Đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc: Bắc Kinh nắm loạt 'quân bài' mạnh, vì thế mà tự tin hơn?

Tuần này, các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Stockholm, Thụy Điển để đàm phán thương mại. Lần này, Bắc Kinh bước vào bàn đàm phán với thái độ mạnh dạn hơn bao giờ.

Mỹ và Trung Quốc sẽ thảo luận về khả năng gia hạn lệnh 'ngừng bắn' thương mại, sẽ hết hạn vào ngày 12/8. (Nguồn: Adobe Stock)

Mỹ và Trung Quốc sẽ thảo luận về khả năng gia hạn lệnh 'ngừng bắn' thương mại, sẽ hết hạn vào ngày 12/8. (Nguồn: Adobe Stock)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tiết lộ ông sẽ gặp gỡ các quan chức Trung Quốc tại Stockholm (Thụy Điển) vào đầu tuần này. Trong khi đó, phía Trung Quốc xác nhận, Phó thủ tướng Hà Lập Phong sẽ đến Thụy Điển từ ngày 27-30/7 để tham dự các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Kỳ vọng một thỏa thuận tạm thời

Sự kiểm soát chặt chẽ đối với các khoáng sản chiến lược đã buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phải dỡ bỏ một số lệnh hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc, bao gồm cả việc đảo ngược lệnh cấm bán chip trí tuệ nhân tạo (AI) quan trọng của Nvidia.

Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt mức tăng trưởng tốt hơn mong đợi trong 6 tháng đầu năm 2025. Điều này nhấn mạnh khả năng phục hồi của hoạt động xuất khẩu khi nước này chuyển hướng khỏi thị trường Mỹ.

Khi vòng đàm phán mới bắt đầu tại Stockholm vào ngày 28/7, các nhà đàm phán Trung Quốc do Phó Thủ tướng Hà Lập Phong dẫn đầu dự kiến sẽ chào đón các đối tác Mỹ với cách tiếp cận cứng rắn, không khoan nhượng và mong muốn ngày càng tăng về những nhượng bộ hơn nữa từ phía Washington.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent - người dẫn đầu phái đoàn Mỹ - cho hay, hai bên sẽ thảo luận về khả năng gia hạn lệnh "ngừng bắn" thương mại, sẽ hết hạn vào ngày 12/8.

Lệnh "ngừng bắn" nói trên được ký kết tại một cuộc họp giữa quan chức hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tháng 5/2025 tại Geneva. Điều này đã ngăn chặn mức thuế quan ba chữ số được áp dụng vào tháng 4/2025 - vốn đe dọa cắt đứt thương mại giữa hai nền kinh tế.

Thỏa thuận đình chiến tại London vào tháng 6 cũng đã tiếp tục cứu vãn tình hình. Hiện tại, các cuộc đàm phán tại Stockholm được kỳ vọng có thể cung cấp manh mối về việc thỏa thuận đình chiến có thể kéo dài được bao lâu và liệu hai nước có thể tiếp tục giảm thêm các mức thuế quan còn lại và giải quyết các vấn đề gai góc khác hay không.

Ông Josh Lipsky, Chủ tịch kinh tế quốc tế tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, một thỏa thuận tạm thời có khả năng xảy ra nhất trong tuần này.

"Hiện tại, mọi dấu hiệu đều cho thấy mức thuế quan sẽ tiếp tục trong 90 ngày nữa. Mức thuế vẫn ở mức 30% và các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục. Nhưng như chúng ta đã biết, tình hình có thể thay đổi bất ngờ", ông Josh Lipsky dự báo.

Tại cuộc gặp lần này, ông Bessent cho hay, hai nước cũng sẽ thảo luận về việc Trung Quốc mua dầu "bị trừng phạt" từ Nga và Iran.

Về phần mình, các quan chức Trung Quốc vẫn giữ kín chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán.

Trong một tuyên bố tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, hai bên sẽ "tiếp tục tham vấn về các vấn đề kinh tế và thương mại cùng quan tâm, dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi".

Logo của Nvidia Corp. trên chip GPU Blackwell được trưng bày ở Tokyo, Nhật Bản ngày 13/11/2024. (Nguồn: Getty Images)

Logo của Nvidia Corp. trên chip GPU Blackwell được trưng bày ở Tokyo, Nhật Bản ngày 13/11/2024. (Nguồn: Getty Images)

Những "quân bài" quan trọng của Bắc Kinh

Theo các chuyên gia Trung Quốc, đối với nước này, trọng tâm của các cuộc đàm phán tuần này là mức thuế quan còn lại của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh là tìm cách xóa bỏ mức thuế 20% liên quan đến fentanyl.

Ông He Weiwen, thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa, một tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc nhận định, trọng tâm chính của vòng đàm phán này là xây dựng dựa trên các thỏa thuận đã đạt được trong các cuộc đàm phán trước đó và thúc đẩy đạt được nhiều kết quả thực tế hơn.

"Ưu tiên hàng đầu là giải quyết các vấn đề thuế quan còn lại, đặc biệt là những vấn đề do Mỹ áp đặt với lý do liên quan đến fentanyl. Ưu tiên thứ hai xoay quanh việc làm thế nào để hai nước có thể tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế và thương mại", ông He Weiwen nhấn mạnh.

Theo ông Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, đất nước tỷ dân cũng có thể yêu cầu Washington tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ mà trước đây họ đã áp đặt, bao gồm việc đưa hàng trăm công ty Trung Quốc vào danh sách đen.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã bắt đầu áp đặt các hạn chế công nghệ đối với các công ty của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bao gồm cả Tập đoàn công nghệ hàng đầu quốc gia Huawei. Người kế nhiệm ông, cựu Tổng thống Joe Biden, đã tiếp nối bằng cách mở rộng phạm vi hạn chế sang nhiều lĩnh vực khác.

Ông Wu Xinbo cho rằng, "Sau giai đoạn cạnh tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, phía Mỹ đã nhận ra rằng, Trung Quốc nắm giữ những quân bài quan trọng và sẵn sàng sử dụng chúng khi cần thiết". Các "quân bài" này đề cập sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, bao gồm nhưng không giới hạn ở khoáng chất đất hiếm và nam châm.

Vào thời điểm đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại với Washington vào tháng 4/2025, Bắc Kinh đã tận dụng vị thế thống trị toàn cầu trong chuỗi cung ứng đất hiếm, đặt ra các yêu cầu cấp phép mới đối với việc xuất khẩu 7 loại khoáng chất đất hiếm và một số nam châm để đối đầu với Mỹ.

Sự sụt giảm đáng kể trong xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc buộc Tổng thống Trump phải áp dụng "biện pháp đối phó", bao gồm kiểm soát xuất khẩu phần mềm chip, etan và động cơ phản lực.

Căng thẳng mới chỉ lắng dịu sau cuộc họp tại London tháng trước, khi Bắc Kinh đồng ý cho phép lưu thông đất hiếm và Washington quyết định dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu.

Nhưng Trung Quốc có đòn bẩy đối với Mỹ.

Ông Wu cho biết, đòn bẩy của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở đất hiếm mà còn ở chuỗi cung ứng pin máy bay không người lái và xe điện - nơi đất nước tỷ dân đóng một vai trò quan trọng. Việc thoái vốn TikTok tại Mỹ khỏi công ty mẹ ByteDance - vốn đang chờ sự chấp thuận của Bắc Kinh - cũng là một "quân bài" khác.

Trước đây, Trung Quốc không chủ động sử dụng những quân bài này. Giờ đây, đất nước này có thể sẽ ngày càng chủ động cân nhắc sử dụng chúng.

(theo CNN)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dam-phan-thuong-mai-my-trung-quoc-bac-kinh-nam-loat-quan-bai-manh-vi-the-ma-tu-tin-hon-322486.html