Đảm bảo đời sống cho người lao động
Kết quả khảo sát do Ban Chính sách pháp luật và Viện Công nhân Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) phối hợp thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, TP.HCM, Bình Dương, An Giang với sự tham gia của trên 3 ngàn công nhân tại 157 doanh nghiệp (DN) vừa được công bố rất đáng suy ngẫm, trăn trở.
Theo đó, mức thu nhập trung bình của người lao động (NLĐ) là gần 7,9 triệu đồng/người/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chỉ hơn 6 triệu đồng/người/tháng. So với kết quả khảo sát tháng 3-2022, mức tiền lương cơ bản tăng 8,4% nhưng mức chi tiêu lại tăng 19%.
24,5% NLĐ được khảo sát cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ. Thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. Chính vì vậy, 76,2% NLĐ mong muốn làm thêm giờ, tăng ca để có thêm thu nhập.
Kết quả khảo sát cho thấy một thực trạng đáng buồn về đời sống NLĐ hiện nay, đó là thu nhập thấp dẫn đến không có điều kiện để tích lũy. Trong số trên 3 ngàn NLĐ tham gia khảo sát, chỉ 8,1% NLĐ có tích lũy từ tiền lương và thu nhập, 11,2% không đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại DN họ phải làm thêm việc khác kiếm thêm thu nhập.
Đáng chú ý, có tới 17,3% NLĐ phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% NLĐ thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng, bất an. Điều này lý giải vì sao “tín dụng đen” vẫn có cơ hội lộng hành dù các đơn vị chức năng đã có nhiều cảnh báo đối với NLĐ.
Lương, thu nhập, đời sống của NLĐ lâu nay vẫn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, nhất là ở những địa phương tập trung nhiều công nhân lao động, có lượng lao động nhập cư lớn. Mặc dù đã có nhiều chính sách chăm lo từ Trung ương đến địa phương nhưng có thể thấy những tác động của tình hình kinh tế thế giới, hậu đại dịch Covid-19 vẫn đang khiến đời sống NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt trong gần 1 năm qua, làn sóng sa thải, cho công nhân nghỉ việc, giãn việc diễn ra khá mạnh mẽ ở nhiều DN đã lấy đi sinh kế của hàng ngàn NLĐ, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy từ các vấn đề về xã hội…
Để thu nhập của NLĐ đủ sống là việc làm cấp thiết, phải có sự điều chỉnh, thay đổi từ chính sách tiền lương và nhất là phụ thuộc vào “sức khỏe” của DN. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN gặp khó khăn như hiện nay, đây không phải là vấn đề đơn giản. Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, NLĐ đã rất nỗ lực và cố gắng để đồng hành song để họ yên tâm làm việc, tận tâm cống hiến, lương và thu nhập cần được tiếp tục cải thiện nhằm đảm bảo cuộc sống, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phải đi vay mượn từ bên ngoài dẫn đến bị đe dọa, bất an.