Đậm đà hương vị Tết quê
Đối với người Việt ai chẳng có một miền quê nơi sinh ra lớn lên trưởng thành và đi xa; miền quê thuần Việt ấy gắn với đồng quê, bến nước, sân đình. Đó là cái nôi của những làn điệu dân ca mang dấu ấn bản sắc văn hóa từng vùng, miền. 'Tết quê' cũng đồng nghĩa nơi chốn ta đi về để được thưởng thức hương vị của những món ẩm thực ba miền có cái bùi, cái ngọt, có cái thương, cái nhớ, có bao sắc màu của hoa, của quả. Hương vị Tết quê cũng như những 'đặc sản tâm hồn' của ca dao, dân ca, tất cả làm nên hồn cốt, làm nên gia phong, chưng cất bao tinh hoa tinh túy từ ngàn năm truyền lại. 'Tết quê' như một 'căn cước văn hóa' để từ đó ta nhận ra chân dung gương mặt và sâu thẳm tâm hồn của những con người - chủ nhân của các miền quê yêu thương đó.
Trong tâm thức người Việt Nam “về quê ăn Tết” hay “ăn Tết ở quê” luôn là niềm háo hức chờ đợi. Đó cũng là khoảng thời gian thích hợp nhất gặp mặt sum vầy. Người đi xa hớn hở với có lời hứa tới người trong gia đình, dòng tộc, bạn bè hàng xóm là năm nay mình về quê ăn Tết. Và người ở quê trong lòng lại rộn lên niềm vui đợi chờ những ngày xuân ấm áp hội ngộ. “Tết quê” là Tết đoàn viên là Tết chia sẻ khi mọi người cùng ngồi bên nhau bên mâm cỗ tết với những món ăn, thức uống chắt lọc từ đất quê, mang đậm đà vị quê cùng vọng nhớ tổ tiên nguồn cội. Về quê ăn Tết mang theo cả Tết về quê đó là những cành đào Nhật Tân mới bung nở, những gói mứt đặc sản của phố cổ Hà Nội; rồi tranh Đông Hồ mang những nét vẽ dân gian thật giản dị hồn nhiên mà vô cùng sinh động. Mang Tết về quê không chỉ là những món quà thuần túy vật chất mà mang cả bao câu chuyện vui, bao không khí đổi thay có sức lan tỏa kết nối cộng đồng; mang cả hồn Tổ quốc, hồn nước non với bao phong vị, bao chân tình để Tết quê phong phú hơn, nhiều sắc màu hơn cả trong lời chào câu hỏi, cả trong phong thái xã giao; cả trong cốt cách phong lưu tươi trẻ và đằm thắm, phóng khoáng và cởi mở; hài hòa và độc đáo. “Tết quê” nơi hội tụ những cốt lõi tinh thần văn hóa, tình nghĩa đồng bào thủy chung.
Có lẻ ấn tượng sâu sắc nhất Tết quê chính là không khí chuẩn bị tết sẽ được bắt đầu từ 23 tháng chạp ngày ông Công, ông Táo về trời. Chiều 30 Tết, khi công việc đã chuẩn bị gần xong mọi người mới kéo nhau ra đồng, lên nghĩa địa để mời “các cụ về ăn Tết”. Thật ra đây cũng là dịp cho con cháu, nhất là những người xa quê thăm viếng và nhớ phần mộ tổ tiên, ông bà cha mẹ. Thủ tục cũng đơn giản, dọn dẹp phần mộ gọn gàng sạch sẽ. Làn hương trầm cuối năm của chiều 30 Tết trên các nấm mồ làm cho không khí Tết quê thêm ấm áp. Thường, người đi thắp hương, ngoài thắp phần mộ người thân còn thắp cho các ngôi mộ xung quanh. Tôi lại chợt nhơ đến bài thơ “Viếng mộ liệt sĩ chiều 30 Tết” của nhà thơ Nguyễn Thái Sơn thật cảm động và ân tình biết bao: “Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội - Nhang trầm một thẻ, biết làm sao… - Thắp lên, đành cắm nơi đầu gió - Hương khói đừng quên nấm mộ nào”. Tết quê, đi hái lộc xuân. Nhà thơ trẻ Vũ Dạ Phương cũng đã có tứ thơ rất hay thắp lên niềm hy vọng với những tình cảm lớn lao hướng thiện: “Mùa xuân muốn hái lộc xuân - Hoa thơm tặng bạn nụ mầm tặng anh - Đưa tay định ngắt mấy lần - Thấy xuân mơn mởn trong ngần lại thôi”. Đó là sự hướng về thiên nhiên, giao cảm với thiên nhiên đưa lại cái đẹp cho mọi người.
Ngày Tết ta nói “ăn Tết” nghĩa là bao hàm cả chơi Tết, mặc Tết. Trong đó “chơi Tết” vẫn là mục đích chính yếu hơn... Ăn Tết ở quê là mong muốn của bao người con xa quê để được đi chơi Tết ở làng quê bởi ở đó có không khí của hội hè thôn mạc của bao ký ức gắn bó tuổi thơ một đời người. Mà tuổi thơ thì nhớ lâu lắm, nhớ rất cụ thể, rất chi tiết. Và cũng chỉ có tuổi thơ mới lưu giữ được lâu thế. Về quê vừa được sống lại với ký ức của tuổi thơ, vừa được chiêm nghiệm lại những kinh nghiệm sống đã trải qua. Quê chính là hồn vía, hồn cốt của thơ - phần tinh túy nhất của tâm hồn con người...
Về quê ăn Tết là ta về với cội nguồn. Cái nguồn cội sâu xa có gì mà thăm thẳm vậy. Hình như trong mỗi con người thuần Việt ai cũng có chút ít chất ruộng, chất đồng, chất quê, chất kiểng. Dù ai có sinh ra, sống ở thị thành thì vẫn ăn hạt gạo quê, nghe giọng dân ca các miền quê. Quê không chỉ là miền quê là cái chất quê quê thuần phác mà quê ở ngay trong giọng nói, ứng xử của dân miền lúa nước. Nhiều lúc tôi cứ bần thần khi nhẩm tính ở nước non mình mềm như dải lụa đào uyển chuyển lại có bao nhiêu xứ: Xứ Quảng, Xứ Huế, Xứ Nghệ, Xứ Thanh, Xứ Bắc, Xứ Đoài... Đôi lúc ta thành người xa xứ nhưng không thể xa quê. Tiếng quê, giọng quê, món ăn quê, người quê và cả Tết quê. Tết quê có gì thật riêng, thật đậm, thật mộc. Mộc trong cả món ăn ẩm thực. Cũng món thịt lợn thôi, nhưng chiều 30 Tết ta thèm nghe tiếng lợn kêu, được góp vài ba nhà “đụng” một con lợn hơi. Được chia đều từ lòng, thủ, thịt vai, thịt chân giò... Còn nóng hôi hổi, còn bốc khói đã bắt mắt, đã nằng nặng tay, đã xuýt xoa ơi ới, tay dao, tay thớt, nghe thật vui, thật ồn ã, náo động cả góc làng, góc xóm hồ hởi mà tươi trẻ lại. Trẻ thì được thêm cái bong bóng, già thì dành cho quả tim tươi đỏ. Chứ không lạnh ngắt, tái tê, bèo nhèo, thổng thượt như các phản thịt bán ngoài chợ. Rồi gạo nếp từ tay mẹ làm ra, xay, giã, dần sàng, còn mùi đồng, mùi ruộng vốc lên đã thấy thơm, thấy bùi. Lá dong cũng hái ở ngoài vườn thêm những nắm đỗ đồ lên thật dẻo với nút lạt giang đã thành bánh chưng lại lục bục đun sôi, lại bập bùng ánh lửa đêm 30 Tết mà thành cổ trời tròn, đất vuông dâng lên tổ tiên ông bà trong mùi hương trầm thơm ngát. Hoa Tết ở quê cũng là hoa tươi, hoa thật. Hoa vừa mới hái trong vườn, cuống còn ứa nhựa. Hoa cũng mộc như lời mời của người bán hoa là nụ cười tươi tắn, rạng rỡ của cô thôn nữ, má cũng ửng hồng như hoa. Em bán hoa để mua thêm cái áo hoa điểm tô thêm vẻ đẹp của ngày Tết. Ta mua hoa hay mua cả hương vị của quê của sự thuần phác ân tình khó mà phai, khó mà rụng.
Về quê ăn Tết ta được sống lại với cái tuổi ngày xưa được “lì xì” những phong bao đỏ. Chút quà nhỏ mà đưa lại bao hứng khởi may mắn. Cho và nhận, âu đó cũng là tấm lòng thơm thảo để được sẻ chia để được giao hòa trong một cộng đồng bao dung và hướng thiện... Về quê ăn Tết ta được trở lại chính mình. Tết là thời gian được nghỉ ngơi phù hợp với lịch thời vụ gieo trồng trong năm. Đây cũng là thời kỳ thiên nhiên đâm chồi, nảy lộc. Con người được hòa mình vào thiên nhiên, tắm trong tươi tốt của hội hè đình đám. Tết như cái gạch nối bắc cầu giữa hai năm cũ và mới, hồi sinh và phục thiện. Về quê để được ăn Tết ở quê cũng chính là để ra đi mở đầu một năm mới từ một bệ phóng cội nguồn tâm linh thăm thẳm...
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202301/dam-da-huong-vi-tet-que-3151936/