Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở các trường bán trú
Cùng với việc nâng cao chất lượng hoạt động dạy học, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú, nhất là bậc mầm non và tiểu học là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành giáo dục quan tâm chỉ đạo để học sinh có bữa ăn an toàn, đảm bảo dinh dưỡng.
Tại Trường tiểu học Lạc Tánh 1, huyện Tánh Linh, trung bình mỗi ngày trường có 300 học sinh ăn bán trú, chiếm gần 50% học sinh của trường. Để tổ chức ăn bán trú, nhà trường đã rà soát và siết chặt quy trình tổ chức bếp ăn. Từ khâu đầu vào của thực phẩm được nhà trường ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp uy tín, chất lượng đến nhân viên nhà bếp được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, có kiến thức về sơ chế, nấu ăn cho trẻ em và được trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay trong quá trình chế biến... Đặc biệt thường xuyên kiểm tra nguồn nguyên liệu, quá trình sơ chế biến và lưu mẫu thức ăn 24/24h. Cô Huỳnh Thị Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Tánh 1, cho biết: “Bếp ăn bán trú của trường về cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường theo quy định. Bữa ăn bán trú được nhà trường thực hiện đúng theo quy trình, quy định hướng dẫn của ngành y tế và sự chỉ đạo của ngành giáo dục. Để có bữa ăn đủ dưỡng chất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh, nhà trường thành lập tổ giám sát bán trú, hàng ngày kiểm tra, giám sát thường xuyên nguồn gốc thực phẩm, khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho học sinh”.
Nhân viên nhà bếp chuẩn bị bữa ăn bán trú cho học sinh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 180/181 trường mầm non, mẫu giáo, 337 cơ sở mầm non độc lập tư thục và 62 trường tiểu học tổ chức cho trẻ/học sinh ăn bán trú tại trường. Ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện quy trình, quy định về an toàn thực phẩm, phối hợp với ngành y tế kiểm tra định kỳ, đột xuất các trường học tổ chức ăn bán trú, đảm bảo đến mức cao nhất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú trong cơ sở giáo dục nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm, mang đến cho học sinh những bữa ăn ngon, an toàn.
Để tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú, nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề nghị trưởng các Phòng GD&ĐT tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm phòng, chống ngộ độc và các bệnh lây qua đường thực phẩm. Trước khi tổ chức bữa ăn bán trú tại trường học phải xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh hoặc có ngộ độc thực phẩm xảy ra; rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường theo quy định. Thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với các cơ sở giáo dục vận chuyển thức ăn từ điểm chính đến điểm lẻ cần chú ý chứa (đựng) thức ăn trong các dụng cụ chuyên dụng, đảm bảo tránh bụi bẩn trong quá trình vận chuyển. Phân công lãnh đạo nhà trường trực bán trú, thực hiện công tác tự kiểm tra hàng tuần, hàng tháng có biên bản kiểm tra cụ thể. Cùng với đó, Sở GD&ĐT đề nghị cần tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể và Ban đại diện phụ huynh học sinh trong công tác an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học. Giám sát chặt chẽ các sản phẩm được tặng miễn phí hoặc phân phát trong các chương trình giới thiệu sản phẩm, quảng cáo do tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tại khu vực trường học...