Đắk Nông: Kiến nghị thanh tra và thu hồi dự án của Công ty Basaltstone
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Đắk Nông kiến nghị UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh thanh tra toàn diện, thu hồi toàn bộ diện tích đất dự án của Công ty Cổ phần Basaltstone theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông vừa có công văn phản hồi gửi Thông tấn xã Việt Nam thông tin tình trạng mất rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và việc tính toán bồi thường thiệt hại về rừng tại dự án của Công ty Cổ phần Basaltstone.
Theo đó, tháng 5/2009, Công ty Cổ phần Basaltstone (tiền thân là Công ty Cổ phần Green Garden Trường Xuân, sau đổi tên thành Công ty Cổ phần sản xuất chế biến nông sản Việt) được UBND tỉnh Đắk Nông giao hơn 898ha rừng, đất rừng để khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ và thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó, có hơn 653ha đất rừng tự nhiên, gần 245ha là đất không có rừng.
Từ thời điểm được giao đất, giao rừng, rừng trên lâm phần của Công ty Cổ phần Basaltstone liên tục bị tàn phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm với số lượng lớn, trong thời gian dài. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau 14 năm, diện tích rừng tự nhiên trên lâm phần của Công ty Cổ phần Basaltstone hiện chỉ còn hơn 245ha (tức giảm hơn 400ha rừng so với năm 2009).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, hơn 361ha rừng thuộc quy hoạch khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ rừng trên lâm phần của Công ty Cổ phần Basaltstone bị tàn phá, xóa sổ trước năm 2017. Tổng diện tích đất đai bị lấn chiếm, tranh chấp gần 373ha.
Tuy vậy, công văn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông không đề cập đến việc xử lý trách nhiệm của đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan tới tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Công ty Cổ phần Basaltstone.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, đến nay, việc tính toán thiệt hại về rừng để yêu cầu bồi thường đang gặp khó khăn, vướng mắc và Sở đang… chờ hướng dẫn.
Diện tích rừng bị mất diễn ra trong thời gian dài; việc xác định thời gian cụ thể rừng bị phá gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian; để tính toán được giá trị bồi thường phải rà soát chi tiết theo từng lô, diện tích, hiện trạng, loại rừng, trữ lượng; đặc biệt, phải xác định thời gian bị phá cụ thể để áp giá phù hợp…
Sở phối hợp các sở, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp vào tháng 9/2022 để được hướng dẫn về trình tự, thủ tục, chế tài nhưng chưa nhận được phản hồi.
Tháng 11/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương liên quan tới bồi thường thiệt hại về rừng và đang chờ phản hồi, hướng dẫn thực hiện.
Tại báo cáo kết quả kiểm tra tình hình triển khai, thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiến nghị UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện nghĩa vụ tại dự án của Công ty Cổ phần Basaltstone làm cơ sở thu hồi toàn bộ diện tích đất của dự án theo quy định.
Theo một đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông, Công ty Cổ phần Basaltstone đang thực hiện các thủ tục để xin cấp phép khai thác mỏ đá bazan Trường Xuân với diện tích khoảng 25ha. Đây là diện tích nằm trong hơn 898ha thuộc dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp của doanh nghiệp này. Mỏ đá có công suất khai thác hơn 150.000m3 đá nguyên khai/năm.
Tuy nhiên, hiện khu vực doanh nghiệp xin cấp phép mỏ đá bazan đang chồng lấn quy hoạch mỏ bô xít Đắk Nông (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) nên đang bị tạm dừng.
Trước đó, như phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã thông tin, vào tháng 1/2024, hơn 400ha rừng tự nhiên trên các lâm phần được giao cho Công ty Cổ phần Basaltstone khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ tại xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã bị xóa trắng. Việc xử lý trách nhiệm của Công ty Cổ phần Basaltstone hầu như “giậm chân tại chỗ” và các kết quả đạt được không đáng kể.
Theo một đại diện Công ty Cổ phần Basaltstone, Công ty này đang phải trả tiền thuê đất cho cả phần đất bị người dân lấn chiếm, phá rừng và không có cơ sở để nói doanh nghiệp không ngăn chặn tình trạng xâm canh.