Đảm bảo quyền lợi cho người lao động làm việc trong nghề nặng nhọc, độc hại
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong Hợp đồng lao động cần ghi rõ chức danh nghề đúng với quy định về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Giáo viên bậc mầm non có những đặc thù, vất vả riêng so với các bậc học khác, do đó giáo viên mầm non mong muốn được các bộ, ngành liên quan xem xét, đánh giá các yếu tố đặc thù về điều kiện lao động của giáo viên mầm non và công nhận là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.
Tại buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách chuyên đề “Những điểm mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động” do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ quận Cầu Giấy tổ chức, chị Nguyễn Thị Hạnh, Trường Mầm non Yên Hòa, quận Cầu Giấy băn khoăn, khi nào giáo viên mầm non được công nhận là nghề đặc thù nặng nhọc, độc hại, nếu được công nhận là công việc nặng nhọc, độc hại thì độ tuổi về hưu có được thay đổi như yêu cầu là 55 tuổi hay không?
Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay ngành Giáo dục mới đang trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận nghề giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư về ngành nghề nặng nhọc độc hại thì ngành Giáo dục vẫn chưa công nhận giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.
Nghề nặng nhọc độc hại có đặc điểm tùy thuộc đơn vị chủ quản công nhận trong cả hệ thống ngành nghề đó có nặng nhọc, độc hại hay không, sẽ nghiên cứu, đo đạc tất cả các yếu tố môi trường để rồi công nhận, sau đó ngành làm thủ tục đề nghị sang Bộ Lao động, do đó khi nào Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản công nhận khi đó mới được công nhận là nghề nặng nhọc, độc hại.
Bà Dương Thị Minh Châu cũng lưu ý thêm đối với các đơn vị có môi trường nặng nhọc độc hại, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong Hợp đồng lao động cần ghi rõ chức danh nghề đúng với quy định về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Khi được công nhận chức danh ngành nghề nặng nhọc độc hại thì người lao động được giảm về hưu trước 5 tuổi không trừ tỷ lệ phần trăm.
Cùng với vấn đề công nhận giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, các giáo viên cũng quan tâm vấn đề mức lương được hưởng khi được công nhận là công việc nặng nhọc, độc hại.
Theo bà Dương Thị Minh Châu, hiện nay trong các quy định về tiền lương, khi được công nhận nghề nặng nhọc độc hại, nếu công chức, viên chức thì theo thang bảng lương nhà nước quy định, còn đối với các loại Hợp đồng lao động thì do thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng.
Ngoài những băn khoăn liên quan đến nội dung công nhận nghề nặng nhọc, độc hại đối với giáo viên mầm non, giáo viên, nhân viên công tác ở các cơ sở giáo dục đào tạo đang mong chờ đến ngày 1/7 tới để được hưởng lương mới, giải quyết những bất cập về chính sách tiền lương hiện nay.
Đây cũng là một trong những nội dung được nhiều người lao động đặt câu hỏi tại các buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ quận, huyện và các Công đoàn ngành tổ chức.
Chị Trịnh Thị Thúy Nga (Trường THCS Lý Nam Đế, quận Nam Từ Liêm) muốn biết sâu hơn về các chế độ tăng lương: “Theo quy định hiện hành thì người lao động đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua sẽ được nâng lương trước thời hạn, nhưng từ 1/7 tới đây, khi thực hiện chính sách lương mới thì người lao động đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua có được nâng lương trước thời hạn nữa không?”
Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, việc thực hiện chế độ cải cách tiền lương theo vị trí việc làm, cũng như tiền lương cơ sở sẽ được điều chỉnh làm sao để đáp ứng được đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, tuy nhiên, hiện chưa có Nghị định về điều chỉnh cải cách tiền lương. Từ 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương, nguyên tắc tiền lương khi cải cách sẽ không giảm đi, hoặc thấp hơn thang bảng lương mà chúng ta đang tính hiện nay, đảm bảo sự yên tâm của người lao động.
Tiền lương cơ bản chiếm khoảng 70% quỹ lương, và 30% là phần phụ cấp, có 10% dành cho phần tiền thưởng. Việc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở sẽ được tính trên quỹ tiền thưởng, hưởng 10% quỹ tiền thưởng, nên không lấy danh hiệu này để nâng bậc lương.
Còn chị Đoàn Thị Thanh Thủy (Trường Mầm non Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) cũng băn khoăn, theo chính sách tiền lương mới, giáo viên mầm non có thâm niên lâu năm và giáo viên mầm non ít năm công tác sẽ được tính như thế nào? Cách tính lương hưu cho giáo viên, nhân viên về hưu?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân cho biết, hiện chưa có dự thảo nghị định về tiền lương mới, nhưng chế độ, phụ cấp sẽ được thay đổi phù hợp. Thời gian qua, có nhiều ý kiến bỏ phụ cấp thâm niên nghề, vậy những người nhiều năm công tác thì sẽ được tính tích hợp vào tiền lương, đảm bảo hệ thống tiền lương được thống nhất.