Đàm phán không đột phá, chiến sự tiếp tục ở Kyiv, Kharkiv
Một đoàn xe quân sự lớn của Nga đang áp sát ngoại ô thủ đô Kyiv trong khi cuộc đàm phán ngày 28/2 không mang lại đột phá.
Đàm phán không có đột phá và hai phái đoàn trở về thủ đô "để tham vấn".
Nga tăng cường tấn công. Tổng thống Putin ra lệnh đặt lực lượng hạt nhân vào trạng thái "cảnh giác cao độ".
Ukraine xin gia nhập EU khẩn cấp.
Hơn 500.000 người đã chạy trốn khỏi Ukraine, Liên Hợp Quốc cho biết.
Hôm 28/2, các lực lượng Nga đã pháo kích vào thành phố Kharkiv - thành phố lớn thứ hai của Ukraine, làm rung chuyển một khu dân cư. Đồng thời, một đoàn xe dài khoảng 27 km gồm hàng trăm xe tăng và các phương tiện khác của Nga tiếp tục tiến gần thủ đô Kyiv.
Trong khi đó, tại cuộc đàm phán nhằm ngăn chặn giao tranh ở Belarus, hai bên chỉ đạt được thỏa thuận tiếp tục trao đổi.
Cùng ngày, Điện Kremlin thông báo rằng tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm và máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang hạt nhân đều đã được đặt trong tình trạng báo động cao, theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin.
Ukraine kêu gọi thiết lập vùng cấm bay
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 28/2 kêu gọi phương Tây xem xét thiết lập vùng cấm bay đối với máy bay Nga trên lãnh thổ Ukraine, sau khi Moscow bắn phá Kharkiv - thành phố lớn thứ hai của nước này, theo Reuters.
“Các cuộc đàm phán công bằng có thể diễn ra khi một bên không tấn công bên kia bằng pháo tên lửa ngay tại thời điểm đàm phán”, Tổng thống Zelenskiy nói, không nêu rõ ông muốn thiết lập vùng cấm bay như thế nào, hay ông muốn những nước nào tham gia.
Việc thiết lập vùng cấm bay có thể đòi hỏi NATO triển khai máy bay đến không phận Ukraine để ngăn chặn Nga sử dụng không quân tấn công. Nhà Trắng sau đó đã từ chối yêu cầu này vì việc thiết lập vùng cấm bay có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh với Nga.
Ukraine công bố tin nhắn được cho là của lính đặc công Nga ở Ukraine với mẹ
Đại sứ Ukraine ngày 28/2 tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya đã đọc to tin nhắn văn bản giữa một lính đặc công Nga ở Ukraine và mẹ trước khi anh bị giết.
Khi người mẹ hỏi con trai rằng liệu anh ta có còn ở Crimea để tập trận hay không, anh nói: “Mẹ, con đang ở Ukraine. Có một cuộc chiến tranh thực sự đang diễn ra ở đây. Con sợ”.
Thị trưởng Kharkiv: 9 dân thường thiệt mạng vì tên lửa của Nga
Thị trưởng Ihor Terekhov cho biết ít nhất 9 dân thường đã thiệt mạng do các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga hôm 28/2 tại thành phố Kharkiv của Ukraine. Trong số những người thiệt mạng có 3 trẻ em, CNN dẫn lời thị trưởng.
"Hôm nay chúng tôi đã trải qua một ngày rất khó khăn", ông nói trên tài khoản Telegram.
Mỹ vẫn cam kết không đưa quân đến Ukraine
"Tổng thống Joe Biden đã nói rất rõ ràng rằng ông ấy không có ý định gửi quân đội Mỹ tham chiến với Nga”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết vào chiều 28/2.
Bà nói rằng nếu Mỹ triển khai quân đội vào Ukraine, “đó sẽ là một cuộc xung đột trực tiếp và có khả năng xảy ra chiến tranh với Nga, đó là điều mà chúng tôi không muốn vướng vào", bà nói.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield lặp lại khẳng định của bà Psaki và nói: "Chúng tôi sẽ không đặt lính Mỹ vào tình thế nguy hiểm. Điều đó có nghĩa là chúng tôi cũng sẽ không đưa lính Mỹ vào cuộc, nhưng chúng tôi sẽ làm việc với người Ukraine để cung cấp cho họ khả năng tự vệ”.
Hàng trăm dân thường thiệt mạng
Các nhà chức trách Kharkiv (Ukraine) cho biết ít nhất 7 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Họ cảnh báo rằng thương vong thực tế có thể cao hơn nhiều.
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết tính đến ngày 28/2 ít nhất 102 thường dân đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Tổng thống Ukraine cho biết trong số những người thiệt mạng có ít nhất 16 trẻ em, theo AP.
Tuy nhiên, quân đội Nga đã phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào các khu dân cư.
Một quan chức Liên Hợp Quốc cho biết hơn nửa triệu người đã tháo chạy khỏi Ukraine kể từ khi cuộc chiến nổ ra, nhiều người trong số họ đến Ba Lan, Romania và Hungary.
Mỹ trục xuất 12 nhà ngoại giao Nga ở Liên Hợp Quốc
Mỹ đã yêu cầu 12 nhà ngoại giao của Nga ở Liên Hợp Quốc rời khỏi Mỹ với cáo buộc họ có "hoạt động gián điệp” khi Nga tiếp tục tấn công Ukraine, theo CNN.
Đại sứ Richard Mills, phó đại diện Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nói trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an chiều 28/2 rằng các nhà ngoại giao Nga bị yêu cầu rời đi do họ tham gia vào "các hoạt động không phù hợp với trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà ngoại giao".
Đáp lại lời của ông Richard Mills, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia nói lời giải thích của Mills về việc trục xuất là "không thỏa đáng”.
Người phát ngôn của ông Putin bị đưa vào danh sách trừng phạt của EU
EU đã thêm hai người vào danh sách cá nhân bị trừng phạt, là người phát ngôn của ông Putin, ông Dmitry Peskov và CEO của hãng dầu khí Rosneft, ông Igor Sechin.