Đám cưới truyền thống của người Ba Na có gì hấp dẫn?

Đám cưới của người Ba Na không chỉ là dịp để cặp đôi nên duyên vợ chồng mà còn là dịp quan trọng để cộng đồng gắn kết.

Đám cưới của người dân tộc Ba Na ở Kbang, tỉnh Gia Lai mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống và chứa đựng nhiều giá trị nhân văn độc đáo.

Thương người mồ côi

Dòng chảy thời gian thay đổi, sự phát triển của xã hội, giao thoa các nền văn hóa đã làm cho đám cưới của người Ba Na có nhiều sự thay đổi. Tuy nhiên đám cưới vẫn mang ý nghĩa tâm linh và cộng đồng rất lớn, là dịp để gắn kết gia đình và cả làng.

Già Đinh Yom (làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang) năm nay tròn 80 tuổi, đã chứng kiến, đi dự đám cưới của rất nhiều cặp đôi trai gái ở làng mình và các làng khác. Ông Đinh Yom kể thuở xưa, việc bắt chồng, cưới vợ là việc của các bậc cha mẹ, những thanh niên trai gái rất ít người tự chọn bạn đời cho mình. "Ngày xưa cha mẹ chọn vợ, chọn chồng cho con cái thường tìm những người hiền lành, siêng làm" - ông Yom kể.

Làng Stơr còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của người Ba Na

Làng Stơr còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của người Ba Na

Sau đám cưới, hai gia đình sẽ thỏa thuận để xem vợ chồng mới sẽ về ở nhà trai hay nhà gái trước. Nếu gia cảnh nhà nào khó khăn hơn, đôi vợ chồng mới sẽ về bên đó ở trước, hết thời gian ba năm sẽ sang nhà bên kia. Sau khi ở xong hai bên gia đình, nếu đôi vợ chồng muốn thì mới cất nhà để ở riêng. Do đó, cha mẹ thường thích những người mồ côi vì tin rằng họ sẽ siêng năng hơn, có thể ở bên, chăm sóc cho mình suốt đời mà không đi đâu khác.

Ông Đinh Grer (60 tuổi làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang) bảo rằng khi lên 6 tuổi thì mẹ mất do chiến tranh, năm 18 tuổi thì người cha cũng theo mẹ về với tổ tiên nên trở thành người mồ côi. Đã đến tuổi lấy vợ, ông Grer lúc đó được rất nhiều gia đình có con gái để mắt tới, tính bắt làm chồng cho con gái. Đến năm 24 tuổi, ông được gia đình bà Đinh Duơch bắt về làm chồng cho con gái lúc đó vừa tròn 17 tuổi.

Già Đinh Yom (áo sáng) và ông Đinh Grer kể về đám cưới truyền thống của người Ba Na

Già Đinh Yom (áo sáng) và ông Đinh Grer kể về đám cưới truyền thống của người Ba Na

Theo ông Đinh Yom, tuy cha mẹ chọn vợ, chọn chồng cho con cái nhưng khi đưa về ra mắt, đôi trai gái phải đồng ý yêu nhau, thương nhau thì lúc đó hai bên gia đình mới cùng nhau ủ từ 10-20 ghè rượu chuẩn bị cho đám cưới và bắt đầu báo già làng để làm đám cưới.

Mừng đám cưới bằng ... rượu ghè

Già Đinh Yom kể rằng khi hai gia đình đã chuẩn bị xong rượu ghè, thì báo cho già làng để làm ngày đám cưới cho hai con. Đám cưới của người Ba Na không chọn ngày đẹp, ngày hợp mà chỉ cần hôm đó trong làng không có người đau ốm.

Ngày cưới, hai gia đình cùng đưa rượu ghè, heo, gà đến nhà rông của làng để tổ chức đám cưới. Đặc biệt, họ hàng đến mừng cho đôi vợ chồng mới không đi "phong bì" mà sẽ đưa rượu ghè đến chúc mừng, chung vui.

Thông thường, người Ba Na sẽ tổ chức lễ cưới trong hai ngày. Ngày đầu tiên tại nhà rông, già làng sẽ chủ trì để làm các thủ tục, nghi lễ. Sau khi kết thúc các nghi lễ, những người thân trong gia đình hai bên và cả người làng sẽ cùng nhau uống rượu ghè, ăn thịt heo, thịt gà để chúc mừng cho vợ chồng mới.

Ông Đinh H'Nhep và vợ là bà Đinh Thị Tép đã cưới nhau 52 năm, cuộc sống vô cùng hạnh phúc, không xa nhau được lâu ngày

Ông Đinh H'Nhep và vợ là bà Đinh Thị Tép đã cưới nhau 52 năm, cuộc sống vô cùng hạnh phúc, không xa nhau được lâu ngày

Ngày thứ 2 là ngày đặc biệt quan trọng với đôi vợ chồng mới. Từ sáng sớm, thanh niên trong làng đã tới đưa hai vợ chồng ra suối gần làng để làm nghi lễ mà người Ba Na gọi là "giũa đác", tức là dầm suối. Nghi lễ này có ý nghĩa là tắm cho mát mẻ, hai vợ chồng không nóng giận, không cãi nhau để cuộc sống mãi mãi ấm êm, hạnh phúc. Sau khi "giũa đác" thì tất cả di chuyển về nhà tiếp tục uống rượu ghè, ăn thịt chúc mừng trước khi kết lúc ngày cưới.

Già Đinh H'Nhep (76 tuổi, làng Quao cũ, xã Nghĩa An, huyện Kbang) kể rằng lúc ông 24 tuổi thì lấy cô gái 19 tuổi, đẹp nhất làng là bà Đinh Thị Tép. Trong thời chiến tranh ác liệt, đám cưới đơn giản nhưng đầy đủ nghi lễ và làm 1 con dê, 3 con heo và một ít ghè rượu để thiết đãi người thân, họ hàng.

"Cưới xong vợ chồng tôi về nhà vợ ở do lúc đó nhà tôi còn cả cha lẫn mẹ, trong khi nhà gái hoàn cảnh khó khăn hơn, chỉ còn một mình mẹ nên về ở trước để phụng dưỡng" - già Đinh H'Nhep kể. Sau 52 năm chung sống, hai vợ chồng già Đinh H'Nhep có với nhau 7 người con. Cuộc sống vô cùng hạnh phúc.

Một phần không thể thiếu trong đám cưới của người Ba Na là những người làm mai. Trong ngày cưới, người làm mai sẽ được hai gia đình tặng thưởng cho 1 con gà, 1 ghè rượu. Sau lễ cưới, họ còn được tặng thêm 4 con gà, một con heo vì đã giúp se duyên cho đôi vợ chồng mới.

Ngủ chung trước đám cưới sẽ bị phạt

Theo ông Đinh Grer, ngày xưa, nếu nam nữ người Ba Na yêu nhau mà bị phát hiện ngủ chung với nhau trước khi tổ chức đám cưới thì sẽ bị làng xử phạt rất nghiêm khắc. Nếu trong làng bị mất mùa, dịch bệnh thì những đôi ngủ với nhau trước đám cưới sẽ bị cho là nguồn cơn gây ra vụ việc. Ngoài bị phạt heo theo yêu cầu, nếu có tổ chức đám cưới họ cũng sẽ không được thực hiện một số nghi lễ theo truyền thống. Trong đó có nghi lễ "giũa đác" như đã nói ở trên.

Hoàng Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dam-cuoi-truyen-thong-cua-nguoi-ba-na-co-gi-hap-dan-196241128101540714.htm