Đảm bảo an toàn trong xây dựng nhà ở dân dụng vẫn bị 'xem nhẹ'
Thợ xây, phụ hồ là một trong những nghề vẫn phải căng mình trực tiếp làm việc dưới cái nắng nóng như đổ lửa như những ngày này. Không chỉ phải chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết, những người thợ xây còn đối diện với nhiều rủi ro, nguy cơ mất an toàn trong chính những công việc hàng ngày của họ.
Chị Phạm Thị Nguyệt cần mẫn làm việc dưới nắng hè gay gắt.
Những ngày hè nắng nóng như đổ lửa, tốp thợ xây trên đường Lương Văn Tụy (thành phố Ninh Bình) vẫn mải miết làm việc. Những chiếc mũ lá trở nên quá nhỏ bé, không đủ để che nắng cho những khuôn mặt đã đen sạm vì nắng gió.
Anh Nguyễn Đức Thuận quê ở xã Yên Nhân (huyện Yên Mô) là trưởng nhóm thợ xây đang thi công công trình này. Anh Thuận và những người thợ xây bắt đầu khởi công công trình từ sau Tết nguyên đán. Do phải nghỉ dài ngày bởi dịch bệnh COVID-19, đến nay công trình mới đổ mái đến tầng hai.
“Để kịp tiến độ theo hợp đồng đã thỏa thuận với chủ nhà, chúng tôi phải làm việc tích cực, bất chấp cả nắng, mưa. Những ngày nắng nóng gay gắt này, chúng tôi cũng chỉ dám nghỉ chút thời gian buổi trưa. Cứ khoảng 1 giờ chiều lại bắt tay vào công việc. Đúng hướng nắng của buổi chiều nên anh em trong đội bị xuống sức rất nhanh.
Chỉ làm chừng trên 30 phút, chúng tôi lại phải tạm nghỉ. Nhọc nhằn, vất vả thì không thể kể hết bằng đôi ba lời được. Nhưng đã coi đây là kế sinh nhai thì phải chấp nhận, chỉ mong có việc để làm đều. Nay công trình này, mai công trình khác, chưa bao giờ chúng tôi phải nghỉ làm do thời tiết khắc nghiệt cả. Mặt mũi lấm lem vì bụi đất, đá, xi măng, xung quanh là tiếng máy khoan, máy trộn bê tông nghe chát chúa… nhưng lâu cũng thành quen tai”- anh Thuận vừa nói vừa nhanh tay gạt vội những giọt mồ hôi chực trào vào mắt.
Không chỉ có nam giới, ở đội thợ xây của anh Thuận còn có đến 2 người thợ phụ là nữ giới. Với bộ quần áo lao động sờn cũ, chiếc khăn tay dài che kín khuôn mặt, chỉ hở đôi mắt… cũng không đủ để che chở cho các nữ phụ hồ khỏi cái nắng gay gắt của chiều hè. Khối lượng công việc của một thợ phụ khá nhiều, từ trộn, vận chuyển vữa, gạch, thu dọn xung quanh công trình đến nấu cơm… vì vậy mà các nữ thợ phụ không dám nghỉ ngơi.
Chị Phạm Thị Nguyệt ở xã Yên Nhân theo đoàn thợ đi xây dựng công trình trên thành phố Ninh Bình từ sau tết Nguyên đán. Chị Nguyệt mới tròn 40 tuổi, nhưng đã có con trai đầu lòng 22 tuổi.
Cả hai vợ chồng chị đều làm nghề thợ xây, thợ hồ để mưu sinh. Chồng chị Nguyệt làm thợ xây ở gần nhà để tiện bề trông con. Còn chị Nguyệt theo đội thợ khác đi theo công trình khắp nơi trong tỉnh vì nếu ở quê, chị không xin được công việc nào phù hợp hơn.
Dành cho chúng tôi vài phút tâm sự, chị Nguyệt ngậm ngùi: ngoài cấy 5 sào ruộng, thời gian nông nhàn tôi đi làm phụ hồ. Vất vả lắm lại xa nhà, nhưng không còn việc nào khác nên tôi vẫn bám trụ nhiều năm nay. Công việc của phụ hồ đa dạng, từ xách vữa, xếp gạch, nấu cơm…
Tính ra mỗi ngày cũng được 250 nghìn đồng để chăm lo cho con cái học hành và tích cóp phần nào để lo lắng cho tuổi già. Dù nắng nóng hay mưa lạnh cắt da cắt thịt, người thợ hồ, thợ xây đều không được chùn bước bởi lẽ đối diện với sự khắc nghiệt của thời tiết là một phần tất yếu của nghề thợ xây, thợ hồ rồi.
Cầu mong mỗi ngày lao động là một ngày được bình an, có lẽ là nỗi niềm chung của tất cả những người đã chọn cái nghiệp… vôi vữa. Bởi không chỉ là sự khắc nghiệt của thời tiết, những người thợ xây, thợ hồ còn phải đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn ở chính những công việc họ làm.
Theo quan sát của chúng tôi, những người thợ xây tự do cho các công trình xây dựng dân dụng hầu hết không sử dụng bất kỳ một thiết bị bảo hộ lao động nào. Trong khi đó, mối nguy hiểm đối với thợ xây thì rất nhiều, từ giàn giáo, ghép mái ngói hay đón tời… đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trên những giàn giáo cao chót vót, người thợ xây trở nên bé nhỏ, chông chênh như đánh đu với chính mạng sống của mình.
Ông Dương Đức Sĩ, một trưởng nhóm thợ xây ở huyện Gia Viễn cho biết, hiện nay, quá trình xây dựng đã bớt vất vả hơn nhờ trợ giúp của nhiều thiết bị máy móc. Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn lao động cũng vì thế mà tăng.
Nhằm giảm thiểu những nguy cơ mất an toàn cho thợ, tôi luôn nhắc nhở anh em phải thận trọng trong quá trình buộc giàn giáo, đảm bảo an toàn, chắc chắn. Đồng thời, tôi cũng định kỳ bảo dưỡng dây cáp vận chuyển đất, vữa, gạch… để hạn chế thấp nhất rủi ro mất an toàn cho thợ của mình. Cẩn thận là vậy, nhưng anh Sỹ cũng thừa nhận rằng, hầu hết những người thợ trong các đội xây dựng tự do hiện nay không ký kết hợp động lao động với chủ thầu mà chỉ là thỏa thuận miệng. Không có các trang thiết bị bảo hộ lao động nên đối mặt với những nguy hiểm bất ngờ. Ngoài ra, những nguy cơ tai nạn khác như giẫm phải đinh, đứt tay, trầy xước… diễn ra khá phổ biến.
Theo quan sát, hiện nay có nhiều công trình nhà ở dân dụng xây đến tầng 3, tầng 4 nhưng các tốp thợ vẫn làm việc khi xung quanh không có lan can an toàn. Khi dựng ghép cốp pha ở độ cao hơn 6m cũng không có giá đỡ để thợ đứng thao tác, không có dây an toàn cho thợ hay lưới bảo vệ… theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong xây dựng ban hành kèm Thông tư số 14/2014/TT-BXD ngày 5/9/2014 của Bộ Xây dựng.
Thực tế này không chỉ gây mất an toàn cho người thi công mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho những người dân sống xung quanh, người dân tham gia giao thông quanh khu vực công trình đang xây dựng. Việc kiểm tra những công trình nhà ở riêng lẻ này chủ yếu giao cho các địa phương.
Hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đều phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra an toàn lao động, nhất là trong Tháng An toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra liên ngành mới chỉ kiểm tra được các công trình do các công ty có tư cách pháp nhân thực hiện. Còn ở các huyện, thành phố vấn đề an toàn lao động tại các công trình nhà ở riêng lẻ giao về cho các phường, xã thực hiện.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chủ yếu các phường, xã mới chỉ kiểm tra về giấy phép xây dựng, về đảm bảo xây dựng theo thiết kế ban đầu… việc kiểm tra về công tác đảm bảo an toàn trong lao động vẫn còn bị “xem nhẹ”.
Vụ sập tường ở tỉnh Đồng Nai xảy ra mới đây làm 10 người tử vong là một bài học vô cùng đau xót. Bài học này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn trong xây dựng. Thợ xây là một nghề nhiều nguy hiểm. Nhiều người lao động vẫn chọn nghề này để mưu sinh, nhưng để được mưu sinh trong điều kiện an toàn, chỉ bằng ước mơ của họ thôi là chưa đủ mà cần phải cụ thể bằng các biện pháp quyết liệt hơn từ các ngành chức năng.
Bài, ảnh: Đào Hằng