Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã cận kề, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân cũng tăng cao, kèm theo đó là nỗi lo chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP). Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, các ngành chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa.
Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa chuẩn bị nguồn hàng dồi dào phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022.
Thời điểm này, dạo quanh các chợ và các siêu thị, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn TP Thanh Hóa có thể thấy người dân đã tấp nập mua sắm thực phẩm để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2022. Tại siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc siêu thị: dịp cận tết, lượng khách hàng đến siêu thị mua sắm cao gấp nhiều lần ngày thường. Bởi vậy, siêu thị đã chuẩn bị nguồn hàng phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu của người dân. Các mặt hàng bày bán tại đây đều được niêm yết đầy đủ thông tin, thời gian sử dụng, giá bán... Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, song siêu thị cam kết bình ổn giá trong dịp tết, đảm bảo lượng hàng trước và sau tết, không để xảy ra tình trạng cháy hàng. Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, tránh tập trung đông người, hiện nay siêu thị đẩy mạnh bán hàng qua kênh trực tuyến, với chương trình đi chợ hộ khách hàng, giao hàng miễn phí tận nơi hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên.
Trên địa bàn TP Thanh Hóa hiện có 4.295 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý. Là khu vực trung tâm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa lớn nên việc kiểm tra, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm để nhắc nhở, chấn chỉnh được các lực lượng chức năng hết sức quan tâm. Từ đầu năm 2021 đến nay, TP Thanh Hóa đã thành lập 109 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức 3 đợt kiểm tra theo kế hoạch, ngoài ra còn kiểm tra đột xuất một số cơ sở. Trong đó, đã kiểm tra được 2.462 cơ sở và xử lý 152 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong quá trình đi kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành 389 của thành phố đã xử lý, tiêu hủy các loại bánh kẹo, bì lợn, thịt lợn xay không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng số tiền trên 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, thành phố phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản tỉnh Thanh Hóa lấy 30 mẫu thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bao gồm (15 mẫu sản phẩm từ thịt, 5 mẫu nước uống đóng chai, 5 mẫu bánh mứt kẹo, hạt khô, 5 mẫu nước ngọt, nước giải khát). Qua phân tích các chỉ tiêu chất lượng ATTP, có 5/30 mẫu có chỉ tiêu thử nghiệm không đạt theo quy định... Trong dịp Tết Nguyên đán 2022, để bảo đảm ATTP cho người dân trước, trong và sau tết, thành phố đã lên kế hoạch thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP các cấp. Trong đó, tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm vào nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết như: rượu, bia, bánh, kẹo...; những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm...; tăng cường xử lý việc sản xuất, vận chuyển kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; kiểm tra giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy xác nhận sức khỏe, giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về ATTP của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đồng thời chú trọng lồng ghép nội dung kiểm tra với công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Huyện Quảng Xương hiện có 2.880 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý. Để đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2022, huyện đang tích cực đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Ông Cù Bá Khánh, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Công tác kiểm tra, kiểm soát thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán luôn được huyện tập trung cao độ, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm, bảo đảm ATTP cả trước, trong và sau tết cho người dân. Ban chỉ đạo công tác ATTP huyện đã có các văn bản tham mưu, chỉ đạo, kế hoạch tăng cường thực hiện ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các loại hàng hóa phục vụ tết, việc sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm, giết mổ trong khu dân cư và hộ gia đình... Trước đó, các ngành, địa phương trong huyện đã tăng cường thanh, kiểm tra, mở các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức về ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, huyện đã thành lập 67 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, tổ chức được 139 đợt thanh, kiểm tra tại 1.530 cơ sở. Trong đó, xử phạt 3 cơ sở, đề nghị khắc phục 7 cơ sở không đạt yêu cầu...
Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao, cũng là thời điểm hoạt động vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại gia tăng. Trước thực tế đó, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 1-1-2022 đến hết ngày 12-3-2022, trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, tăng cường thanh, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các sản phẩm thực phẩm được cung ứng từ tỉnh ngoài... Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, ổn định thị trường thực phẩm cuối năm.
Sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng là cơ sở để đảm bảo ATTP trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2022. Tuy nhiên, để đảm bảo ATTP các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ nghiêm các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đồng thời, các ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân cần lựa chọn mua hàng tại cơ sở uy tín, kiểm tra tem nhãn chứng minh xuất xứ nguồn gốc, có thông tin mô tả cụ thể, chú ý thời hạn sử dụng của thực phẩm.