Đậm đà chè chốt Hà Giang

BHG - Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, một người lính Hải quân cả đời quân ngũ mải mê cống hiến cho biển, đảo Trường Sa. Tận cuối những ngày quân ngũ, anh đã dành thời gian lên vùng đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc. Ước nguyện đau đáu của người lính biển rằng, Hà Giang là điểm đầu cực Bắc, còn Trường Sa là điểm đầu cực Đông. Cả hai miền biên ải chất chứa hồn thiêng, khí phách núi sông quật cường, đến được với những miền đất ấy là hạnh phúc.

Sau khi thắp những nén hương tri ân tại Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ trên điểm cao 468, thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, giọng anh nghèn nghẹn, đôi mắt như đón trọn những gì tôi kể thêm với anh về những điểm cao nơi này, về nguồn gốc của thương hiệu “Chè Chốt”! Chè Chốt bây giờ là một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng của Hà Giang, đem lại giá trị kinh tế cho người dân, bắt nguồn bởi giống chè hoang dại từ ngàn năm trước mọc trên suốt dải núi đất, núi đá, cả trên dải Tây Côn Lĩnh. Núi cao, khí hậu khắc nghiệt, đất ít, đá nhiều nhào nặn nên những vạt chè cổ thụ xù xì, to gốc nhưng thấp cây. Những búp chè chống chọi với sương gió thu đông và nắng ẩm xuân hè tạo nên hương vị đặc trưng riêng có. Vị chè chốt, mỗi người có những cảm nhận khác nhau. Đó là vị ngọt sâu, thanh khiết, thơm thoảng. Đó là vị chát nhè nhẹ, sảng khoái. Đó là vị đậm đà, thơm sâu, nhớ lâu… Riêng tôi, cảm nhận rõ nhất đọng lại là vị đậm đà, thanh khiết khó quên. Phải chăng có sợi vô hình khi chỉ riêng vị trí quanh đài hương, hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh anh dũng…

Người dân xã Cao Bồ (Vị Xuyên) chế biến chè. Ảnh: PV

Người dân xã Cao Bồ (Vị Xuyên) chế biến chè. Ảnh: PV

Nửa phần chè là vậy, thế còn chốt? Chè cổ thụ (hay còn gọi là Shan tuyết- tuyết trên núi - bởi có lớp lông mao trắng muốt trên búp chè non) mang tên gọi “Chè Chốt” từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới mấy chục năm trước. Bộ đội ta chốt trên các điểm cao, kiên cường bám trụ, bảo vệ, giữ từng mỏm đá. Bom đạn cày xới, có những nơi đạn pháo nung đá tai mèo chảy thành “lò vôi thế kỷ”, nhưng những cây chè bị đạn pháo phạt đứt ngang thân vẫn đâm chồi, nảy lộc. Trong cuộc chiến bảo vệ gìn giữ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, thiếu thốn đủ thứ, gian khổ và quyết liệt, nhưng tinh thần của bộ đội ta thì kiên định trước sau “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”, luôn lạc quan để sống. Những lúc ngừng bom đạn, các chiến sỹ đã hái những búp chè còn đọng hơi sương, có phủ một lớp lông tơ mịn, trắng như tuyết rồi dùng nồi, thậm trí cả vung nồi… để sao chè. Có ấm chè, pha với nước chảy trong lòng núi đun sôi, giữa khoảng lặng của sự sống và hy sinh, làm cho tình cảm đoàn kết, trên dưới một lòng, thì cái sự “thưởng trà” ấy sự thanh tao cũng đâu có sánh được?

Tôi chợt nhớ một status hay về trà gần đúng trong hoàn cảnh này “Nhân sinh tựa trà, cuộc sống tựa nước. Nước có thể biến trà từ đắng thành ngọt, nhân sinh không trải qua bể khổ làm sao có thể hưởng ngọt ngào?” Những năm tháng đó, anh em còn ví von, bộ đội chốt thừa chè, lại không thiếu “kẹo lạc” (thanh bê tông 1 máng, 2 máng làm hầm) và “chả chìa” (thanh bê tông hình cánh cung). “Kẹo” và “chả” thì mang lên chốt, còn chè thì từ chốt mang xuống, đựng trong ống nứa, ống vầu, trong catut đạn, để làm quà cho hậu phương… và cái tên “Chè Chốt” cũng bắt nguồn từ đó. Ai đã được thưởng thức ấm trà trên chốt tiền tiêu, hẳn sẽ không dễ gì quên được hương vị của nó. Chẳng thế mà có nhiều cựu chiến binh khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, sau bao năm trở về quê nhà sinh sống, chỉ mong trở lại Vị Xuyên để thưởng thức chén trà chốt.

Người dân xã Lao Chải hái chè Shan tuyết

Người dân xã Lao Chải hái chè Shan tuyết

Xuất xứ của “Chè Chốt” là như vậy! Với mong muốn bảo tồn giống chè quý và phát huy giá trị vùng nguyên liệu chè khắp các huyện miền biên ải, tỉnh Hà Giang cũng như các huyện, các xã vùng trồng chè đã và đang có nhiều chương trình, kế hoạch để đưa sản phẩm OCOP này thành 3 sao, 5 sao… Năm 2017, anh Lý Thế Dân, dân tộc Tày, là một trong những người quê gốc đầu tiên ở bản Nà Toong, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên đã thành lập hợp tác xã để sản xuất thương hiệu “Chè Chốt 468”, với vùng nguyên liệu 150 ha tại 4 thôn Nà Toong, Cốc Nghè, Nặm Ngặt, Lùng Đoóc, ngay chân điểm cao năm xưa - Đài hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên ngày nay. Người kỹ sư nông nghiệp ấy đã cũng các đồng chí lãnh đạo, các doanh nhân và những người nông dân bản địa đã nhân lên đặc phẩm chè.

Đồng chí Trương Văn Thắng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh tự hào chia sẻ với chúng tôi rằng: “Giờ đây, du khách trong và ngoài nước đến với Hà Giang, không chỉ được chiêm ngưỡng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, khung cảnh hùng vĩ của cao nguyên đá, với Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, với những đỉnh Mã Pì Lèng, dòng Nho Quế, hẻm Tu Sản, phố cổ Đồng Văn, Dinh thự nhà Vương… Thưởng thức những món ăn đặc sắc như mèn mén, thắng cố… mà có thể mang về xuôi những gói chè - những ấm chè không chỉ có riêng vị trà - cái nét riêng hương vị được chắt lọc từ tinh túy đất trời và tình người nơi biên ải …”.

Ngô Thu (Báo Quân đội Nhân dân)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/tin-moi/202501/dam-da-che-chot-ha-giang-60a0a5e/