Đánh thức 'đất vàng' ven sông Hà Nội
Hà Nội có quỹ đất bãi sông rộng lớn, trong đó phần diện tích đất bãi sông Hồng chiếm đa số, nhưng nhiều năm qua do chưa có quy định quản lý, sử dụng nên xảy ra nhiều vi phạm, sử dụng lãng phí.
Hà Nội đang Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn TP. Khi Nghị quyết này được thông qua sẽ đem lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Xử lý vi phạm, sử dụng lãng phí
Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội nổi lên rất nhiều bãi bồi giữa sông, thường được gọi ngắn gọn là bãi giữa, với nhiều kiểu hình dáng. Trong đó, khu vực bãi bồi giữa sông Hồng quan trọng nhất với Hà Nội nằm ở dưới cầu Long Biên, chủ yếu thuộc địa bàn hành chính quận Hoàn Kiếm, là một không gian xanh rộng lớn giữa Thủ đô. Rộng khoảng 23ha, diện tích khu vực bãi bồi giữa sông Hồng này không cố định mà thay đổi theo mùa, phụ thuộc lượng mưa lũ từng năm. Những năm gần đây, mực nước sông Hồng hiếm khi lên cao, diện tích bãi giữa ít thay đổi hơn. Thượng nguồn sông Hồng xuất hiện các công trình thủy điện lớn nhỏ nên khu vực này không còn nhiều lũ và lũ lớn như xưa nên ngay cả khi mùa mưa, bãi bồi giữa sông Hồng vẫn khô cạn, trở thành cánh đồng hoa màu mùa nào cây nấy, đồng thời cũng là điểm vui chơi ưa thích của nhiều người dân Hà Nội, thậm chí là nơi sinh sống của không ít hộ dân.

Bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Hải Linh
Có thể chia tách, khu vực bãi giữa sông Hồng có 3 nhóm người sinh sống gồm: những người không có nhà trên mặt đất, phải sống trên thuyền hoặc nhà nổi trên sông; những người dân làm nông nghiệp với các sản phẩm rau màu, cây ăn quả; những người khai thác du lịch là những chủ thể mới xuất hiện bởi nhu cầu giải trí, tham quan và trải nghiệm cuộc sống tại các bãi bồi giữa sông Hồng.
Như vậy, những hoạt động sinh sống, nông nghiệp và phi nông nghiệp tại bãi bồi giữa sông Hồng vẫn mang tính tự phát cao theo nhu cầu của người dân, thậm chí một số hoạt động còn vi phạm các quy định pháp luật. Có thể kể đến như “vụ án đê Yên Phụ” (năm 1995) đã phá bỏ hơn 200 ngôi nhà xây dựng trái phép trên đê Yên Phụ, Tứ Liên, cũng như xử lý các cán bộ liên quan. Lý giải điều này, môt số chuyên gia cho rằng, chính quyền có lúng túng, loay hoay trong việc xử lý bởi rơi vào tình cảnh tranh cãi giữa cái lý – làm đúng luật, với cái tình – bảo đảm cuộc sống những người dân yếu thế mà nhiều người trong số đó khi bước đường cùng đã chọn đến sinh sống nơi này.
Tạo sự linh hoạt
TP Hà Nội đang lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn TP (thực hiện điểm a khoản 3 Điều 32 Luật Thủ đô 2024). Dự thảo Nghị quyết quy định về hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm bảo đảm nguyên tắc việc xây dựng trên đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phải phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khác có liên quan.
Trong đó, Điều 5 dự thảo Nghị quyết nêu rõ, tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo quy định tại Điều 218 Luật Đất đai; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp: lán, trại để phục vụ cho người lao động; công trình sơ chế, bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ, dụng cụ và các công trình phụ trợ khác có tính chất tương tự. Điều kiện sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp là diện tích khu đất nông nghiệp có tổng diện tích từ 300m2 trở lên. Vị trí xây dựng công trình nằm ngoài phạm vi bảo vệ đê điều, thủy lợi, ngoài chỉ giới hành lang thoát lũ của tuyến sông có đê; cách bờ sông một khoảng cách nhất định; không thuộc khu vực bãi sông đang sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, cam kết không san lấp, tôn cao bãi sông hiện có; tự phá dỡ công trình, không được bồi thường khi hết thời gian tồn tại hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi, thực hiện các dự án…
Phát triển bền vững
Điều mà dư luận quan tâm là TP sẽ làm gì với quỹ đất này. Mở rộng ra, Hà Nội đang đối mặt với một loạt các vấn đề không gian đô thị như thiếu không gian mở, không gian cây xanh tự nhiên trong đô thị mà do lịch sử để lại. Rõ ràng, từ thực tế khai thác sử dụng đất bãi bồi giữa sông Hồng có một số định hướng quan trọng cho việc khai thác bãi bồi giữa sông Hồng theo hướng tạo dựng các không gian sáng tạo như công viên nông nghiệp đô thị vừa kết hợp giữa tính chất giải trí, nghỉ ngơi của công viên, vừa giúp tăng màu xanh và tăng thu nhập của người dân; không gian mở xanh dành cho những hoạt động ngoài trời, picnic, dã ngoại kết hợp với các công trình công cộng, dịch vụ; các khu vực dịch vụ giải trí gắn liền với cây xanh và mặt nước ven sông, tạo nên đặc trưng riêng cho TP trong phát triển du lịch.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, định hướng này sẽ là "điểm tựa" để đưa sông Hồng trở thành khung thiên nhiên, điểm nhấn đặc sắc của đô thị Hà Nội trong tương lai.
Để có thể khai thác, xây dựng công viên một cách hiệu quả, khi quy hoạch công viên văn hóa cảnh quan ở khu vực bãi giữa sông Hồng cần đặc biệt quan tâm đến việc kết nối các yếu tố cốt lõi như thiên nhiên, văn hóa và cộng đồng xã hội vì không chỉ mang thiên nhiên đến cho việc thư giãn và rèn luyện sức khỏe mà còn là nơi cho các hoạt động văn hóa, giao lưu xã hội. Việc quy hoạch và thiết kế công viên tốt không chỉ giúp tăng cường chất lượng sống trong đô thị mà còn giúp cho đô thị trở nên bền vững hơn. Hơn nữa, cần phải quan tâm đến tác động của một khu đô thị tới môi trường nhất là sức chịu tải của bãi bồi khi nơi đây trở thành địa điểm văn hóa, trung tâm vui chơi giải trí.
Bên cạnh đó, việc quản lý, khai thác không gian công cộng bãi giữa sông Hồng sẽ tạo thành điểm thăm quan du lịch bổ trợ cho khu phố cổ, khu phố cũ Hà Nội, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề về quản lý, chống lấn chiếm đất bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, khôi phục lại giao thông đường sông, cải thiện môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tạo lập hình ảnh TP Hà Nội hiện đại và sinh thái hai bên sông Hồng, có bản sắc và truyền thống lâu đời, cùng với việc tôn trọng các khu vực bảo tồn, đặc biệt là đoạn đi qua đô thị trung tâm.
Luật Thủ đô 2024 đã bổ sung bằng cách giao thẩm quyền cho HĐND TP xây dựng các quy định cụ thể hóa và UBND TP được quyền phê duyệt các quyết định xây dựng công trình trên các bãi sông. Rõ ràng, những quy định mới này sẽ là điều kiện thuận lợi, khung pháp lý quan trọng để vừa bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai, vừa khai thác hiệu quả quỹ đất các bãi sông trên địa bàn TP Hà Nội. Vì vậy, Hà Nội hoàn toàn có thể kỳ vọng về một TP ven sông với không gian rộng mở của các mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái kết nối với không gian văn hóa truyền thống và các loại hình công nghiệp văn hóa dọc tuyến sông Hồng qua các quận, huyện.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/danh-thuc-dat-vang-ven-song-ha-noi.698263.html