Đề xuất hướng dẫn mới về quản lý, sử dụng tài sản công
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo Bộ Tài chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 29 tháng 11 năm 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 về: thẩm quyền quyết định giao, mua sắm, thuê, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công; hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc xử lý vật tư, vật liệu thu hồi từ thanh lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo hình thức phá dỡ, hủy bỏ; thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Vì vậy, để triển khai các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu quả, kịp thời và đồng bộ, việc sửa đổi, bổ sung các nội dung được quy định chi tiết tại các Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để phù hợp với các nội dung đã được sửa đổi, bổ sung là cần thiết.
Bổ sung quy định về xử lý tài sản công sau khi có quyết định thu hồi
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về khai thác, xử lý tài sản có quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền (Điều 19)
Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kể toán, Luật kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia (sau đây gọi là Luật sửa đổi) đã bổ sung 02 hình thức xử lý tài sản công sau khi có quyết định thu hồi gồm: (i) Giao Tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật về đất đai; (ii) Giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương để quản lý, khai thác theo quy định của Chính phủ.
Vì vậy, tại dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định hướng dẫn thực hiện đối với 02 hình thức nêu trên để làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện.
Sửa đổi quy định về bán, thanh lý tài sản công
Dự thảo cũng sửa đổi quy định về bán tài sản công (Điều 23, Điều 24): Tại Luật sửa đổi đã sửa đổi quy định về bán tài sản công, theo đó, hình thức bán không được áp dụng đối với tài sản là đất, nhà, tài sản gắn liền với đất. Vì vậy, tại dự thảo Nghị định đã sửa đổi quy định về bán tài sản công theo hướng bỏ các nội dung quy định về xác định giá khởi điểm, nộp tiền bán trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP và Nghị định số 114/2024/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi quy định về thanh lý tài sản công (Điều 29, Điều 30): Tại Luật sửa đổi đã sửa đổi quy định về xử lý vật tư, vật liệu thu hồi từ thanh lý tài sản công theo hình thức phá dỡ, hủy bỏ. Vì vậy, tại dự thảo Nghị định đã sửa đổi các quy định có liên quan để phù hợp với nội dung đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi theo hướng dẫn chiếu thực hiện theo quy định về xử lý vật tư, vật liệu thu hồi tại Điều 10a Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP); theo đó: (i) Vật tư, vật liệu thu hồi được không sử dụng được thì hủy bỏ; (ii) Vật tư, vật liệu thu hồi được thì cơ quan nhà nước được giữ lại tiếp tục sử dụng nếu có nhu cầu, điều chuyển; bán. Đồng thời, hướng dẫn cách xác định giá trị, theo dõi trong trường hợp giữ lại, điều chuyển, bán.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.