Đảm bảo các điều kiện thực hiện Chương trình Giáo dục thường xuyên mới cấp THPT

Chương trình Giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT theo Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT, ngày 26/7/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình GDTX cấp THPT, bắt đầu thực hiện từ năm học 2022-2023 với lớp 10, gồm 7 môn học. Trong đó có 3 môn học bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Lịch sử và 4 môn học tự chọn trong số các môn Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ.

Cơ sở vật chất lớp dạy nghề may công nghiệp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Mô.

Cơ sở vật chất lớp dạy nghề may công nghiệp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Mô.

Đến nay, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên trong tỉnh đã chủ động, đảm bảo các điều kiện thực hiện kế hoạch năm học theo Chương trình mới, nỗ lực đạt kết quả cao nhất.

Chương trình GDTX cấp THPT được thực hiện trong 3 năm học, bắt đầu từ lớp 10, lớp 11 và lớp 12. Chương trình gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp (gọi tắt là môn học lựa chọn); các chuyên đề học tập lựa chọn; các môn học và hoạt động giáo dục tự chọn.

Chương trình GDTX cấp THPT thực hiện mục tiêu giáo dục hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cho học viên thông qua các nội dung giáo dục ngôn ngữ và văn học, giáo dục toán học, giáo dục khoa học xã hội, giáo dục khoa học tự nhiên, giáo dục công nghệ, giáo dục tin học. Mỗi nội dung giáo dục đều được thực hiện ở các môn học và hoạt động giáo dục.

Trung tâm GDTX tổ chức thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT phải đảm bảo các điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đảm bảo chất lượng thực hiện Chương trình.

Đồng chí Đặng Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục dục nghề nghiệp (GDNN)- GDTX huyện Yên Mô cho biết: Về chủ trương thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã có từ năm 2018 nên Trung tâm đã có sự chuẩn bị từ sớm về phòng học, các thiết bị trong phòng học. Đăng ký với Sở Giáo dục và Đào tạo các thiết bị dạy Chương trình mới.

Hiện nay, Trung tâm đã chuẩn bị về cơ sở vật chất, đủ phòng học gồm 12 phòng học văn hóa cho 3 khối (mỗi khối 4 lớp), đủ bàn ghế, hệ thống điện, quạt, ánh sáng… Đội ngũ cán bộ, giáo viên Trung tâm có 11 giáo viên biên chế dạy các môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa.

Như vậy, theo Thông tư số 12, những học viên lớp 10 tại Trung tâm học 7 môn (gồm 3 môn bắt buộc và 4 môn tự chọn), thì giáo viên Trung tâm mới đáp ứng 4 môn Lý, Hóa, Sinh, Địa, còn giáo viên các môn Công nghệ, Giáo dục kinh tế pháp luật chưa có biên chế. Do đó, nhà trường đã hợp đồng thỉnh giảng với một số giáo viên có đủ điều kiện về trình độ, sức khỏe, giáo viên đã qua học tập trực tuyến bồi dưỡng các module theo chương trình mới.

Đến nay, các giáo viên Trung tâm đã cơ bản được bồi dưỡng 9 modul theo quy định và 171 học viên Trung tâm bước vào năm học mới 2022- 2023 với niềm hứng khởi theo tinh thần đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục tại Trung tâm. Để thực hiện Chương trình mới, các giáo viên đều được bồi dưỡng, tập huấn về các nội dung đổi mới.

Cô giáo Khiếu Thị Mai, giáo viên môn Vật lý, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Mô cho biết: Để thực hiện tốt Chương trình GDTX cấp THPT mới, thời gian qua, các tổ nhóm chuyên môn đã tham gia và hoàn thành các buổi tập huấn module trực tuyến; tiếp cận bộ SGK mới để tìm hiểu, phân tích, lựa chọn bộ SGK phù hợp với nhu cầu, đặc thù học viên Trung tâm, qua đó thực hiện hiệu quả Chương trình.

Mục tiêu chung của Chương trình GDTX cấp THPT nhằm giúp học viên tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, hoàn thiện học vấn THPT và định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân, đáp ứng yêu cầu có thể tham gia vào thị trường lao động và tiếp tục học lên trình độ cao hơn. Hiện nay, các trường nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT đúng theo phân phối chương trình.

Đồng chí Phạm Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cho biết: Để triển khai hiệu quả Chương trình, nhà trường đã căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác chuẩn bị như lựa chọn chương trình đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với điều kiện giảng dạy của nhà trường.

Các Trung tâm GDNN-GDTX, trường Cao đẳng đã rà soát thực trạng đội ngũ giáo viên hiện tại, có kế hoạch bồi dưỡng, bổ sung đội ngũ phù hợp với chương trình. 100% giáo viên nhà trường tham gia các lớp tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Phân công cho các thầy, cô tự nghiên cứu tài liệu, trao đổi phối hợp để có phương pháp giảng dạy Chương trình hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, nhà trường đã rà soát, sửa chữa, bổ sung các trang thiết bị mới cho các phòng học chuyên môn, đáp ứng theo yêu cầu thực hiện Chương trình....

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 49 lớp 10 với 2.411 học viên học tại 8 Trung tâm GDNN-GDTX, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình và Trường Cao đẳng Việt Xô. Tổng số giáo viên dạy văn hóa là 209 giáo viên (biên chế là 122 giáo viên, hợp đồng 87 giáo viên), đủ giáo viên. Cơ sở vật chất các Trung tâm cơ bản đáp ứng thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT. Hiện các Trung tâm đang thực hiện những tiết học đầu tiên an toàn, hiệu quả theo kế hoạch năm học.

Bài, ảnh: Hồng Vân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dam-bao-cac-dieu-kien-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-thuong/d20220909093123716.htm