Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh năm 2024 với nhiều hoạt động thiết thực. Ông Nguyễn Thành Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết:

Ông Nguyễn Thành Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Ông Nguyễn Thành Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Những năm qua, công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, tình trạng mất ATVSLĐ, tai nạn lao động vẫn còn diễn ra. Năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 40 vụ tai nạn lao động, làm 8 người chết, 14 người bị thương nặng, 19 người bị thương nhẹ. Để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, nhất là chủ sử dụng lao động và ý thức của người lao động (NLĐ), UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm để hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024. Theo đó, Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay có chủ đề “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Việc triển khai tháng hành động nhằm tạo cao điểm về các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ; thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ; thúc đẩy các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, NLĐ và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, giải pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ để chăm sóc, nâng cao sức khỏe NLĐ và phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay có những hoạt động trọng tâm nào, thưa ông?

- Hiện thực hóa chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng sẽ tập trung tuyên truyền sâu rộng về Tháng hành động về ATVSLĐ, các quy định bảo đảm làm việc an toàn; phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại trong việc thực hiện chính sách, pháp luật ATVSLĐ với người sử dụng lao động, NLĐ, qua đó lắng nghe, giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định, giải pháp lao động an toàn. Bên cạnh đó, các ngành chức năng còn mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý, triển khai chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác ATVSLĐ từ cấp tỉnh đến cấp xã và trong các ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và NLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để hình thành thói quen, kỹ năng cho NLĐ. Đặc biệt, các ngành chức năng sẽ thực hiện các cuộc thanh, kiểm tra chuyên đề và đột xuất việc chấp hành pháp luật ATVSLĐ đối với các doanh nghiệp có nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Qua đó, nhắc nhở, hướng dẫn, chấn chỉnh những vi phạm để doanh nghiệp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho NLĐ; xử lý nghiêm những đơn vị cố tình vi phạm pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc, xây dựng nhiều mô hình hay, hiệu quả trong công tác ATVSLĐ; tổ chức các đoàn trực tiếp thăm hỏi, động viên, chia sẻ với thân nhân của người chết do tai nạn lao động trong năm 2023…

- Để Tháng hành động về ATVSLĐ được triển khai đạt hiệu quả cao, các cấp, ngành, địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh cần phải làm gì, thưa ông?

- Các sở, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, chỉ đạo của UBND tỉnh giao trong kế hoạch; tổ chức các hoạt động đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm; khuyến khích các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm mang tính chất phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để xây dựng chương trình, kế hoạch Tháng hành động về ATVSLĐ tại đơn vị; lựa chọn hình thức phù hợp để phát động cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân và NLĐ tham gia hưởng ứng tháng hành động. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, đặc biệt là về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động và NLĐ tại địa phương.

Đoàn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại một đơn vị xây dựng.

Đoàn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại một đơn vị xây dựng.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật về ATVSLĐ; tăng cường các hoạt động rà soát, xây dựng quy trình, giải pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp, đặc biệt là trong các nhóm ngành, nghề, công việc có nguy cơ rủi ro cao như: Làm việc trên cao, hàn cắt, làm việc trong không gian hạn chế, trong xây dựng, khai khoáng, trong sử dụng điện; nâng cao chất lượng các khóa huấn luyện về ATVSLĐ tại doanh nghiệp, chú trọng huấn luyện thực hành, huấn luyện sơ cấp cứu và kỹ năng làm việc an toàn theo từng công việc cụ thể cho NLĐ. Cùng với đó, quan tâm, chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chủ động cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, môi trường làm việc an toàn - xanh - sạch - đẹp - thân thiện tại đơn vị; thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến của NLĐ về ATVSLĐ và kịp thời khắc phục triệt để…

- Xin cảm ơn ông!

VĂN GIANG (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202404/dam-bao-an-toan-ve-sinh-lao-dong-tai-noi-lam-viec-c3118ff/