Đâm hông hay tấn công trực diện máy bay: Cách đánh nào nguy hiểm nhất?
Mặc dù khái niệm 'đâm hông' thường có liên quan đến lĩnh vực hàng không, nhưng nó đã ra đời từ hàng thế kỷ trước, khi con người chỉ được bay trong những giấc mơ và câu chuyện thần thoại.
Tàu biển chính là phương tiện đầu tiên được con người áp dụng phương thức đâm hông (húc vào hai bên mạn tàu), bởi trong thế giới cổ đại thì đây là cách đánh phổ biến nhất. Vào thời kỳ sơ khai của ngành hàng không, chiến thuật này được sử dụng để tiêu diệt máy bay đối phương, vì lúc đó máy bay không có vũ khí để không chiến.
Có thể sống sót khi đâm hông?
Trong bất kỳ lực lượng quân đội nào, việc áp dụng cách đánh đâm hông máy bay luôn được tán dương bằng những phần thưởng cao quý. Nhiều phi công Xô viết sử dụng kỹ thuật này cũng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Có nhiều ý kiến cho rằng, những phi công lao vào máy bay địch chắc chắn sẽ chết.
Đâm hông máy bay thực sự là cách đánh rất mạo hiểm, nhưng không có nghĩa là phi công chắc chắn sẽ tử vong. Sai lầm là do họ nhầm lẫn giữa hai cách thức không chiến, đó là đâm hông và tấn công trực diện.
Khó có thể phân định rõ ràng giữa hai cách đánh này. Tấn công trực diện có nghĩa là hai máy bay lao thẳng vào nhau. Trong một vụ va chạm như vậy, về mặt lý thuyết là không thể sống sót, nhưng cũng không nên nghĩ tấn công trực diện là tự sát. Đây là thử thách về thần kinh và ai thực hiện cách đánh này sẽ khiến kẻ thù sợ hãi.
Trong khi đó, người tránh né chắc chắn sẽ chịu thua, vì sau khi đổi hướng lên trên thì máy bay sẽ hứng chịu hỏa lực pháo và súng máy của đối phương. Trong khi theo quy luật, nếu hướng xuống dưới thì máy bay sẽ bị mất kiểm soát. Vì vậy, các phi công tiêm kích dày dặn kinh nghiệm thường lao vào trực diện không phải để va chạm, mà là để dùng cánh tấn công máy bay địch.
Với cách đánh đâm hông, thì cũng như tấn công trực diện, nhưng nó thường là tiếp cận máy bay địch từ phía sau. Phi công quân sự huyền thoại người Nga Pyotr Nesterov đã thực hiện cú đâm hông đầu tiên, khi tấn công từ trên cao bằng càng máy bay mình vào tầng cánh trên của máy bay địch. Tuy nhiên, máy bay của anh lại đâm thẳng vào thân máy bay đối phương, khiến anh thiệt mạng. Cú đâm hông thứ hai là do phi công Alexander Kazakov thực hiện, người đã áp dụng cách thức tương tự và sau đó hạ cánh máy bay an toàn.
Trong thời kỳ mà phần lớn máy bay đều có dạng hai tầng cánh với càng hạ cánh không thể thu vào và tốc độ thấp, thì cách đánh này được sử dụng phổ biến và hầu hết đều khiến phi công tử nạn.
Có một chiến thuật khác được sử dụng rộng rãi ngay từ Thế chiến II, đó là cách tiếp cận đối phương từ phía sau và cắt đứt phần đuôi máy bay địch bằng cánh quạt máy bay của mình. Khi đó, máy bay địch nếu không rơi ngay thì cũng không có cơ hội để hạ cánh an toàn. Trong trường hợp xấu nhất, máy bay mình bị mất cánh quạt thì vẫn có thể hạ được cánh. Trường hợp cuối cùng thì phi công vẫn còn thời gian để nhảy dù ra ngoài. Ngoài ra, đôi khi người ta còn thực hiện đòn tấn công máy bay địch bằng cánh.
Trong bất kỳ trường hợp nào thì mọi cách thức đều rất nguy hiểm, vì một sai sót nhỏ nhất cũng dẫn đến va chạm khiến cả hai máy bay bị phá hủy. Đồng thời, nếu một máy bay tiêm kích đâm vào hông một máy bay ném bom, nhất là ném bom hạng nặng, thì phi công tiêm kích có ít cơ hội sống sót hơn các thành viên phi hành đoàn máy bay ném bom. Điều này là do sự khác biệt về kích thước. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp sống sót cả khi tấn công trực diện, cả khi đâm từ phía sau hoặc từ bên cạnh.
Phần lớn các trường hợp, phi công quyết định đâm vào máy bay khi đã hết đạn, máy bay bị hư hỏng hoặc phi công bị thương nặng. Khi đó, đặc biệt là trong hai trường hợp cuối cùng, phi công còn không thể nghĩ ra được làm thế nào để sống sót.
Phi công những nước nào thực hiện đâm hông?
Trong nhiều cuốn sách thời Liên Xô, cách đánh đâm hông máy bay thường được đề cập đến qua những cụm từ như: “Không ai ngoài phi công Liên Xô dám đâm hông” hoặc “Chỉ những máy bay chiến đấu của Liên Xô mới có thể hy sinh tính mạng của mình vì Tổ quốc và thực hiện đâm hông”.
Trong phần lớn quân đội các nước, nhất là các nước châu Âu, việc sử dụng cách đánh đâm hông máy bay không được khuyến khích, mặc dù nó được tán dương bằng những phần thưởng cao quý. Người ta cho rằng, phi công nên sử dụng vũ khí tiêu chuẩn để hạ gục máy bay đối phương, trong khi việc mất đi một phi công có kinh nghiệm và phương tiện đắt tiền được coi là không hợp lý.
Mặc dù vậy, phi công quân đội của nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện cách đánh đâm hông. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, người ta thậm chí còn thành lập các đơn vị đặc biệt, coi đâm hông máy bay là phương pháp chủ yếu trong không chiến.
Đó là những phi công cảm tử trong lực lượng tấn công đặc biệt của Hải quân Nhật Bản. Lực lượng này được sử dụng để tấn công tàu biển, nhưng cũng có những đơn vị được dùng để tấn công “pháo đài bay” của Mỹ. Lần đầu tiên những phi công cảm tử Nhật Bản thực hiện một cuộc tập kích nhưng thất bại là vào tháng 10-1944.
Các “đơn vị tấn công đặc biệt” của Không quân Đức cũng đã được thành lập vào năm 1944. Thành phần các đơn vị này còn có những phạm binh, và mặc dù không bắt buộc phải đâm máy bay, nhưng họ có nhiệm vụ bắn hạ ít nhất một máy bay ném bom cho mỗi lần xuất kích.
Trong số các phi công đã thực hiện đâm hông máy bay trong Thế chiến II, còn có các phi công của Anh, Hoa Kỳ và thậm chí cả những quốc gia khác như Bulgaria và Hy Lạp.
Trong trường hợp máy bay thực hiện cách đánh đâm hông, nhất là khi phi công đã tử trận, thì rất khó để đánh giá một cách xác thực liệu đây là hành động chủ ý hay là do sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đặc biệt là những vụ “đâm hông bằng hỏa lực”, khi phi công lao máy bay bị bắn rơi xuống các mục tiêu trên mặt đất.
Sau những cú đâm như vậy thường thì không ai sống sót, và cũng không có bằng chứng cho thấy hành động đó là chủ ý. Tuy nhiên, có không ít trường hợp thành viên khác của phi hành đoàn rời máy bay và sống sót, bởi cú đâm hông chỉ do một mình phi công thực hiện.