Đầm ấm bữa cơm đoàn viên chiều cuối năm

Ngày 30 Tết, bỏ lại những vất vả, lo toan trong một năm, mọi người đều cố gắng nhanh chóng thu xếp công việc, trở về bên gia đình, quây quần bên bữa cơm tất niên sum vầy.

Trong không khí rộn ràng của những ngày cuối cùng năm Nhâm Dần, nhà nhà người người cố gắng hoàn thành thật tốt mọi việc trong năm cũ để đón một năm mới hứa hẹn có thật nhiều khởi sắc mới.

Năm mới, năm mới sắp đến rồi! Ấm áp làm sao ngày Tết cổ truyền Việt Nam, Tết của đoàn viên, của những bữa cơm gia đình…

Bữa cơm chiều cuối năm như sợi “lạt mềm” buộc chặt tình thân (Ảnh minh họa)

Giá trị truyền thống gia đình

“Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi. Người ra, Trung, ra Bắc, vô Nam. Dù đi đâu ai cũng nhớ.Về chung vui bên gia đình” - đó là những ca từ thấm đượm tình quê trong bài hát “Ngày Tết quê em” của cố nhạc sĩ Từ Huy. Thật vậy, mỗi khi Tết đến xuân về dù học hành, làm ăn ở đâu xa thì những đứa con cũng quy tụ về nhà hưởng cái Tết ấm áp bên gia đình.

Việt Nam ta có rất nhiều phong tục lễ Tết nhưng Tết Nguyên Đán được xem là ngày Tết quan trọng nhất. Nó không chỉ là dịp để mọi người được ăn ngon, mặc đẹp, vui chơi mà điều quan trọng là trong trái tim mỗi con người Việt Nam, tết cổ truyền mang ý nghĩa của sự sum vầy, đoàn tụ.

Anh Nguyễn Xuân Hiếu (quê Vĩnh Phúc) đang sinh sống và làm việc tai Hà Nội chia sẻ, dù đi làm ở đâu, có bận bịu thế nào nhưng anh luôn sắp xếp công việc để trở về quê, quây quần bên mâm cơm gia đình chiều cuối năm.

“Còn gì hạnh phúc và thanh bình hơn khi trong không khí ấm áp, khói trầm thơm ngát, bên mâm cơm có đủ bánh chưng xanh, dưa hành, giò mỡ… con cháu thưa chuyện với ông bà, cha mẹ những việc đã làm tốt trong năm, từ chuyện học hành, làm ăn đến chuyện tình cảm, hiếu nghĩa hay cả những luyến tiếc, những điều chưa hoàn thành và chuyện tình cảm, hi vọng về một năm mới thuận lợi, bình an,…” anh Hiếu bày tỏ.

Những bữa cơm chiều cuối năm không giống những bữa cơm thường, không phải sơn hào hải vị, chỉ cần một vài món chính đặc trưng của ngày Tết như bánh chưng, giò lợn, dưa hành, hay những đặc sản vùng miền... nhưng với không khí gia đình quây quần đầm ấm, tiếng cười rộn vui đã tạo nên hương vị Tết, đồng thời góp phần hình thành nên truyền thống và nếp sống gia đình.

Ngoài ra, bữa cơm chiều 30 Tết ngon vì sự hồ hởi của những đứa trẻ trong nhà sau những ngày chờ tết, ngon bởi sự quây quần, bên các thành viên trong gia đình và ngon vì con cháu hướng về cội nguồn, về ông bà tổ tiên, về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.

Mâm cơm gia đình ngày Tết mang nhiều giá trị tình cảm thiêng liêng, cao quý (Ảnh minh họa)

Mâm cơm gia đình ngày Tết mang nhiều giá trị tình cảm thiêng liêng, cao quý (Ảnh minh họa)

“Sợi chỉ hồng” gắn kết tình thân

Niềm khao khát được về với quê hương, về với những món ăn dân dã và sự quây quần đông đủ của tình thương luôn ẩn sâu trong trái tim mỗi người. Dù có thể hiện ra ngoài hay không thì trong lòng họ đó là khát khao cháy bỏng nhất.

Đối với người Việt Nam, bữa cơm gia đình là một nét văn hóa truyền thống thể hiện tính cộng đồng, là “sợi chỉ hồng” gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đồng thời, là linh hồn của sự đoàn tụ yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn con người tạo nên không khí đoàn tụ trọn vẹn, ấm áp.

Bữa cơm tất niên không phải nghi lễ ngày Tết, xong đó là phong tục của người dân Việt Nam. Bữa cơm tất niên là nét văn hóa đã in đậm trong tâm trí nhiều người Việt và trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình mỗi khi tết đến xuân về.

Chính vì thế, ngày cuối năm, cuộc sống bộn bề, những người đang phải công tác, làm việc không trở về nhà được, luôn canh cánh trong lòng, bữa cơm chiều cuối năm, bữa cơm “đàn chim về tổ”, bữa cơm sum họp đoàn viên.

Năm cũ sắp qua đi, một năm mới đang tới và mâm cơm chiều tất niên cũng sắp được dọn ra. Lại ước sao, mỗi gia đình đều sum họp, vì Tết sum họp đủ đầy mới là một cái Tết trọn niềm vui nhất…

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/dam-am-bua-com-doan-vien-chieu-cuoi-nam-d188448.html