó giám đốc CDC Đắk Lắk, cho biết các buổi truyền thông, cập nhật kiến thức phòng chống dịch bệnh cho người dân, cộng tác viên y tế, trưởng thôn buôn, người có uy tín tại các địa phương... góp phần nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh nói chung, trong đó có sốt xuất huyết, bạch hầu.
Qua đó, mỗi người sẽ tiếp tục là những tuyên truyền viên tích cực vận động những người xung quanh và cộng đồng cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.