Đảm bảo hài hòa đời sống tâm linh trong tình hình dịch Covid-19

Mùa xuân- mùa của lễ hội, mong muốn được đến các di tích, nơi thờ tự để chiêm bái, cầu mong những điều tốt đẹp nhất là nhu cầu chính đáng của mọi người dân. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo hài hòa đời sống tâm linh vừa phòng, chống dịch một cách hiệu quả, UBND tỉnh, ngành Văn hóa đã có văn bản chỉ đạo các địa phương chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội. Báo Vĩnh Phúc đã có cuộc phỏng vấn với Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch(VH, TT&DL) Bùi Hồng Đô về vấn đề này.

Đồng chí cho biết công tác quản lý lễ hội đầu Xuân Nhâm Dần 2022 trong tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp?

Đồng chí cho biết công tác quản lý lễ hội đầu Xuân Nhâm Dần 2022 trong tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp?

Đồng chí Bùi Hồng Đô: Ngay từ trước tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở VH, TT&DL đã có văn bản gửi các huyện, thành phố, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa- Thông tin, Thể thao các huyện, thành phố đảm bảo vẫn tổ chức nghi lễ trong các lễ hội nhưng tuyệt đối không tổ chức phần hội để tránh tụ tập đông người, đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể, phần lễ sẽ có đại diện các cụ cao tuổi trong thôn, các già làng, trưởng bản, đại diện thanh niên… tới di tích làm lễ, tổ chức trong không gian hạn hẹp, đảm bảo đúng truyền thống văn hóa tín ngưỡng của dân tộc ta. Người đứng đầu các địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc tổ chức phần hội và làm lây lan dịch bệnh.

Ngành Văn hóa cũng đã chú trọng công tác tuyên truyền trực quan, pa nô, áp phích… để nhân dân, du khách khi tới Vĩnh Phúc biết đến các giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, độc đáo của vùng đất mang đậm truyền thống qua một số lễ hội như: cướp phết( Bàn Giản), kéo song( Hương Canh), “trâu rơm bò rạ” - Đại Đồng …

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Công an thanh, kiểm tra đột xuất một số địa phương có lễ hội lớn như: Đồng Tĩnh, Bàn Giản, Hương Canh, Đại Đồng, Vĩnh Ninh và một số lễ hội truyền thống với quy mô nhỏ… Qua kiểm tra, một số nơi đã thực hiện tốt việc không tổ chức phần hội, người dân tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, các di tích, nơi thờ tự đều đảm bảo các biện pháp phòng dịch.

Việc tổ chức phần lễ mà không tổ chức phần hội khi triển khai tới người dân sẽ gặp những khó khăn gì? Và những biện pháp của ngành đưa ra là gì thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Hồng Đô:

Do truyền thống của dân tộc, khi lễ hội diễn ra phải có phần lễ và phần hội mới có không khí vui tươi và trọn vẹn; các trò chơi dân gian được tái hiện trong không gian phần hội khá sôi nổi và là một phần không thể thiếu của người dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên.

Đối với những người xa quê, dịp tết Nguyên đán cổ truyền là cơ hội để bày tỏ lòng hiếu kính, tri ân công đức với tổ tiên, các vị tiên triết, anh hùng có công với dân tộc và được trở về với không khí hội xuân vui vẻ…là điều ý nghĩa. Việc không được tham gia phần hội cũng là một “rào cản” đối với họ.

Tuy nhiên, để đảm bảo chống dịch Covid-19 an toàn, công tác tuyên truyền, khuyến cáo được ngành đặt lên hàng đầu, ngành cũng đã thành lập đoàn thanh, kiểm tra phân công từng cán bộ trực tiếp xuống tận nơi, nhắc nhở, động viên các ban, tiểu ban quản lý di tích địa phương tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện tốt theo quy định.

Thành công từ dịp lễ Giáng sinh trong năm qua là bài học kinh nghiệm của ngành khi tuyên truyền, vận động tốt tại các nhà thờ lớn, họ giáo, động viên cha xứ… thực hiện khuyến cáo của tỉnh, đảm bảo phòng, chống dịch, qua đó đã không xảy ra hiện tượng tập trung đông người, không phát sinh, lây lan dịch bệnh.

Đặc biệt, hầu hết là các lễ hội được ban quản lý địa phương và người dân đứng ra tổ chức nên đòi hỏi chính quyền sở tại cần nâng cao trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt trong công tác quản lý, vận động, thuyết phục người dân; đồng thời mỗi người dân cũng cần hiểu biết, nâng cao ý thức trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Có thể nói, với tình hình dịch Covid-19 diễn biến khôn lường, ngày càng phức tạp, việc “mở cửa” các di tích để nhân dân tới lễ bái đầu Xuân cũng như tổ chức phần nghi lễ chính là duy trì nét văn hóa, bản sắc truyền thống của dân tộc.

Đây cũng là thực hiện chỉ đạo của Trung ương, “linh hoạt, thích ứng” trong điều kiện dịch bệnh, vừa chống dịch vừa đảm bảo đời sống sinh hoạt, tâm linh; càng khẳng định đời sống tinh thần hết sức quan trọng, đem lại không gian tâm linh, tự do tín ngưỡng cho mọi người dân sau một năm lao động vất vả. Nên việc không tổ chức phần hội cũng là một yêu cầu chính đáng đảm bảo hài hòa đời sống tâm linh trong tình hình dịch Covid-19.

Bước sang năm 2022, ngành có kế hoạch gì để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của Vĩnh Phúc?

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 509 di tích đã xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 65 di tích quốc gia, 431 di tích cấp tỉnh; có 571 di sản văn hóa phi vật thể.

Trong đó có 3 di sản được ghi vào các danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (Ca trù, Kéo song, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ); 7 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ca trù, kéo song Hương Canh, hát Soọng cô của người Sán Dìu, lễ hội rước nước đền Ngự Dội, hát trống quân Đức Bác, tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, lễ hội xã Đại Đồng).

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của Vĩnh Phúc, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể, năm 2022, sở phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là đối với các hoạt động tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích và các công trình phụ trợ, hoạt động sửa chữa, bổ sung đồ thờ trong trong khuôn viên di tích.

Tăng cường công tác quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh; tập trung phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn UBND các huyện, thành phố triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu tư tu bổ di tích giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết số 71 HĐND tỉnh; hướng dẫn thực hiện Kế hoạch 175 ngày 15/7/2021 của UBND tỉnh về thực hiện tu bổ, chống xuống cấp di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 12 HĐND tỉnh; đề xuất những di tích cần trùng tu, tôn tạo.

Tham mưu phương án bảo quản, chống xuống cấp di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; đề xuất lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cụm di tích đình Hương Canh: đình Hương Canh, đình Ngọc Canh, đình Tiên Hường( thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên). Xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn đồng chí!

Thu Thủy (thực hiện)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/73376/dam-bao-hai-hoa-doi-song-tam-linh-trong-tinh-hinh-dich-covid-19.html