Đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam góp phần làm thất bại âm mưu, luận điệu xuyên tạc về quyền con người trên không gian mạng
Đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em là một bộ phận cấu thành không thể tách rời trong toàn bộ các quyền con người. Thời gian qua, Việt Nam luôn thể hiện những nỗ lực trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em, đồng thời coi việc bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em là nội dung quan trọng trong các mục tiêu phát triển bền vững. Giữa lúc dư luận thế giới đang hoan nghênh, ca ngợi Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ, thì trên không gian mạng một số tổ chức, cá nhân không có thiện chí với Việt Nam lại hằn học với kết quả này, cố tình xuyên tạc về bình đẳng giới của Việt Nam.
Dã tâm chưa bao giờ từ bỏ của các thế lực thù địch
Bất chấp sự ghi nhận của quốc tế với thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong đảm bảo quyền phụ nữ và trẻ em thời gian qua. Các thế lực thù địch và các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài liên tục đăng tải các bài viết, video xuyên tạc trên không gian mạng nhằm vu cáo, xuyên tạc, bịa đặt việc Việt Nam không có bình đẳng giới, phân biệt đối xử với phụ nữ, quyền của phụ nữ Việt Nam “bị đối xử nghiêm trọng, bị bỏ rơi”. Từ đó đưa ra lập luận rằng phụ nữ bất bình đẳng về kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế và “đảng chỉ đưa ra những con số mị dân, lừa bịp chị em”, cho rằng, bị phân biệt đối xử là “nỗi thống khổ của phụ nữ dưới chế độ đảng trị”.
Không những vậy, các thế lực thù địch và các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài còn ra sức cổ xúy, thúc đẩy việc hình thành các tổ chức, hội, nhóm do các đối tượng chống đối trong nước cầm đầu như “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội dân oan”… với âm mưu hình thành các tổ chức chính trị đối lập tại Việt Nam. Những hội nhóm lấy danh nghĩa giúp đưa tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào đóng góp xây dựng đất nước, kêu gọi quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em nhưng thực chất đây là số hội nhóm có thái độ, hành động chống phá đất nước quyết liệt, được sự hậu thuẫn, “hà hơi, tiếp sức” của các thế lực thù địch, tổ chức, cá nhân phản động sống lưu vong ở nước ngoài. Không khó để nhận diện âm mưu của các thế lực thù địch và số đối tượng trên hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, từ đó hướng đến kích động bạo loạn, lật đổ chế độ.
Thực tế này cho thấy, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá núp dưới chiêu bài phân biệt, kỳ thị giới hết sức tinh vi, thâm độc, khó lường. Đặc biệt, việc kích động, chống phá trên không gian mạng được chúng triệt để khai thác để tỏa “chân rết” đi đến các vùng miền, xâm nhập vào các cộng đồng, tác động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, tung hô, cổ vũ với mục đích cuối cùng là đối lập về tư tưởng chính trị.
Đảm bảo quyền phụ nữ và trẻ em dưới góc độ luật pháp quốc tế và Việt Nam
Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 lần đầu tiên khẳng định sự “bình đẳng về các quyền giữa phụ nữ và đàn ông...”. Ba năm sau đó (năm 1948), Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) xác lập nguyên tắc nền tảng là tất cả mọi người đều được hưởng các quyền và tự do một cách bình đẳng, không có bất cứ sự phân biệt nào về chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ, quan điểm chính trị và các yếu tố khác. Tiếp theo UDHR, một loạt điều ước quốc tế đã được Liên hợp quốc thông qua nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm Công ước về trấn áp việc buôn người và bóc lột mại dâm người khác năm 1949; Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952; Công ước về quốc tịch của phụ nữ khi kết hôn năm 1957; Công ước về đăng ký kết hôn, tuổi tối thiểu khi kết hôn và việc kết hôn tự nguyện năm 1962... Nguyên tắc bình đẳng nam nữ cũng được khẳng định trong cả hai điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người năm 1966. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng thông qua các Công ước chuyên biệt nhằm ghi nhận và bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em như: Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc năm 1989; Công ước về trấn áp việc buôn người và bóc lột mại dâm người khác năm 1949; Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952; Công ước về quốc tịch của phụ nữ khi kết hôn năm 1957; Công ước về đăng ký kết hôn, tuổi tối thiểu khi kết hôn và việc kết hôn tự nguyện năm 1962..., và điển hình là Công ước xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.
Ngoài ra, Liên hợp quốc cũng thông qua các công ước chuyên biệt nhằm ghi nhận và bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em như: Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc năm 1989; Công ước về trấn áp việc buôn người và bóc lột mại dâm người khác năm 1949; Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952; Công ước về quốc tịch của phụ nữ khi kết hôn năm 1957; Công ước về đăng ký kết hôn, tuổi tối thiểu khi kết hôn và việc kết hôn tự nguyện năm 1962..., và điển hình là Công ước xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Ngoài các văn kiện quốc tế, các quốc gia còn tổ chức nhiều Hội nghị về quyền phụ nữ. Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ II tại Vienna (Áo) năm 1993 thông qua Tuyên bố Viên và Chương trình hành động, trong đó khẳng định: “Quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái là một bộ phận cấu thành, gắn liền và không thể tách rời của các quyền con người phổ biến”…
Thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người nói chung, quyền của phụ nữ và trẻ em nói riêng, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp nội dung, tinh thần của các cam kết quốc tế, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo đảm quyền phụ nữ và trẻ em. Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mang tính đột phá nhằm bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em. Điều 19 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”; và tại khoản 1, Điều 20 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự nhân phẩm”; khoản 2, Điều 36 quy định: “...Nhà nước bảo hộ quyền lợi bà mẹ và trẻ em”…
Cụ thể hóa Hiến pháp 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Trẻ em năm 2016. Trong đó, Luật Bình đẳng giới xác định mục tiêu là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Luật Trẻ em quy định cụ thể các quyền và bổn phận của trẻ em; các chính sách và biện pháp cơ bản về chăm sóc, giáo dục, văn hóa, thông tin, đặc biệt là về bảo vệ và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Luật cũng quy định chi tiết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
Các chế tài hình sự xử lý đối với các hành vi bạo lực và xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành như Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực vào ngày 1-1-2018 dành các Điều luật và quy định khung hình phạt đối với các hành vi bạo lực, xâm hại và phạm tội với trẻ em khung hình phạt đối với các tội này rất nghiêm khắc. Tháng 9-2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thông qua Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định về các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Nghị quyết đã tạo nên cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ một cách công bằng cả trẻ em gái và trẻ em trai dưới 18 tuổi khỏi xâm hại tình dục, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và quy định nhiều biện pháp để quá trình xét xử thân thiện hơn, nhạy cảm hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đặc biệt của người chưa thành niên, theo tinh thần của Công ước và pháp luật thế giới.
Việt Nam cũng đã ban hành và nỗ lực triển khai các chính sách, giải pháp nhằm bảo đảm các quyền của phụ nữ và trẻ em như: Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 7-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025…
Những thành tựu của Việt Nam trong đảm bảo bình đẳng giới
Những năm qua, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ với một chiến lược rõ ràng, nhất quán và phù hợp với thực tiễn. Với nỗ lực của của cả hệ thống chính trị, cho tới nay, công tác bảo đảm quyền phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em.
Với những nỗ lực đó, khoảng cách và sự phân biệt giữa phụ nữ và nam giới đã được thu hẹp, phụ nữ Việt Nam đã vươn lên và khẳng định vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực như: Tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước, giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của gia đình và xã hội, giữ vai trò nòng cốt trong việc xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc… Đội ngũ cán bộ phụ nữ ngày càng trưởng thành, nhiều tấm gương phụ nữ được xã hội ghi nhận, tôn vinh, giúp người phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến tháng 12-2023, tỉ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trên tổng số lãnh đạo chủ chốt của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18/126 (đạt 14,29%). Trong đó tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt là 13/22 (đạt 59%) và không thay đổi so với năm 2022. Tỉ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trên tổng số lãnh đạo chủ chốt của các bộ, cơ quan ngang bộ là 15/98 (đạt 15,31%). Tỉ lệ các cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 1/8 cơ quan (đạt 12,5%). Trong đó, số lãnh đạo chủ chốt là nữ trong tổng số lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan thuộc Chính phủ là 3/28 người (đạt 10,71%). Có 4/30 nữ Bộ trưởng và tương đương, đạt 13,3%, 14/108 nữ Thứ trưởng, tương đương, đạt 13%. Một thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ là Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang. Ngoài ra có 12 nữ Thứ trưởng và tương đương. Tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt đã tiệm cận với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 60%. Trong khi đó tỉ lệ cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt vẫn khiêm tốn. Tỉ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ trong đó cấp tỉnh là 37,7%, cấp huyện là 31,77%, còn cấp xã 24,94%.
Còn theo số liệu của Bộ Nội vụ, đến đầu tháng 3-2023, cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có 19 người (chiếm 9,5%). Trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. 2 cán bộ nữ trong Ban Bí thư là bà Trương Thị Mai và bà Bùi Thị Minh Hoài. Phó Chủ tịch nước là bà Võ Thị Ánh Xuân. 3 Bộ trưởng và một người trong cơ quan thuộc Chính phủ; 10 Thứ trưởng và tương đương. 3 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bà Nguyễn Thị Thanh (Trưởng Ban Công tác đại biểu), bà Lê Thị Nga (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp), bà Nguyễn Thúy Anh (Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội) và 34 nữ Phó Chủ nhiệm và Ủy viên Thường trực Ủy ban, cơ quan của Quốc hội. Ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025) có 16% nữ, trong đó có 7 Bí thư, 15 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy. Ban chấp hành đảng bộ cấp huyện có 17% là nữ. Tỉ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử tăng so với nhiệm kỳ trước với 151 đại biểu nữ tham gia Quốc hội khóa XV, đạt 30,2% (cao hơn 3,5% so với nhiệm kỳ trước và vượt chỉ tiêu 30%). Tỉ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đạt 29% (tăng so với nhiệm kỳ trước). Với tỉ lệ này Việt Nam nằm trong nhóm 1 các nước có tỉ lệ nữ tham gia chính trị cao đứng đầu thế giới.
Cùng với đảm bảo các quyền về phụ nữ thì quyền của trẻ em tại Việt Nam ngày càng được đảm bảo tốt hơn trên thực tế. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi/1.000 ca đẻ đã giảm còn 20,5‰ vào năm ngoái. Trẻ em của các gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Quyền được phát triển của trẻ em cũng được nâng cao. Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi ở cấp trung học cơ sở của Việt Nam đạt 98,5% vào năm ngoái. Các hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đa dạng và phù hợp hơn với nhu cầu của từng nhóm đối tượng đã góp phần đưa tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (so với tổng số trẻ em) được bảo vệ, chăm sóc đạt 96%; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 1,3% trong năm ngoái. Trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc các gia đình nghèo, dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn của Việt Nam được miễn giảm học phí và được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có nhu cầu. Về vui chơi, giải trí và thực hiện quyền tham gia của trẻ em, Việt Nam đầu tư xây dựng và dành 30% thời lượng hoạt động cho trẻ em tại hệ thống các thiết chế văn hóa như thư viện, bảo tàng, các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật, khu vui chơi thể dục thể thao… Hầu hết là các điểm vui chơi ngoài trời gần khu dân cư, an toàn, thuận tiện cho trẻ em tiếp cận.
Ngày 13-3-2024, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo Phát triển Con người năm 2023 - 2024, trong đó ghi nhận Việt Nam đã thăng hạng vượt bậc về Chỉ số phát triển con người (HDI). Chỉ số Phát triển Con người (HDI) toàn cầu Giá trị HDI của Việt Nam năm 2022 là 0,726, đứng thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 đến năm 2022, giá trị HDI của Việt Nam thay đổi từ 0,492 lên 0,726, tăng gần 50%. Vào những năm 1990 khi UNDP đưa ra chỉ số phát triển con người HDI, Việt Nam ở vị trí tương đối thấp trong bảng xếp hạng, nhưng đến nay Việt Nam đang ở giữa bảng xếp hạng và liên tục tiến bộ trong 30 năm qua.
Những thành tựu nổi bật trên đã đưa Việt Nam lên vị trí 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỉ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý. Xếp hạng của Việt Nam trên thế giới về bình đẳng giới tăng từ vị trí 83 lên 72 trên tổng số 146 quốc gia (theo số liệu năm 2023 về chỉ số khoảng cách giới tính toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới).
Với những kết quả đã đạt được và sự ghi nhận của quốc tế, uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng lên. Ngày 9-4-2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã nhất trí bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027. Theo đó, kể từ tháng 1-2025 đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tham gia điều phối xây dựng và triển khai các định hướng lớn của UN Women, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của cơ quan này nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của Liên hợp quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Cùng với việc Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 vào ngày 11-10-2022 với số phiếu ủng hộ cao. Đây là sự công nhận vị thế của Việt Nam, thể hiện sự tín nhiệm quốc tế trước các đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam với các cơ chế của Liên hợp quốc. Như vậy, với những thành tựu đã đạt được của Việt Nam trong đảm bảo quyền phụ nữ và trẻ em trong thời gian qua là minh chứng khách quan, rõ ràng phản bác các luận điệu sai trái mà các thế lực xấu đang rêu rao, xuyên tạc.
Thành tựu nổi bật của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới
Bà Caroline T. Nyamayemombe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho biết, kể từ khi thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), xếp hạng của Việt Nam trên thế giới về bình đẳng giới tăng từ vị trí 83 lên 72 trên tổng số 146 quốc gia (theo số liệu năm 2023 về chỉ số khoảng cách giới tính toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới).
Đề cập tới 4 thành tựu đáng kể của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, Trưởng đại diện UN Women cho biết:
- Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục củng cố chính sách và pháp luật về bình đẳng giới, ví dụ như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (2017); Chiến lược và Chương trình quốc gia về chống bạo lực giới (giai đoạn 2021 - 2030); Sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2022); Sửa đổi Bộ Luật Lao động (2019) và gần đây là Kế hoạch Hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Bên cạnh đó, Việt Nam kiên định ủng hộ hợp tác đa phương và đã chứng minh điều này với vai trò là một thành viên của Liên hợp quốc và ASEAN. Ngày 25-1-2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030. “Cột mốc này không chỉ chứng tỏ sự công nhận về vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc đạt được hòa bình bền vững mà còn là sự khẳng định về cam kết kiên định của Việt Nam trong việc thúc đẩy nguyên tắc bình đẳng giới trên toàn cầu. Điều này phản ánh mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế, thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện và nhạy cảm hơn về giới đối với hòa bình và an ninh” - bà Caroline T. Nyamayemombe nhấn mạnh.
- Thứ hai, là sự tham gia vào chính trị của phụ nữ. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV năm 2021, tỉ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội đã tăng lên 30%, cao nhất kể từ năm 1976, cao hơn cả trung bình toàn cầu là 25%.
- Thứ ba, là sự tham gia của lực lượng lao động phụ nữ gần bằng với nam giới (72% đối với phụ nữ so với 82% đối với nam giới).
- Thứ tư, Việt Nam đang hoàn thành vượt qua mục tiêu đặt ra về sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động duy trì và gìn giữ hòa bình. Các nữ quân nhân Việt Nam tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình mang lại góc nhìn đa dạng và thể hiện các kỹ năng vô cùng quý giá trước mỗi nhiệm vụ. “Tôi đã có cơ hội gặp gỡ 3 sĩ quan nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam và tôi đã được truyền cảm hứng bởi câu chuyện về sự dũng cảm và sự kiên cường của họ. Tôi cũng ngưỡng mộ trước cách họ dễ dàng tạo kết nối với những người ở châu Phi khi họ thực thi nhiệm vụ ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Việc xây dựng lòng tin từ phụ nữ sẽ góp phần kiến tạo hòa bình tại các các quốc gia này” - Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam chia sẻ.
Bà Caroline T. Nyamayemombe nhận định, khi thế giới đứng trước nhiều bất ổn, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã kêu gọi thêm nhiều nhà lãnh đạo nữ trở thành trung tâm của các cuộc đàm phán hòa bình và các nỗ lực xây dựng hòa bình hơn. Hành động của Việt Nam đang cho thấy sự phù hợp với lời kêu gọi này.