Đảm bảo an toàn thực phẩm cho những món ăn truyền thống

Gần tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, rất nhiều người thông báo trên các trang mạng xã hội về kế hoạch sản xuất và cung ứng món ăn truyền thống như: giò chả; nem; cá lóc nướng; các loại bánh, mứt... Đây là những món ăn, thức quà không thể thiếu vào dịp tết Nguyên đán. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm, những người sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cần có kiến thức về an toàn thực phẩm và đặt vấn đề đạo đức kinh doanh lên hàng đầu nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Chị Trần Thị Lý ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh chuẩn bị nguyên liệu chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm làm bánh hộc truyền thống - Ảnh: TÚ LINH

Chị Trần Thị Lý ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh chuẩn bị nguyên liệu chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm làm bánh hộc truyền thống - Ảnh: TÚ LINH

Chị Trương Thị H. ở huyện Vĩnh Linh thông báo Tết này sẽ cung ứng ra thị trường 1 tấn cá lóc nướng và khuyến khích khách hàng đặt mua sớm thì giá rẻ và chi phí giao hàng cũng thấp hơn. Không kém phần hấp dẫn, chị Hoàng Thị Y. ở Gio Linh đăng trên facebook hình ảnh các loại bánh mình sẽ bán trong dịp này như bánh in, bánh thuẫn kèm giá cả các mặt hàng.

Chị còn gợi ý trên bàn thờ trong gia đình hay đình, chùa... cần dâng cúng các loại bánh được chế biến từ bột gạo, bột nếp để thêm phần ý nghĩa. Một số hộ kinh doanh ở Hải Lăng, Hướng Hóa, Cam Lộ cũng giới thiệu các mặt hàng truyền thống ngày Tết trên trang cá nhân của mình.

Khôi phục, phát huy giá trị các món ăn, thức quà truyền thống là việc nên làm để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cũng như góp phần lan tỏa tinh hoa ẩm thực của quê hương, đất nước. Tuy nhiên, trong nhiều thông báo bán hàng không đề cập đến nhãn hiệu, thương hiệu để truy xuất nguồn gốc, chất lượng.

Các loại giò, chả, bánh truyền thống đều được sản xuất và kế thừa bí quyết bảo quản của cha ông từ xưa để lại, được các cơ sở sản xuất chế biến, trình bày cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng ngày nay. Nhưng một điều bắt buộc các nhà sản xuất, hộ kinh doanh phải nắm vững, đó là kiến thức khoa học về an toàn thực phẩm.

Nghiên cứu khoa học cho thấy, khi cá lóc bị ươn, đặc biệt là ở mang, vi khuẩn sẽ sinh sôi mạnh, sản sinh ra chất độc gây ra ngộ độc thực phẩm. Ngay cả khi nấu chín, chất độc vẫn tồn tại và gây ra các triệu chứng như: đau đầu, chóng mặt, nổi mẩn ngứa, buồn nôn, ói mửa.

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, vấn đề ô nhiễm vi sinh vật trên thực phẩm có nguồn gốc động vật, đặc biệt chuỗi thịt lợn có nguy cơ mang một số mầm bệnh như: Salmonella, E. coli, giun xoắn, gạo lợn. Trong đó, vi khuẩn Salmonella là một trong những vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy hàng đầu.

Việc sử dụng bột ngũ cốc được bảo quản không cẩn thận, bị mốc để làm bánh cũng nguy hiểm không kém. Nấm mốc sinh sôi trên bột sẽ sản sinh ra các loại độc tố, đặc biệt là aflatoxin. Nếu ăn phải bánh làm từ bột bị mốc, người tiêu dùng có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: ngộ độc thực phẩm, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, thậm chí là suy gan, suy thận. Aflatoxin được xem là một trong những chất gây ung thư mạnh nhất; ảnh hưởng đến hệ thần kinh với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, tê bì chân tay.

Với việc sử dụng đường hóa học làm bánh không những mất đi hương vị truyền thống, nét đặc trưng cho từng loại bánh, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tiêu thụ nhiều đường hóa học có thể gây ra các vấn đề như béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp và các bệnh mãn tính khác cũng như không tốt cho hệ tiêu hóa. Đây là những kiến thức tối thiểu mà người sản xuất, cung cấp hàng truyền thống ngày Tết cần biết, giúp người tiêu dùng phòng tránh được việc mua và sử dụng thực phẩm không an toàn.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước và bảo đảm an toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình của người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, cung ứng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân và sự phát triển bền vững của xã hội. Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

An toàn thực phẩm thời điểm nào cũng có vai trò quan trọng vì liên quan đến sức khỏe, hạnh phúc của người dân. Tuy nhiên vào dịp tết Nguyên đán, công tác kiểm tra, giám sát về vấn đề an toàn thực phẩm cần được đẩy mạnh hơn. Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, bất cập nói trên, cần có kế hoạch phối hợp đồng bộ, chi tiết của nhiều cơ quan, đơn vị.

Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, doanh nghiệp và Nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như kiến thức cần thiết về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, cần khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân để các món ăn truyền thống luôn bảo đảm an toàn vệ sinh, mang đến cho mọi người, mọi nhà một cái Tết an toàn, mạnh khỏe.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/dam-bao-an-toan-thuc-pham-cho-nhung-mon-an-truyen-thong-191022.htm