Đảm bảo tiêu chí môi trường ở vùng nông thôn mới

Môi trường và giao thông là 2 tiêu chí quan trọng và khó thực hiện ở xã nông thôn mới (NTM). Lý do là để thực hiện tiêu chí này cần có thời gian, kinh phí và phải “chăm sóc” thường xuyên.

Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai kiểm tra thực hiện tiêu chí môi trường ở xã nông thôn mới kiểu mẫu Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu)

Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai kiểm tra thực hiện tiêu chí môi trường ở xã nông thôn mới kiểu mẫu Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu)

Những năm qua, nhờ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhiều vùng nông thôn ở Đồng Nai xuất hiện những đường hoa, đường bích họa, kênh/mương không rác; khu dân cư kiểu mẫu, làng quê đáng sống.

* Thay đổi diện mạo môi trường nông thôn

Là đơn vị cấp xã đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nên cách làm và việc giữ gìn bộ mặt nông thôn xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) được nhiều người quan tâm.

Ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi cho biết, trước khi bắt tay xây dựng NTM, dọc các tuyến đường xã có khá nhiều bãi rác tự phát, kênh mương bị ùn ứ do rác thải sinh hoạt, xác động vật, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Để thực hiện tiêu chí môi trường, xã phát mỗi hộ gia đình 2 thùng rác, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn và vận động đăng ký thu gom rác tại nhà. Tranh thủ các nguồn hỗ trợ và nhân dân đóng góp, xã đã làm đường giao thông, cải tạo hệ thống thoát nước, xây khu tập kết rác thải; phát động thi đua thực hiện và giữ gìn đường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Ông Võ Hà (xã Bình Lợi) cho biết, 3 năm trở lại đây, gia đình ông gần như không phát thải ra môi trường. Toàn bộ rác vô cơ được ủ làm phân bón, rác thải có thể tái chế ông dồn lại để bán, chất thải nguy hại ông đem đổi lấy quà tặng. Ông cải tạo tường rào trồng các loại hoa vừa đẹp vừa có thêm không gian xanh.

Xác định môi trường là tiêu chí khó trong xây dựng NTM kiểu mẫu, thời gian qua các cấp chính quyền và nhân dân H.Xuân Lộc đã vào cuộc mạnh mẽ để thực hiện tiêu chí này. Huyện đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát về môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân không xả rác và phân loại rác thải tại nguồn; xã hội hóa làm đường giao thông nông thôn... Qua đó, từng bước thay đổi thói quen, ý thức của cộng đồng về vệ sinh môi trường. Đến nay, tỷ lệ hộ dân dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ che phủ cây xanh đạt 65%. Khu công nghiệp Xuân Lộc và TT.Gia Ray không xảy ra ngập nước. Tỷ lệ thu gom chất thải các loại đạt 100%.

Tại xã Phước Khánh (H.Nhơn Trạch), để nâng chất môi trường vùng nông thôn, địa phương đã thành lập Tổ Bảo vệ môi trường để giám sát tần suất thu gom, vận chuyển rác; theo dõi các điểm phát sinh rác thải và nhắc nhở người dân bỏ rác đúng giờ, đúng chỗ. Ngoài ra, tổ này còn phối hợp với Phòng Quản lý đô thị H.Nhơn Trạch nạo vét các kênh mương giúp thoát nước và hạn chế tình trạng ứ đọng rác thải, gây ô nhiễm nguồn nước.

* Cần giải pháp đồng bộ

Trong xây dựng NTM, môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhưng dễ bị lỗi nếu không được duy trì thường xuyên. Do đó, để giữ gìn và nâng chất môi trường ở vùng NTM, cần có các giải pháp đồng bộ.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Trưởng ấp Hòa Bình, xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) cho rằng, làm đường NTM đã khó, giữ gìn và làm đẹp các tuyến đường càng khó hơn. Để giữ đường luôn sáng - xanh - sạch - đẹp, Ban ấp đã đến từng nhà vận động người dân đăng ký thu gom rác tập trung. Vào dịp cuối tuần, các đoàn thể thay phiên dọn vệ sinh và chăm sóc hoa dọc các tuyến đường. Ấp cũng vận động người dân góp tiền lắp đặt hệ thống tưới tự động, lắp đèn năng lượng mặt trời, thực hiện duy tu thường xuyên để đường luôn sáng đẹp.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh, đến tháng 9-2020, Đồng Nai có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 43 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, các xã còn lại đạt chuẩn NTM. Mặc dù vậy, việc thực hiện và nâng cấp các tiêu chí: nghĩa trang, cây xanh, xử lý chất thải rắn, nước thải, sử dụng nước hợp vệ sinh còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ môi trường ở xã vừa thiếu vừa yếu; nhiều nơi xe thu gom chất thải chưa đảm bảo, thiếu điểm tập kết rác; chế tài xử phạt hành vi vi phạm môi trường chưa đủ mạnh. Kinh phí hỗ trợ thực hiện, duy trì và nâng chất các tiêu chí môi trường còn hạn chế.

Bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai cho rằng, việc duy trì và phát triển các tiêu chí môi trường rất khó vì nhiều tiêu chí thay đổi theo từng năm, phụ thuộc lớn thói quen và ý thức của người dân. Chi cục Bảo vệ môi trường đang làm việc với các huyện để nắm bắt những khó khăn vướng mắc, từ đó đề xuất các biện pháp hỗ trợ; hướng dẫn thực hiện phân loại rác và nhân rộng mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường.

Theo bà Dương, để không bị lỗi tiêu chí môi trường, tránh tư tưởng buông lỏng, hài lòng với NTM, các địa phương phải duy trì thực hiện các tiêu chí thường xuyên; tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt nặng hành vi vi phạm môi trường. Nâng chất tiêu chí môi trường gắn với cải thiện đời sống khu dân cư.

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202012/dam-bao-tieu-chi-moi-truong-o-vung-nong-thon-moi-3034560/