Đàm phán nghẹt thở, Mỹ chốt thỏa thuận thương mại lịch sử với EU

Giới quan sát nhận định thỏa thuận là thắng lợi lớn về chính trị cho ông Trump, giúp Mỹ mở rộng thị trường và ngăn nguy cơ áp thuế 30% từ ngày 1/8.

Mỹ và Liên minh châu Âu đã ký một thỏa thuận thương mại khung vào Chủ nhật (ngày 27/7), giúp ngăn chặn nguy cơ bùng phát chiến tranh thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, Mỹ áp mức thuế nhập khẩu 15% đối với phần lớn hàng hóa từ EU, chỉ bằng một nửa so với mức 30% từng bị đe dọa trước đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố thỏa thuận tại sân golf của ông Trump ở miền Tây Scotland sau cuộc họp kéo dài một giờ. Ông Trump ca ngợi đây là “thỏa thuận lớn nhất từng được ký kết”, đồng thời cho biết EU sẽ đầu tư khoảng 600 tỷ USD vào Mỹ, tăng mua thiết bị quân sự và năng lượng.

Mở rộng tiếp cận thị trường, giữ mức thuế 15%

Ông Trump cho biết, trong những năm tới, EU sẽ chi ít nhất 750 tỷ đồng USD để mua năng lượng từ Mỹ, cùng với hàng trăm tỷ USD dành cho các hợp đồng vũ khí. Ông khẳng định thỏa thuận này vượt xa thỏa thuận trị giá 550 tỷ đồng USD vừa ký với Nhật Bản, đồng thời đánh dấu bước khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Về phía EU, bà Ursula von der Leyen nhận định ông Trump là một nhà đàm phán cứng rắn, đồng thời cho rằng mức thuế 15% là lựa chọn tối ưu trong hoàn cảnh hiện nay. Bà nhấn mạnh thỏa thuận sẽ mang lại sự ổn định và tính dự đoán cho doanh nghiệp cũng như thị trường của cả hai phía.

Mỹ áp mức thuế nhập khẩu 15% đối với phần lớn hàng hóa từ EU, chỉ bằng một nửa so với mức 30% từng bị đe dọa trước đó. Ảnh: Shutterstock

Mỹ áp mức thuế nhập khẩu 15% đối với phần lớn hàng hóa từ EU, chỉ bằng một nửa so với mức 30% từng bị đe dọa trước đó. Ảnh: Shutterstock

Dù có nhiều điểm tương đồng với thỏa thuận mà Mỹ ký với Nhật Bản, văn kiện lần này với EU vẫn để ngỏ nhiều chi tiết then chốt. Một trong những nội dung gây tranh cãi nhất là thuế đối với rượu mạnh, vốn thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ cả hai bờ Đại Tây Dương.

Ông Trump khẳng định: “Đây là bước khởi đầu cho việc tái cân bằng thương mại toàn cầu. EU đã hưởng lợi quá lâu từ sự nhượng bộ của chúng tôi. Điều đó sẽ chấm dứt.”

Từ phía châu Âu, phản ứng chủ yếu là tích cực nhưng không thiếu dè dặt. Thủ tướng Ireland Micheál Martin đánh giá thỏa thuận giúp tăng tính minh bạch và khả năng dự báo cho quan hệ thương mại, song cũng cảnh báo rằng việc áp thuế mới có thể làm gia tăng chi phí và thách thức cho doanh nghiệp.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz nhấn mạnh thỏa thuận giúp tránh được một cuộc chiến thương mại có thể ảnh hưởng nặng nề đến ngành xuất khẩu, đặc biệt là ô tô. Theo ông, thuế với ô tô từ EU đã giảm từ 27,5% xuống còn 15%, mang lại lợi ích lớn cho các hãng sản xuất Đức.

Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof cho rằng việc không áp thuế vẫn là lựa chọn tốt nhất, nhưng thừa nhận đây là kết quả khả thi nhất trong bối cảnh hiện tại.

Chính phủ Ý cũng đánh giá cao thỏa thuận khi cho rằng mức thuế 15% là “bền vững”, miễn không cộng thêm với các mức thuế hiện hành. Họ tin rằng thỏa thuận sẽ đảm bảo ổn định và tránh xung đột trực tiếp giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Theo Hội đồng châu Âu, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và EU năm 2024 đạt 1,97 nghìn tỷ USD. EU ghi nhận thặng dư trong thương mại hàng hóa nhưng lại thâm hụt ở lĩnh vực dịch vụ, dẫn đến tổng thặng dư khoảng 50 tỷ euro (58,8 tỷ USD) với Mỹ.

Tuy nhiên, ông Trump nhiều lần bày tỏ không hài lòng với mức thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với EU, vốn lên tới 235 tỷ USD trong năm 2024. Ông cáo buộc EU được thiết kế để gây bất lợi cho Mỹ trong quan hệ thương mại.

Giảm căng thẳng trước hạn chót ngày 1/8

Thỏa thuận được ký chỉ vài ngày trước thời điểm ông Trump cảnh báo sẽ áp mức thuế 30% với hàng hóa EU kể từ ngày 1/8 nếu không đạt được một thỏa thuận. EU cũng đã sẵn sàng trả đũa bằng cách áp thuế lên 93 tỷ euro (tương đương 109 tỷ USD) hàng hóa Mỹ trong trường hợp bất đồng không được giải quyết.

Theo bà von der Leyen, các bên đã nhất trí không áp thuế đối với máy bay, linh kiện hàng không, một số loại hóa chất, dược phẩm, thiết bị bán dẫn, sản phẩm nông nghiệp và tài nguyên quan trọng. Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì mức thuế 50% với thép và nhôm. EU đề xuất cơ chế hạn ngạch thay thế, nhưng chưa có thỏa thuận cuối cùng.

Một quan chức Mỹ tiết lộ mức thuế đối với máy bay thương mại sẽ tiếp tục ở mức 0%. Hai bên sẽ cùng đánh giá để có thể hạ thuế xuống dưới 15% nếu đủ điều kiện, dù chưa xác định thời điểm cụ thể hoàn tất việc này.

Thỏa thuận lần này được giới quan sát xem là một thắng lợi chính trị đáng kể đối với ông Trump. Trong nỗ lực tái định hình trật tự thương mại toàn cầu và thu hẹp thâm hụt, ông đã ký các thỏa thuận khung với Anh, Nhật Bản và Indonesia. Dù vậy, mục tiêu “90 thỏa thuận trong 90 ngày” mà ông đặt ra vẫn chưa được hoàn thành.

Các quan chức Mỹ cho biết EU đồng ý gỡ bỏ một số rào cản phi thuế quan đối với ô tô và sản phẩm nông nghiệp, nhưng phía EU cho rằng chi tiết cụ thể vẫn đang được bàn thảo.

Một quan chức cấp cao Mỹ nhận định: “EU là nền kinh tế trị giá 20 nghìn tỷ đồng USD, lớn gấp năm lần Nhật Bản. Việc tiếp cận thị trường này sẽ mở ra cơ hội lớn cho nông dân, ngư dân và các doanh nghiệp Mỹ”.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dam-phan-nghet-tho-my-chot-thoa-thuan-thuong-mai-lich-su-voi-eu.786580.html