Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ 2025

Chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, nhằm hạn chế thiệt hại cũng như sự ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ra văn bản hướng dẫn các phương án phòng ngừa và ứng phó với mùa mưa bão.

Trong Văn bản số 2/CT-BNNM ngày 8/5/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, theo nhận định tình hình thiên tai, thời tiết năm 2025 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 7, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở khu vực biển Đông; tổng lượng mưa ở hầu hết các khu vực được dự báo tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.

Đập thủy điện Hòa Bình. Ảnh:T.N

Đập thủy điện Hòa Bình. Ảnh:T.N

Để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống lụt bão, ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện một số công việc trọng tâm như:

Chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai, đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn (nhất là công tác ứng phó với bão Yagi và mưa lũ sau bão); kiện toàn, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành; bổ sung phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi.

Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng hệ thống công trình đê điều, thủy lợi nhằm phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình; chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê, bảo vệ công trình theo phương án được duyệt; chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ cho từng tuyến đê, công trình thủy lợi; tổ chức diễn tập phương án hộ đê, phương án ứng phó khẩn cấp của các hồ chứa; kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin liên lạc để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, ứng phó khẩn cấp sự cố công trình, đặc biệt là lực lượng quân đội đóng trên địa bàn; rà soát, đánh giá quy trình vận hành của các cống dưới đê, nhất là đối với cống dưới đê của các trạm bơm tiêu để điều chỉnh, bổ sung phù hợp, đảm bảo an toàn chống lũ…; tu bổ, nâng cấp, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng công trình trước mùa mưa, lũ…

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; nhất là tình trạng vi phạm tập kết vật liệu quy mô lớn, xây dựng công trình trái phép trên bãi sông, đổ phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông gây cản trở thoát lũ,…; xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ, lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi.

Tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn; nâng cao chất lượng các công nghệ trong dự báo, cảnh báo sớm nhằm đảm bảo sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo ứng phó thiên tai.

Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và tổng hợp, báo cáo kịp thời khi xảy ra sự cố đê điều, công trình thủy lợi về Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, thủy lợi nhằm nâng cao nhận thức của người dân, hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình.

Thái Nhung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dam-bao-an-toan-cong-trinh-thuy-loi-trong-mua-mua-lu-2025-10305423.html