Đảm bảo tính bền vững tham gia BHYT giúp cân đối quỹ BHYT trong dài hạn
Tính đến nay, cả nước đã có hơn 88 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 90,3%. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT tại một số địa phương bị ảnh hưởng khiến tỷ lệ người tham gia giảm hơn so với năm 2020.
Công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT tại một số địa phương đang gặp khó khăn do dịch Covid 19. Nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể, người lao động không có việc làm dẫn đến tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ BHYT cũng như không có điều kiện để tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình. Bên cạnh đó, tỷ lệ tham gia BHYT cao tập trung chủ yếu ở những địa phương được ngân sách nhà nước hỗ trợ và ở nhóm đối tượng là người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp, đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng hoặc được quỹ BHXH đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT. Trong khi đó, nhóm đối tượng tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình thì mới đạt tỷ lệ bao phủ 76,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia và một bộ phận chỉ tham gia BHYT khi có bệnh.
Ông Đinh Ngọc Quý, ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu ý kiến: “Chúng ta thấy tỷ lệ tham gia BHYT khá cao, thậm chí vượt chỉ tiêu, vượt mục tiêu nhưng tỉ lệ tham gia càng cao thì tỷ trọng chi, bảo đảm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khá lớn. Bộ Tài chính và BHXH cần cho biết thêm, trong số 37% do ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm bao nhiều % đối tượng. Nếu không làm rõ thì tính bền vững của các chính sách bảo hiểm của chung ta đáng lo ngại. Nếu không có các giải pháp tốt thì việc chi từ ngân sách, bảo đảm từ ngân sách, khoanh vùng các đối tượng hỗ trợ, nếu có vấn đề nào đó xảy ra thì tỷ lệ này sẽ sụt giảm nhanh”.
Mặc dù số người tham gia BHYT vượt xa so với Nghị quyết số 68, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục và nỗ lực hơn nữa trong việc thu hút khoảng 10% dân số còn lại chưa tham gia BHYT, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19...
Phân tích vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc người tham gia BHYT và độ bao phủ đã đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là nỗ lực lớn, song thực tế đa phần đối tượng đóng BHYT hiện nay đều do Nhà nước hỗ trợ. Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động đóng theo quy định pháp luật mới chỉ ở khu vực chính thức, trong khi đó lao động nằm ở khu vực phi chính thức chưa tham gia BHYT nhiều. Một bộ phận người dân chỉ khi có bệnh mới tham gia BHYT.
Ngoài ra, mức đóng BHYT của nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT thấp (bằng 4,5% mức lương cơ sở) trong khi đó, nhóm đối tượng này chiếm 58% tổng số đối tượng tham gia BHYT và mức quyền lợi BHYT cao hơn nhóm đối tượng khác và phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng. Chưa giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ phía cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh và cả cán bộ thực hiện BHYT.
Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng, muốn tăng độ bao phủ BHYT thì chất lượng khám chữa bệnh từ tuyến cơ sở phải được cải thiện: “Bộ Y tế trước đây cũng có những đầu tư, có những dự án nhưng tôi cho rằng vẫn chưa thỏa đáng được theo yêu cầu của y tế cơ sở. Trách nhiệm của các địa phương trong vấn đề về đầu tư y tế cơ sở, Bộ Y tế chỉ ban hành chính sách, chủ trương chứ không thể làm chủ đầu tư hay đầu tư trực tiếp cho các trạm y tế xã. Nhiều khi chúng tôi thấy như đối với các Trung tâm y tế cần phải nâng cấp, cần phải có đầu tư, cần phải có những thỏa đáng nhưng chúng ta chưa làm được. Một trong những vấn đề đặt ra là phải tăng cường đầu tư thỏa đáng hơn nữa đối với y tế cơ sở để đảm bảo công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân”.
Cùng với việc cải thiện chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở, BHXH Việt Nam tăng cường giải pháp mở rộng nhóm đối tượng tham gia BHYT. Việc chuyển hướng chi ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT đã được khẳng định hướng đi đúng đắn, đảm bảo tính công bằng giữa các cơ sở y tế và là giải pháp mạnh nhằm minh bạch sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, Quỹ khám chữa bệnh BHYT những năm qua liên tục tăng cả về số thu và số chi. Riêng năm 2020 số thu tăng cao hơn so với số chi là do cơ quan BHXH đã tăng cường quản lý, phát triển BHYT và tập trung vận động BHYT hộ gia đình. Năm 2020 số chi thấp hơn do dịch Covid-19, song số lượt người khám chữa bệnh tăng 167 triệu lượt. BHXH Việt Nam cũng đã kết nối liên thông dữ liệu với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh, phát huy hiệu quả tốt. Dự báo trong năm tới sẽ còn nhiều khó khăn trong phát triển đối tượng tham gia BHYT, tuy nhiên, BHXH sẽ nghiên cứu các giải pháp mới để phát triển đối tượng trong tình hình mới, đồng thời cân đối thu chi Quỹ BHYT trong dài hạn nhưng vẫn đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân.
“Dự toán năm 2022, chúng tôi đã có ý kiến với Bộ Tài chính, tuân theo quy định của Quyết định 60, đề nghị Thủ tướng giao dự toán cho BHXH Việt Nam, cơ quan trực tiếp quản lý. Dự toán ở đây bao gồm cả dự toán thu chi, dự toán quản lý chứ không chỉ dự toán khám chữa bệnh. Tiếp tục chấn chỉnh để làm sao vừa phát huy được tính chủ động cho các cơ sở khám chữa bệnh ở các tỉnh, BHXH các tỉnh nhưng phải đảm bảo nguồn quỹ sử dụng BHYT. Cũng mong ngành y tế phối hợp tốt hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa với cơ quan BHXH để hướng mục tiêu cho những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính mà chúng tôi đã có dữ liệu và đã có ý kiến, sẵn sàng cung cấp dữ liệu đó để ngành y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân”, ông Phạm Lương Sơn cho biết.
Để đạt chỉ tiêu 95% dân số tham gia BHYT vào năm 2025 theo Nghị quyết 68, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong quá trình thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, có giải pháp đột phá trong tuyên truyền để duy trì và tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT, đồng thời nghiên cứu phương án vừa đảm bảo cân đối quỹ BHYT vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT hướng đến mục tiêu phát triển BHYT toàn dân./.