Đàm phán hòa bình bế tắc, lính đánh thuê Wagner đổ bộ xuống Niger
Cuộc đàm phán hòa bình tại Niger đang bế tắc, sau khi khối Tây Phi đã bác bỏ kế hoạch chuyển tiếp quyền lực sau 3 năm của chính quyền quân sự Niger. Căng thẳng leo thang khi nhóm lính đánh thuê được cho rằng đã đổ bộ xuống Niger để hỗ trợ nhóm đảo chính.
Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Abdel-Fatau Musa đã đưa ra thông báo từ chối đề xuất nói trên của chính quyền quân sự Niger trong bài phát biểu trước truyền thông vào Chủ nhật.
Đàm phán hòa bình "rất ít kết quả"
Trước đó, Tướng Abdourahamane Tchiani, lãnh đạo của chính quyền Niger, đã nói trong một chương trình truyền hình vào tối thứ Bảy rằng quân đội sẽ bàn giao quyền lực cho chính phủ dân sự trong vòng 3 năm tới.
Nhưng trong cuộc phỏng vấn, Abdel-Fatau Musa nói rằng đề xuất của tướng Tchiani chỉ là "đòn tung hỏa mù". Trước đó vào thứ Bảy, một phái đoàn cấp cao ECOWAS đã tới Niger trong một nỗ lực ngoại giao cuối cùng nhằm đạt được một giải pháp hòa bình với chính quyền Niger.
Phái đoàn đã gặp Thủ tướng Ali Lamine Zeine, người đã đón họ tại sân bay và dẫn họ đến Dinh Tổng thống. Sau đó, họ đã gặp Tổng thống bị lật đổ của Niger, Mohamed Bazoum, trước khi gặp Tướng Tchiani.
Tuy nhiên các nguồn tin cho biết cuộc đàm phán đang bế tắc. Một nguồn tin cấp cao từ phái đoàn ECOWAS đã nói với hãng tin AP rằng cuộc thảo luận kéo dài khoảng 2 giờ nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình mang lại rất ít kết quả và không có sự rõ ràng về các bước tiếp theo.
Cuộc họp hôm thứ Bảy là một nỗ lực ngoại giao cuối cùng của ECOWAS nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình. Nó diễn ra ngay sau thông báo rằng 11 trong số 15 quốc gia thành viên khối Tây Phi này đã thống nhất và định sẵn ngày can thiệp quân sự, nếu Tổng thống Bazoum không được trả tự do và phục chức.
Lính đánh thuê Wagner có mặt
Trong khi đó, một động thái đáng lo ngại đã diễn ra khi nhóm lính đánh thuê Wagner đã hạ cánh xuống Thủ đô Niamey của Niger trên một chiếc máy bay. Công ty quân sự tư nhân này vốn có sự hiện diện ở nhiều vùng chiến sự khác nhau trên thế giới, như Ukraine, Syria, Sudan, Libya, CH Trung Phi, Mozambique, CHDC Congo và đặc biệt ở Mali - một đồng minh của chính quyền quân sự Niger.
Thủ lĩnh nhóm Wagner, Yevgeny Prigozhin, trước đây từng tuyên bố rằng ông ủng hộ cuộc đảo chính ở Niger và hứa sẽ đến bảo vệ đất nước này trước sự can thiệp quân sự của nước ngoài. Sau đó, nhóm này cũng nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đưa quân sang Niger để hỗ trợ nhóm đảo chính.
Chính quyền quân sự Niger cũng đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân trong nước. Hàng nghìn người đã biểu tình tại Thủ đô Niger vào Chủ nhật (20/8) để ủng hộ chính quyền quân sự.
Những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu thù địch với cường quốc thuộc địa cũ là Pháp và ECOWAS. Các nhà lãnh đạo quân sự mới của Sahel đã chính thức cấm biểu tình nhưng trên thực tế, những người ủng hộ cuộc đảo chính vẫn được phép.
Những người biểu tình vẫy những tấm bảng có nội dung "Ngừng can thiệp quân sự" và "Không áp dụng các biện pháp trừng phạt", ám chỉ việc cắt giảm viện trợ tài chính và hạn chế thương mại do ECOWAS áp đặt kể từ cuộc đảo chính ngày 26 tháng 7.
Chính quyền quân sự Niger cũng đang tiến hành các cuộc tuyển quân nhằm sẵn sàng chống lại các lực lượng can thiệp quân sự từ ECOWAS. Hàng nghìn tình nguyện viên đã tập trung tại trung tâm Niamey vào cuối tuần vừa rồi để đáp lại lời kêu gọi đăng ký tuyển binh của nhóm đảo chính.
Hoàng Anh (theo AP, AFP, Allmedia24)