Đảm bảo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động tại các doanh nghiệp
Thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc đảm bảo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động tại các doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Công đoàn hiện hành đã bộc lộ hạn chế, bất cập, một số quy định của luật đã không còn phù hợp với thực tiễn cần phải sửa đổi.
Về phạm vi sửa đổi, nhiều ý kiến bày tỏ nhất trí với việc sửa đổi toàn diện dự án Luật, tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần thiết khác cần nghiên cứu, xem xét như: vấn đề xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt; tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, phong trào công nhân hay khuyến khích xã hội hóa nguồn lực,... cần phải được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đặt ra trong quá trình xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ quan tâm đến việc đảm bảo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động tại các doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất. Đại biểu cho biết, trên thực tế, không phải tất cả các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất hiện nay đều thành lập công đoàn, và không phải ở đâu có tổ chức công đoàn thì đều được điều kiện hoạt động thuận lợi về thời gian, điều kiện vật chất cũng như ủng hộ tinh thần.
Thêm vào đó, tổ chức công đoàn là một tổ chức hoạt động đại diện mà vì người lao động, nhưng có tính chất tự nguyện, không phải là tổ chức nằm trong cơ cấu cấu thành của một tổ chức sản xuất. Do đó, nếu quy định chủ doanh nghiệp phải bố trí phòng làm việc phải tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn thì không phù hợp thực tế.
Băn khoăn về việc quy định thời gian lao động của cán bộ công đoàn không chuyên trách mà được hưởng lương, đại biểu cho biết, trên thực tế, chỉ khi chủ doanh nghiệp thấy rằng tổ chức công đoàn có tác dụng hỗ trợ mạnh mẽ, giúp đỡ đắc lực cho doanh nghiệp trong nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao hiệu quả... thì chủ doanh nghiệp mới được tạo điều kiện cho công đoàn.
Trường hợp này còn hiếm hoi, thực tế rất ít chủ doanh nghiệp chấp nhận, chấp hành quy định này. Do vậy, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo đưa ra những quy định khả thi, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo luật được đưa vào cuộc sống sau khi có hiệu lực.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, tại các công ty, doanh nghiệp, công đoàn là tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động, tuy nhiên, tiền lương và các chi phí trả cho cán bộ công đoàn ở các công ty, doanh nghiệp lại do chính chủ công ty, doanh nghiệp, tức người sử dụng lao động chi trả. Do đó, cơ cấu nguồn thu này dẫn đến cán bộ công đoàn ở trong công ty, doanh nghiệp khó có thể thực sự dám lên tiếng bảo vệ người lao động khi quyền lợi của người lao động bị xâm phạm.
Theo đại biểu, các tổ chức công đoàn còn thể hiện vai trò rất hạn chế trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các vụ việc khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động tại các công ty, doanh nghiệp.
Để tổ chức công đoàn cơ sở tại các công ty, doanh nghiệp ngoài nhà nước phát huy được thực sự vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đại biểu đề nghị tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác đối với cán bộ công đoàn chuyên trách ở các công ty, doanh nghiệp nên lấy từ kinh phí từ của công đoàn cấp trên để chi trả. Quy định như vậy sẽ giúp cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại công ty, doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, quá trình thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cơ bản thống nhất với việc sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn với nhiều nội dung mới, đồng thời, các đại biểu cũng đề cập nhiều vấn đề từ thực tiễn phong phú, sinh động từ cơ sở, từ yêu cầu phát triển, kế thừa và phát huy vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Các đại biểu cũng đưa ra các đề xuất có nhiều căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn sâu sắc, toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao đối với dự thảo Luật, làm cơ sở chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung quy định lẫn kỹ thuật lập pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần tiếp thu đầy đủ, xác đáng, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật.