Đăk Tô (Kon Tum): Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) có đông đồng bào DTTS (chiếm 57.17% dân số toàn tỉnh), với 17 dân tộc anh em cùng sinh sống như Ba Na, Xơ Đăng, Mường, Nùng, Tày, Thái, Thổ... Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đăk Tô tập trung triển khai Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình).

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển)

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển)

Trong thời gian triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núiBan chỉ đạo, HĐND, UBND huyện đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định, chương trình, kế hoạch công tác trong cả giai đoạn và hàng năm để hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, chú trọng tổ chức thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các Chương trình, dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đúng quy trình, công khai dân chủ, kịp thời, đúng và không bỏ sót đối tượng, đem lại hiệu quả cao.

Theo Quyết định số 733/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kon Tum ban hành ngày 12/12/2023 trong đó kế hoạch đầu tư, dự toán ngân sách Trung ương năm 2024. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn : 2021-2025. Cụ thể phân bổ vốn năm 2024, huyện Đăk Tô tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình: 68.604 triệu đồng (ngân sách Trung ương 39.527 triệu đồng; ngân sách địa phương 29.077 triệu đồng). Riêng phân bổ cho Dự án 1 trên địa bàn huyện tổng nguồn vốn 2.803 triệu đồng, (trong đó vốn đầu tư phát triển là 1.515 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 1.288 triệu đồng).

Nhờ sự quan tâm cơ quan các cấp chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể huyện bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Tô ngày càng khởi sắc. Đồng bào DTTS được bố trí đất ở, nhà ở được xây dựng sửa chữa khang trang, sạch đẹp đạt diện tích tối thiểu, đáp ứng đủ 3 “cứng’’ mái cứng, khung cứng, nền cứng do Đảng và Nhà nước đề ra. Bên cạnh đó, kết hợp với chương trình cho vay Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ hỗ trợ người dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải quyết nỗi lo nhu cầu vốn cho người dân, các chương trình cho vay có lãi suất ưu đãi. Cho vay hỗ trợ đất ở, tối đa 50 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%/năm, thời hạn cho vay tối đa là 15 năm; cho vay hỗ trợ nhà ở tối đa 40 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%/năm, thời hạn cho vay tối đa là 15 năm. Cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề: Tối đa 77,5 triệu đồng/hộ đối với cho vay hỗ trợ đất sản xuất. Đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở trong 5 năm đầu khách hàng chưa phải trả nợ gốc và thời hạn vay khá dài.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Tô năm 2023, đơn vị đã cho vay và giải ngân toàn bộ 4 tỷ đồng theo định mức được giao. Qua đó cho thấy giải quyết cơ bản nhu cầu vay vốn, người dân được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách này, nhất là nội dung xây nhà mới và chuyển đổi nghề.

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, năm 2022 huyện Đăk Tô được ngân sách Nhà nước bố trí vốn hơn 33 tỷ đồng và hơn 57 tỷ đồng năm 2023. Từ nguồn vốn được bố trí, bước đầu huyện đã thực hiện hỗ trợ 32 hộ chuyển đổi do thiếu đất sản xuất; xây dựng 03 công trình nước sinh hoạt tập trung, giải quyết nước sinh hoạt cho 168 hộ; hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư cho 797 hộ; đào tạo nghề, tạo việc làm cho 300 người; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 20 hộ DTTS; giải quyết đất ở cho 01 hộ, nhà ở: cho 04 hộ và đất sản xuất, sinh kế cho 42 hộ. Về hỗ trợ nước sinh hoạt được đảm bảo, nước sinh hoạt mạnh, nước bà con sử dụng ổn định, nguồn nước, công trình nước dẫn tới từng gia đình đều là nguồn nước đã được xử lý qua hệ thống lọc đảm bảo an toàn vệ sinh giúp người dân yên tâm về chất lượng khi sử dụng.

Thực hiện Dự án 1, huyện Đăk Tô chỉ đạo các xã tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025, huyện đã rà soát hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, nước sinh hoạt phân tán cho 140 hộ, tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng; hơn 167 người tạo việc làm mới; 83 hộ được hỗ trợ nhà ở; xây dựng trên 110 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống đồng bào DTTS. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Tô tạo điều kiện cho 67 hộ vay vốn theo Nghị định 28 của Chính phủ, với tổng số tiền 4 tỷ 160 triệu đồng để xây dựng nhà ở.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong Nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Đăk Tô đã giảm từ 15,04% của năm 2021 xuống còn 6,73% năm 2024.

Tiêu biểu trên địa bàn huyện, Pô Kô là xã đặc biệt khó khăn nằm ở phía Đông Nam Huyện Đăk Tô, với 3.698 nhân khẩu, với 10 dân tộc anh em sinh sống, chiếm phần đông là dân tộc Ba Na (nhánh Rơ Ngao). Từ 2022-2024 tổng nguồn vốn các Chương trình MTQG trên địa bàn xã là hơn 14 tỷ đồng. Đặc biệt, nguồn lực từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội, Từ năm 2022 đến nay, Dự án 1 xã đã triển khai hỗ trợ nhà ở cho 8 hộ; hỗ trợ đất ở cho 1 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho 5 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 34 hộ; hỗ trợ nước phân tán cho 20 hộ. Ngoài hỗ trợ nhà ở theo chương trình, xã còn huy động nguồn vốn từ quỹ vì người nghèo, tình thương, từ các mạnh thường quân xóa được 8 căn nhà tạm cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở.

Nhờ các Chương trình, Dự án cũng như sự quan tâm của các cấp đã góp phần ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế cho người dân. Hiện thu nhập bình quân đầu người 40 triệu đồng/người/năm; toàn xã giảm còn 21,5% hộ nghèo; xã có 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 99,45% trẻ đến trường lớp; 92,9% nhà ở kiên cố...

Công trình nước sinh hoạt tập trung tại xã Pô Kô, huyện Đăk Tô (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển)

Công trình nước sinh hoạt tập trung tại xã Pô Kô, huyện Đăk Tô (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển)

Huyện quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về việc tích cực vận động tham gia tiếp nhận các chính sách, Chương trình. Với đặc thù dân số chủ yếu là đồng bào DTTS vậy nên vai trò tiếng nói của già làng trưởng thôn, người có uy tín góp phần rất quan trọng trong công tác vận động, đôn đốc.

Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Chương trình MTQG và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của địa phương, UBND huyện Đăk Tô tiếp tục thực hiện có hiệu quả, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện các chương trình MTQG theo Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 12/12/2023, Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 22/01/2024 và Kế hoạch thực hiện các chương trình MTQG năm 2024 của UBND tỉnh.

Về kế hoạch trong thời gian tới, Huyện Đăk Tô cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục giao vốn, phê duyệt dự án, dự toán chi tiết, xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch vốn năm 2024 kéo dài và vốn năm 2025, phấn đấu thực hiện giải ngân kế hoạch vốn với tỷ lệ cao nhất, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, đối tượng. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua để định hướng phát triển kinh tế số, thời gian tới tập trung thay đổi bộ mặt của đồng bào DTTS chủ yếu về kinh tế - xã hội. Nhằm rút ngắn khoảng cách giữa vùng đồng bào DTTS với phần còn lại của huyện.

Tuyết Mai

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/dak-to-kon-tum-nang-cao-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-59308.html