Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa

ĐBP - Hiện nay, hoạt động vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là tự phát, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân. Cùng với đó ý thức chấp hành quy định của Nhà nước về quản lý và điều khiển phương tiện còn hạn chế nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy (ATGTĐT).

Việc chấp hành pháp luật về đảm bảo ATGTĐT của các chủ phương tiện trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Trong ảnh: Phương tiện tham gia hoạt động vận tải đường thủy trên lòng hồ sông Đà, đoạn qua xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa).

Hệ thống giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh ta hiện có 1 tuyến chính sông Đà, 2 tuyến nhánh là Nậm Lay và Nậm Mức, với tổng chiều dài 175km (điểm đầu thượng lưu là đập Thủy điện Sơn La và điểm cuối hạ lưu là đập Thủy điện Lai Châu). Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 293 phương tiện đường thủy thuộc diện phải đăng ký song chỉ có 182 phương tiện thực hiện đăng ký (chiếm 62,11%); 147 phương tiện thuộc diện phải đăng kiểm song chỉ có 44 phương tiện thực hiện đăng kiểm lần đầu (chiếm 29,9%). Bên cạnh đó, phần lớn người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn, bằng lái phương tiện; không trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm.

Tại bến đò Huổi Trẳng (xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa) có trên 100 chiếc thuyền lớn nhỏ của người dân thôn Huổi Trẳng và các thôn lân cận. Mặc dù hàng năm đều được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở song việc chấp hành pháp luật về đảm bảo ATGTĐT của chủ phương tiện ở đây còn rất hạn chế. Phần lớn phương tiện không được đăng ký và 100% chủ thuyền tại bến đều không có chứng chỉ chuyên môn, bằng lái phương tiện. Trên thuyền đều không được trang bị áo phao, dụng cụ cứu hộ. Hiếm lắm mới nhìn thấy thuyền có trang bị 1 - 2 chiếc áo phao được các cơ quan, tổ chức hỗ trợ.

Ông Lò Văn Yến, chủ thuyền tại bến Huổi Trẳng cho biết: Ở đây, hầu như nhà nào cũng có 1 - 2 thuyền để phục vụ nhu cầu đi lại, làm nương của gia đình và thời gian rảnh thì làm dịch vụ chở khách. Người dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sông nước nhiều năm nên hầu như không trang bị áo phao, dụng cụ cứu hộ. Đối với việc thực hiện các quy định về đăng ký, đăng kiểm và thi bằng lái, hầu hết các chủ thuyền đều rất ngại thực hiện vì mất nhiều thời gian, phải đi xa và tốn chi phí.

Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xác định tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao ý thức đảm bảo ATGTĐT nội địa. Hàng năm, các cấp chính quyền, đoàn thể đã xây dựng kế hoạch, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGTĐT nội địa. Cụ thể, thay vì tuyên truyền trong hội trường, nhà văn hóa thôn, bằng việc tuyên truyền tại các bến sông, bến thuyền; phát tài liệu, tờ rơi, áp phích; cấp áo phao cứu sinh cho các chủ phương tiện… Đồng thời, tổ chức cho người dân ký cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Theo kế hoạch hàng năm, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Ban An toàn giao thông các huyện: Mường Chà, Tủa Chùa và TX. Mường Lay; Đội Cảnh sát giao thông đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh) và các tổ chức chính trị xã hội tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thủy nội địa cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa lưu hành trên các tuyến. Năm 2021, các đơn vị phối hợp đã tổ chức tuyên truyền và cấp phát 600 bộ tài liệu về hành lang ATGTĐT, Nghị định quy định xử phạt về giao thông đường thủy và kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu đối với người bị nạn do đuối nước; cấp phát 3.500 tờ rơi, 300 bộ tài liệu và 100 áo phao cho trẻ em, người dân tại các xã: Huổi Só, Sín Chải, Tủa Thàng, Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa) và bến thủy sông Đà, phường Sông Đà và phường Na Lay (TX. Mường Lay)…

Ông Giàng A Sang, Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng cho biết: Nội dung tuyên truyền về đảm bảo ATGTĐT nội địa luôn được UBND xã Tủa Chùa chỉ đạo các thôn lồng ghép trong tất cả các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ, đoàn thanh niên, phụ nữ… Đặc biệt, trong 2 năm (2020 - 2021), UBND xã thành lập chốt kiểm soát Covid-19 tại bến Huổi Trẳng mỗi ngày, song song với công tác phòng chống dịch, cán bộ trực tại chốt lồng ghép tuyên truyền, nhắc nhở người dân qua lại bến về những quy định khi tham gia giao thông đường thủy; hướng dẫn người dân xử lý các tình huống có thể xảy ra khi đang tham gia giao thông đường thủy. Ngoài ra, UBND xã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa; những người làm nghề đóng đáy, vó bè, nuôi cá lồng trên sông. Mấy năm gần đây, trên tuyến đường thủy qua địa phận xã không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy.

Bài, ảnh: Nhật Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/197713/dam-bao-an-toan-giao-thong-duong-thuy-noi-dia