Đàm phán Nga - Ukraine khó đem lại đột phá
Sức ép từ các lệnh trừng phạt cộng với thực tế chiến trường có thể sẽ khiến Nga phải thay đổi chiến thuật
Phái đoàn đàm phán Nga và Ukraine hôm 28-2 gặp nhau tại biên giới Belarus trong bối cảnh thương vong trong cuộc xung đột tại Ukraine tiếp tục tăng và căng thẳng giữa Nga và NATO leo thang nguy hiểm.
Mong manh lệnh ngừng bắn
Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 28-2 nhấn mạnh: "Các vấn đề quan trọng của đàm phán là ngừng bắn ngay lập tức và Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine".
Phái đoàn đàm phán của Ukraine gồm Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov và các quan chức chủ chốt khác, như cố vấn thân cận của tổng thống và thứ trưởng ngoại giao, trong khi ông Zelensky không tham dự.
Phía Điện Kremlin trước cuộc gặp cho rằng Nga sẵn sàng đối thoại với điều kiện Ukraine "phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa", đồng thời kỳ vọng Ukraine hạ vũ khí. Cuộc đàm phán diễn ra ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh lực lượng răn đe chiến lược, bao gồm các đơn vị hạt nhân, kích hoạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu mức cao nhất.
Bà Oksana Antonenko, Giám đốc phân tích rủi ro toàn cầu tại Công ty Tư vấn Control Risks (Anh), hôm 28-2 cho rằng đàm phán khó dẫn đến thỏa thuận ngừng bắn sớm, bởi theo bà, rút lực lượng khỏi lãnh thổ Ukraine không phải là điều Tổng thống Putin chấp nhận lúc này.
Thêm một diễn biến khiến thỏa thuận ngừng bắn càng mong manh. Theo tờ Washington Post, một quan chức Mỹ tiết lộ Belarus đang chuẩn bị điều động binh sĩ tới Ukraine để hỗ trợ Nga. Theo Lầu Năm Góc, Nga đã đối mặt với hàng rào phòng thủ mạnh mẽ ở thủ đô Kiev ngoài dự tính trong khi chính phủ Anh cho hay các lực lượng Nga hiện cách thủ đô Kiev khoảng 30 km về phía Bắc.
Chứng kiến xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) gồm 193 quốc gia và Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 thành viên đã tổ chức các cuộc họp riêng trong ngày 28-2.
Theo hãng tin AP, tất cả thành viên Đại hội đồng bỏ phiếu về một nghị quyết mà Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho rằng sẽ buộc Nga chịu trách nhiệm về những hành động "không thể biện hộ và vi phạm Hiến chương LHQ".
Cùng ngày, Hội đồng Bảo an họp bàn về tác động nhân đạo của cuộc tấn công, nhằm tìm cách bảo đảm viện trợ cho người dân ở Ukraine. Hai cuộc họp diễn ra sau khi Nga hôm 25-2 phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an yêu cầu Moscow ngừng ngay cuộc tấn công vào Ukraine và rút quân.
Nga đối mặt sức ép gia tăng
Theo chuyên gia Fabrice Pothier của Công ty Rasmussen Global (trụ sở Copenhagen, Đan Mạch), chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là một cuộc đua với thời gian.
Ông Pothier giải thích rằng trái ngược với Tổng thống Putin, Tổng thống Zelensky đang nhắm đến "một cuộc chiến dài hơi", nỗ lực làm chậm bước tiến của lực lượng Nga để thu hút sự ủng hộ và thậm chí là viện trợ quân sự của cộng đồng quốc tế.
Chuyên gia an ninh Kevin Baron của trang tin Defense One hôm 28-2 cho biết các đồng minh phương Tây vẫn đang tích cực viện trợ quân sự cho Ukraine.
"Không chỉ đơn thuần là đạn. Ukraine đang được bàn giao tên lửa phòng không Stinger (tên lửa vác vai có khả năng bắn hạ trực thăng và các máy bay khác) và chiến đấu cơ từ Liên minh châu Âu" - ông Baron khẳng định. Ông nhấn mạnh với những vũ khí hiện đại như trên, hỏa lực của quân đội Ukraine đã gia tăng đáng kể.
Hơn 4 ngày kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự, lực lượng vũ trang Ukraine vẫn đang chống trả quyết liệt, khiến đối phương chưa kiểm soát được bất kỳ thành phố lớn nào trong nước - Bộ Quốc phòng Anh thông báo ngày 27-2.
Tướng Alexander Syrsky, chỉ huy lực lượng phòng vệ Kiev, sáng 28-2 (giờ địa phương) khẳng định tình hình thủ đô "vẫn đang trong tầm kiểm soát", đồng thời cho biết mọi nỗ lực đánh chiếm Kiev của các lực lượng Nga đến giờ vẫn thất bại và quân đội Ukraine khiến kẻ địch "chịu thương vong nặng nề".
Ở mặt trận chính trị và kinh tế, Moscow cũng đối mặt sức ép gia tăng. Đồng rúp Nga ngày 28-2 giảm gần 30% xuống mức thấp chưa từng thấy so với USD, không lâu sau khi phương Tây công bố một loạt biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga, bao gồm loại bỏ một số ngân hàng nước này ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Trong một động thái nhằm đối phó với rủi ro gia tăng đến từ lạm phát và đồng rúp mất giá, Ngân hàng Trung ương Nga ngày 28-2 thông báo nâng lãi suất từ 9,5% lên 20%. Bên cạnh đó, cơ quan này còn tuyên bố sẽ giải phóng 733 tỉ rúp (8,78 tỉ USD) nguồn dự trữ ở các ngân hàng địa phương để thúc đẩy thanh khoản.
Những diễn biến căng thẳng xoay quanh khủng hoảng Nga - Ukraine khiến chứng khoán châu Âu giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 28-2. Theo đài CNBC, chỉ số European Stoxx 600 toàn châu Âu có thời điểm giảm 1,7% trong khi chỉ số DAX và chỉ số FTSE giảm lần lượt 2,4% và 1,9%.
Tại Mỹ, các chỉ số chứng khoán tương lai cũng chìm trong sắc đỏ, với S&P 500 giảm 1,9%, Nasdaq 100 giảm 1,7% và Dow giảm hơn 500 điểm. Trong khi đó, chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm, với các chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Component của Trung Quốc có thời điểm cùng tăng 0,3%.
Chỉ số Nikkei 225 và Topix của Nhật Bản cũng tăng lần lượt gần 0,2% và 0,5%… Ở chiều hướng ngược lại, giá dầu thô Mỹ West Texas Intermediate tăng 4,5% lên 95,71 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent tăng 3,76% lên 101,61 USD/thùng.
Quyết định lịch sử của EU
Trong ngày 28-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thúc giục Liên minh châu Âu (EU) kết nạp nước này làm thành viên "ngay lập tức" thông qua một quy trình đặc biệt. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen một ngày trước đó cho hay EU muốn Ukraine sớm gia nhập khối.
Không chỉ vậy, EU vừa dành cho Ukraine một ngoại lệ chưa từng có trong lịch sử khối: Viện trợ vũ khí cho một quốc gia đang bị tấn công. Cụ thể, EU sẽ mua và chuyển số vũ khi trị giá 500 triệu USD cho Ukraine. Ngoài chương trình chung của EU, các nước thành viên cũng có kế hoạch riêng để hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự và nhân đạo.
Là thành viên EU nhưng không thuộc NATO, đồng thời nổi tiếng với quan điểm trung lập lâu năm, Thụy Điển cho biết sẽ gửi đến Ukraine 5.000 vũ khí chống tăng, 5.000 mũ bảo hiểm… cùng 50 triệu USD hỗ trợ trực tiếp cho quân đội Ukraine. Đan Mạch sẽ chuyển giao 2.700 vũ khí chống tăng, Bỉ chuyển thêm 3.000 súng máy và 200 súng phóng lựu chống tăng.
Không giúp vũ khí song Hungary cam kết gửi 100.000 lít nhiên liệu và 28 tấn thực phẩm. Đặc biệt, Đức đi ngược lại chính sách không gửi vũ khí cho một nước tham chiến của chính mình và chuyển cho Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng cùng 500 quả tên lửa Stinger.
Một số nước như Đan Mạch, Anh còn để ngỏ khả năng cho công dân nước mình chiến đấu cùng lực lượng Ukraine. Trước đó, Tổng thống Zelensky ngày 24-2 thông báo thành lập Quân đoàn quốc tế bảo vệ lãnh thổ Ukraine và mời gọi người nước ngoài gia nhập hàng ngũ.
Những sức ép kể trên cộng với thực tế chiến trường và tình hình trừng phạt có thể sẽ khiến Nga phải thay đổi chiến thuật. Chuyên gia Oksana Antonenko của Control Risks cho rằng lực lượng hạt nhân Nga trở thành "đòn bẩy đáng kể duy nhất" của Tổng thống Putin.
"Tổng thống Putin nhiều khả năng không đe dọa tấn công hạt nhân vào phương Tây song nguy cơ trực tiếp với Ukraine lại rất lớn do vũ khí đang được triển khai ở phía Tây nước Nga" - bà Antonenko nhận định với kênh CNBC.