Đam mê sáng tạo của sinh viên nghề cơ khí

Sau những giờ học lý thuyết, các kỹ sư tương lai của Trường cao đẳng Nghề Phú Yên được hướng dẫn thực hành ngay tại xưởng. Trực tiếp ứng dụng những kiến thức vừa học được vào mô hình thực tế, các bạn ngày càng nâng cao kỹ năng, tay nghề và khơi lên niềm đam mê sáng tạo.

Nguyễn Tiến Duy (trái) bên chiếc máy gọt vỏ nha đam và cắt hạt lựu. Ảnh: TRẦN QUỚI

Nguyễn Tiến Duy (trái) bên chiếc máy gọt vỏ nha đam và cắt hạt lựu. Ảnh: TRẦN QUỚI

Dù còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng nhiều sinh viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đã có thể kiếm được thu nhập từ việc học và lao động sáng tạo của mình.

Nhng chiếc máy hu ích

Với 6 chiếc máy hỗ trợ cho việc sản xuất, chế biến nông sản, hai kỹ sư thực hành tương lai Nguyễn Hữu Hữu và Nguyễn Tiến Duy (Khoa Cơ khí chế tạo, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên) giúp người dân giảm đáng kể số nhân công, đồng thời tăng hiệu suất lao động.

Hữu quê ở huyện Tuy An còn Duy ở TX Đông Hòa, hai bạn có điểm chung là đam mê sáng tạo kỹ thuật. Xuất thân từ làng quê, cả Hữu và Duy thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân khi tất cả công đoạn từ trồng trọt đến thu hoạch, chế biến đều thực hiện hoàn toàn bằng tay, rất tốn công sức mà hiệu quả không cao.

Áp dụng những kiến thức học được, Hữu và Duy sáng tạo chiếc máy đầu tiên với mong muốn sẽ giúp được cho người nông dân mà cũng là giúp chính mình trau dồi kiến thức, kỹ năng tay nghề.

Đó là chiếc máy tách vỏ và lấy tim sen. Việc tách vỏ hạt sen và lấy tim sen hoàn toàn bằng thủ công, một người làm trong 1 giờ chỉ được nửa ký hạt thành phẩm. Chiếc máy của Duy và Hữu có năng suất gấp 3 lần; chi phí đầu tư chế tạo khoảng 5 triệu đồng.

Nguyễn Tiến Duy nhớ lại: Khi máy hoàn thiện, em đem đến cho người dân dùng thử. Ban đầu, họ chưa tin vào 2 sinh viên non tay nghề. Đến khi chứng kiến máy hoạt động hiệu quả, họ hoàn toàn yên tâm và đặt hàng mua máy.

Là người đã mua 2 chiếc máy lột vỏ lấy tim sen tự động của Hữu và Duy, anh Lê Thanh Tạo (TX Đông Hòa) cho biết: “Việc bóc vỏ và chọc lấy tim sen rất mất thời gian, nhọc công mà năng suất không cao. Khi dùng máy, chỉ cần một người vận hành, năng suất gấp 3 lần so với làm thủ công. Kiểu dáng máy nhỏ gọn, giá thành phù hợp với túi tiền người nông dân”.

Thành công với chiếc máy bóc vỏ và lấy tim sen, đôi bạn Hữu - Duy và những người bạn cùng Khoa Cơ khí chế tạo tiếp tục làm ra nhiều chiếc máy hữu ích khác như: Máy gọt vỏ và cắt nha đam, máy rang cà phê bán tự động, khoan taro ren ốc vít tự động, thiết bị lặn lấy rác dưới biển…

Ghế đin tng bnh nhân chy thn

Trong những lần Đoàn thanh niên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên tổ chức ngày cuối tuần tình nguyện đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để sửa chữa giường nằm và các thiết bị hỗ trợ bệnh nhân, đôi bạn Nguyễn Tiến Duy và Võ Đăng Tùng có ý tưởng chế tạo một chiếc ghế tự động cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Tiến Duy kể: “Mỗi phòng có gần chục bệnh nhân chạy thận, họ nằm hoặc ngồi một chỗ rất khó khăn, đau lưng, tê chân, sưng tấy vì phải liên tục điều trị từ 3-6 giờ/ngày. Thấy thương lắm, nên tụi em muốn làm một chiếc ghế tự động, đa năng giúp bệnh nhân thoải mái hơn”.

Ý tưởng nhân văn đó được giảng viên Khoa Cơ khí chế tạo Nguyễn Tấn Tùng ủng hộ và nhiệt tình hướng dẫn. Vừa học, vừa tranh thủ xuống xưởng thực hành, mỗi ngày, hai kỹ sư tương lai này dành khoảng 6-8 giờ để lắp ghép, thử mạch điện và điều chỉnh ghế. Không đạt phải làm đi thử lại, sau 3 tháng thì ghế điện thông minh hỗ trợ bệnh nhân chạy thận cũng hoàn thiện và chạy tốt.

“Sản phẩm được thiết kế theo kiểu ghế hớt tóc có thể tự động di chuyển, thay đổi từ dạng xe lăn sang giường nằm và tự động điều chỉnh độ nghiêng sao cho thoải mái nhất với người dùng”, đồng tác giả Võ Đăng Tùng chia sẻ.

Theo cử nhân vật lý trị liệu (Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên) Lê Phạm Bá Khánh, chiếc ghế có chức năng thay đổi từ ghế ngồi sang nằm, kết hợp 4 bánh xe giúp di chuyển dễ dàng khi sử dụng. Trên thị trường cũng có những sản phẩm hiện đại hơn, nhưng giá thành cao, trong khi ghế của hai sinh viên sử dụng khá đơn giản, lại an toàn. Tuy nhiên, chiếc ghế thông minh này cần tinh chỉnh để có thêm những chức năng đa dạng đem lại sự thoải mái hơn cho bệnh nhân.

Nguyễn Tiến Duy chia sẻ: “Để làm nên chiếc ghế tự động này, tụi em phải nhiều lần ra vào bệnh viện ghi chép nhận xét và phản hồi từ bệnh nhân, bác sĩ để cố gắng hoàn thiện. Chúng em mong muốn sản phẩm được tối ưu nhất để hỗ trợ bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân chạy thận hầu hết đều rất khó khăn về kinh tế, vậy nên để có kinh phí làm nhiều chiếc ghế này rất cần sự hỗ trợ của các mạnh thường quân”.

Duy, Tùng, Hữu và nhiều bạn nữa rất chịu khó, đam mê sáng tạo với nghề mình học, làm ra nhiều loại máy móc hữu ích. Các đề tài sáng tạo, nghiên cứu của các em cũng rất chất lượng và có tính ứng dụng cao. Nhiều lúc các em học xong là ở lại xưởng cắm cúi thực hành, quên cả giờ giấc. Tôi đặt niềm tin vào thành công của các em sau này với nghề mình lựa chọn.

Kỹ sư Nguyễn Tấn Tùng, giảng viên Khoa Cơ khí chế tạo

(Trường cao đẳng Nghề Phú Yên)

TRN QUI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/311759/dam-me-sang-tao-cua-sinh-vien-nghe-co-khi.html