Đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu mua sắm cuối năm
Theo dự kiến, sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm
Thời điểm cuối năm, dự báo sức mua sắm của người dân sẽ ngày càng tăng mạnh. Để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu, các cơ sở kinh doanh, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn cả nước đã chủ động sản xuất, dự trữ nguồn hàng, đảm bảo hàng hóa chất lượng và giá cả hợp lý cùng những chính sách khuyến mại kích cầu mua sắm hấp dẫn.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động thương mại dịch vụ thời điểm cuối năm diễn ra khá sôi động để chuẩn bị phục vụ ngày lễ lớn cuối năm và năm mới 2024, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được địa phương, doanh nghiệp triển khai tích cực từ sớm cùng với Chương trình bình ổn thị trường với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu khá bình ổn.
Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Thực hiện Chỉ đạo của Bộ Công Thương, đến nay một số địa phương như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024.
Cụ thể, các địa phương giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, tổ chức điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay mọi người dân với giá cả ổn định.
Theo dự kiến, sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.
Đáng lưu ý, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết.
Sở Công Thương các địa phương như thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh đã nỗ lực làm việc với nhiều đơn vị, dựa trên các mục tiêu chính: bình ổn thị trường, tổ chức chương trình khuyến mãi, kết nối cung cầu, đặc biệt chú ý liên kết vùng - phối hợp các tỉnh thành khác để tạo nguồn hàng hóa ổn định số lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất phục vụ cho nhu cầu lớn của thành phố.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước chia sẻ, đối với việc cung ứng hàng hóa, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp thường cung ứng những mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm phải bảo đảm được nguồn cung. Hơn nữa, phải bảo đảm an toàn thực phẩm và giá cả được bình ổn.
Ngoài ra, hệ thống phân phối thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam như Lazada, Shopee, TikTok, Sendo... đã hỗ trợ rất nhiều cho việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Nhờ vậy, tại những địa bàn thương mại truyền thống khó khăn, phụ thuộc vào thương lái nay đã trực tiếp phân phối đến tay của người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối hiện đại và nền tảng thương mại điện tử…
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin: Để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở Công Thương Hà Nội đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, triển khai chương trình bình ổn thị trường mà UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt. Từ đó, xây dựng và triển khai kế hoạch phục vụ Tết với tổng trị giá các nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu cao trong dịp Tết trên 40 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2023.
Hiện tại, toàn bộ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết đang được các doanh nghiệp sản xuất chuẩn bị và đưa đến hệ thống phân phối.
Về phía các hệ thống phân phối đã đàm phán với doanh nghiệp sản xuất về nguồn cung cũng như giá cả cách đây từ 3 tháng, thậm chí 6 tháng để chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ nguồn hàng và dự trữ theo chỉ đạo của Sở Công Thương Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cả trước, trong và sau Tết.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn dự trữ cao hơn so với mức mà Sở Công Thương và thành phố Hà Nội giao để sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp, các tình huống dịch bệnh hoặc những tình huống bất khả kháng có thể xảy ra, từ đó có thể chủ động đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán này.
Bên cạnh đó, mặt hàng khác như điện, điện tử, điện máy, các mặt hàng thời trang cũng được doanh nghiệp rất quan tâm đẩy mạnh kích cầu trong thời điểm cuối năm.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, do điều kiện kinh tế của thế giới và trong nước còn gặp rất nhiều khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu và chỉ mua sắm các mặt hàng thiết yếu. Để kích cầu tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu cho thành phố ban hành các chương trình khuyến mại tập trung.
Qua đó, doanh nghiệp chủ động đưa ra chương trình khuyến mại hấp dẫn, kết nối với nhà sản xuất để giảm giá thành và đưa ra chương trình khuyến mại từ cơ sở sản xuất đến cơ sở phân phối, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Tương tự, bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, Sở đã có kế hoạch chuẩn bị 5 nhóm ngành hàng gồm lương thực; thực phẩm công nghệ; thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến; mặt hàng xăng dầu; thuốc trị bệnh cho người. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ trên 11.602 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc chữa bệnh; trong đó, giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khoảng 2.258 tỷ đồng.
Hơn nữa, Sở Công Thương Bình Dương đề nghị doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường tham gia đăng ký tổng số lượng, giá trị dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trong cả năm 2024; mức dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn (từ ngày 1/12/2023 đến hết ngày 1/3/2024).
Hiện tại, đã có 17 doanh nghiệp, hệ thống siêu thị đăng ký tham gia tham gia chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa thiết yếu năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Đồng thời, Sở cũng đề nghị doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, tránh xảy ra tình trạng tăng giá, mất kiểm soát dịp cuối năm; cam kết đảm bảo số lượng và thực hiện bán theo đúng giá bình ổn đã đăng ký.
Đặc biệt, nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống), Sở Công Thương yêu cầu doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cửa hàng cung ứng và chế biến lương thực thực phẩm phải được vận hành liên tục, ổn định.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đề nghị doanh nghiệp hoạt động thương mại, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường bằng hình thức tổ chức bán hàng lưu động hoặc tham gia Phiên chợ vui, chương trình đưa hàng Việt nông thôn.
Đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) thông tin: Công ty sẽ cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022 và 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương so với cùng kỳ với tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 540 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cùng việc chuẩn bị nguồn hàng, Saigon Co.op cũng đưa vào kinh doanh nhiều mặt hàng mới để đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng như bưởi bày Tết Phúc Lộc Tài, giỏ quà Tết đặc sản vùng miền, hộp quà tặng thiết yếu dành cho doanh nghiệp, đoàn thể… Thậm chí, nếu khách hàng mua số lượng lớn sẽ được hưởng chính sách chiết khấu hấp dẫn và in logo doanh nghiệp lên bao bì.
Tương tự, ông Phùng Thế Vinh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo, thành viên Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, mùa cuối năm là mùa vàng mua sắm lớn nhất trong năm của tất cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam và Kangaroo.
Vì vậy, Tập đoàn đã quyết định dùng nguồn ngân sách dành cho chi phí khuyến mại lớn nhất trong năm cho mùa vàng cuối năm để đồng hành cùng các địa phương, đối tác trong bán hàng, đưa ra các model sản phẩm bán không lợi nhuận để kích cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn còn xây dựng và phát triển sản phẩm đặc thù, phù hợp, đặc biệt là ở phân khúc trung và phổ thông. Đặc biệt, việc chuẩn bị hàng hóa và kênh phân phối trải khắp cả nước cũng được Tập đoàn chú trọng cho mùa tiêu dùng cuối năm, hướng tới mọi người dân có cơ hội mua sắm và đón Tết an vui.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dam-bao-nguon-cung-dap-ung-nhu-cau-mua-sam-cuoi-nam/317577.html