Mỹ-Trung Quốc: Washington chuẩn bị sẵn 'đòn dự phòng' trong vòng đàm phán mới, quyết hạ độ tự tin của đối phương về đất hiếm
Hôm nay (28/7) các nhà đàm phán cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã tới điểm hẹn tại Stockholm, Thụy Điển để bắt đầu vòng đàm phán thứ ba, nhằm giải quyết các tranh chấp kinh tế lâu dài - vốn là tâm điểm của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, hoặc ít nhất là kéo dài thời gian đình chiến, ngăn chặn 'đòn thuế' quan mạnh mẽ từ cả hai phía.
Trong vòng đàm phán Mỹ-Trung Quốc mới nhất này, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent dẫn đầu đoàn đàm phán từ Washington, phía bên kia là Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng. Nếu hai bên không đạt thỏa thuận, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn mới do thuế quan vượt quá 100%. Washington được cho là đã chuẩn bị sẵn các mức thuế quan mới theo từng ngành sẽ tác động đến kinh tế Trung Quốc, bao gồm cả chất bán dẫn, dược phẩm và nhiều sản phẩm khác.
Kết quả đàm phán Mỹ-Trung Quốc tại Thụy Sỹ?
Hiện chưa có đột phá tương tự nào được kỳ vọng trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích cho rằng, khả năng hai bên gia hạn thêm 90 ngày cho thỏa thuận "đình chiến" thuế quan và kiểm soát xuất khẩu giống như đã đạt được hồi giữa tháng 5 là rất cao. Việc hai bên đạt được khoảng thời gian này cũng không kém phần quan trọng, giúp ngăn chặn leo thang căng thẳng hơn nữa và tạo điều kiện cho một cuộc gặp tiềm năng giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.
Người phát ngôn của Nhà Trắng và Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ hiện chưa trả lời các yêu cầu bình luận về một bài báo của South China Morning Post trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, hai bên sẽ kiềm chế việc áp dụng các mức thuế quan mới hoặc thực hiện các quyết định khác có thể làm leo thang chiến tranh thương mại.
Về "tương quan lực lượng" trước khi bước vào vòng đàm phán mới này, Trung Quốc đang đối mặt với một hạn chót vào ngày 12/8, để đạt được một thỏa thuận thuế quan bền vững với chính quyền của Tổng thống Donald Trump, sau khi hai bên đã có thỏa thuận sơ bộ vào tháng 6 nhằm chấm dứt nhiều tuần leo thang thuế quan "ăn miếng trả miếng".
Tuy nhiên, trong cạnh tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Bắc Kinh được cho là đang nắm giữ "quân bài quan trọng" và sẵn sàng sử dụng chúng khi cần thiết. Đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại với Washington vào tháng 4/2025, Bắc Kinh đã tận dụng vị thế thống trị toàn cầu trong chuỗi cung ứng đất hiếm, đặt ra các yêu cầu cấp phép mới đối với việc xuất khẩu 7 loại khoáng chất đất hiếm và một số nam châm để đối đầu với Mỹ.
Đến nay, hai vòng đàm phán tại Geneva và London đã giúp hạ đáng kể thuế nhập khẩu mà Washington và Bắc Kinh áp lên nhau. Dòng chảy đất hiếm, chip AI và nhiều hàng hóa khác giữa hai nước cũng được khôi phục.
Mỹ đã "có cách" với đất hiếm?
Trang tin aspistrategist.org.au mới đây đăng bài viết của Nhà nghiên cứu cấp cao David Uren thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia, cho biết, việc Lầu Năm Góc ngày 10/7 trở thành cổ đông lớn nhất của MP Materials - công ty sở hữu mỏ đất hiếm đang hoạt động tại Mỹ, có thể giúp quân đội và phần lớn ngành công nghiệp nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nam châm đất hiếm của Trung Quốc.

Mỏ đất hiếm Mountain Pass ở bang California – mỏ duy nhất còn hoạt động tại Mỹ. (Nguồn: atlasobscura.com)
Động thái này tương tự như sự hỗ trợ quyết liệt của chính phủ Nhật Bản dành cho công ty khai thác đất hiếm Lynas Rare Earths của Australia hồi năm 2010, bao gồm một thỏa thuận bao tiêu sản phẩm được đảm bảo và nguồn vốn dài hạn.
Tuy nhiên, "cái bắt tay" của Bộ Quốc phòng Mỹ với MP Materials còn mạnh mẽ hơn. MP Materials hiện sở hữu mỏ đất hiếm Mountain Pass ở bang California – cách Las Vegas khoảng 100km – mỏ duy nhất còn hoạt động tại Mỹ. Số vốn mới từ Lầu Năm Góc sẽ giúp công ty xây dựng thêm một nhà máy sản xuất nam châm thứ hai và gia tăng công suất chế biến lên 10.000 tấn/năm vào năm 2028.
Chi tiết được tiết lộ trong thỏa thuận được thể hiện rõ là - ưu tiên lợi ích của Washington. Được biết, ngoài khoản đầu tư 400 triệu USD để mua cổ phiếu ưu đãi, Lầu Năm Góc còn cam kết mua 100% lượng nam châm sản xuất từ nhà máy mới trong 10 năm. Đồng thời, họ cũng đảm bảo mức giá sàn 110 USD/kg (gấp đôi giá thị trường Trung Quốc) cho hợp chất đất hiếm NdPr – nguyên liệu làm nam châm vĩnh cửu – và sẽ bù phần chênh lệch nếu giá thị trường thấp hơn.
Ngược lại, khi giá vượt 110 USD/kg, chính phủ sẽ được hưởng 30% phần chênh lệch. Đây được xem là “một thỏa thuận cứng rắn” nhưng có lợi cho cả hai bên. Ngoài ra, để hoàn tất thỏa thuận, Tập đoàn công nghệ Apple cũng đã cung cấp một thỏa thuận bao tiêu trị giá 500 triệu USD.
Như vậy, thay vì áp dụng mô hình quốc hữu hóa, Washington chọn cách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân theo hướng thị trường, nhưng có sự bảo đảm dài hạn từ chính phủ. Đây được xem là một mô hình mẫu để áp dụng với các công ty khoáng sản chiến lược khác của Mỹ.
Nhưng dù giá cổ phiếu của các công ty đất hiếm địa phương khác lập tức tăng vọt, sau khi có thông tin về gói tài chính đặc biệt này - với hy vọng, Mỹ sẽ thay thế Trung Quốc trở thành thị trường định giá cho các sản phẩm đất hiếm - điều bị nhận định là vẫn còn xa vời.
Theo giới phân tích, giá sàn của MP Minerals sẽ cần được hỗ trợ bởi thuế quan nếu thị trường Mỹ không muốn bị tràn ngập bởi nguồn cung từ nước ngoài. Adamas Intelligence, Công ty phân tích khoáng sản Canada nhận định, các khoản trợ cấp của Mỹ dành cho MP Minerals còn cần được bổ sung bằng "các chính sách thương mại mạnh mẽ để đối phó với nguy cơ bán phá giá và cạnh tranh từ các đối thủ đồng minh của Trung Quốc".
Việc Lầu Năm Góc chốt hợp tác với MP Minerals diễn ra sau khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm và nam châm đất hiếm để trả đũa việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump kiểm soát xuất khẩu chip và áp đặt thuế quan. Từ đó dẫn đến một lệnh cấm vận hiệu quả đối với việc bán các mặt hàng này sang Mỹ. Bối cảnh gần giống lúc Nhật Bản "hỗ trợ" Lynas Rare Earths - khi Trung Quốc lần đầu tiên dùng đất hiếm làm "vũ khí kinh tế" với Tokyo.
Nhưng theo nhận định của giới phân tích, việc mở thêm mỏ mới hay tăng sản lượng trong nước của Mỹ không phải chuyện một sớm một chiều mà sẽ mất nhiều năm để thực hiện. Do tính phức tạp không chỉ về kỹ thuật, việc chế biến đất hiếm ở quy mô lớn còn đòi hỏi cần có sự hỗ trợ quyết liệt từ chính phủ.
Đơn cử về kỹ thuật, hiện có 17 nguyên tố đất hiếm được kết hợp theo những cách khác nhau trong mỗi mỏ. Việc tìm ra quy trình hóa học để tách các nguyên tố này ở các nhà máy thí điểm không có nghĩa là có thể dễ dàng áp dụng ngay cho hoạt động sản xuất quy mô lớn. Chẳng hạn, Lynas Rare Earths đã mất hơn 5 năm để đưa nhà máy của họ tại Malaysia đi vào hoạt động hết công suất với sản phẩm đạt tiêu chuẩn yêu cầu của khách hàng Nhật Bản.
Trong khi đó, giới phân tích quốc tế cho rằng, trước các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump 2.0 dường như vẫn có cách tiếp cận phân tán đối với đất hiếm, với nhiều động thái khác nhau, chẳng hạn, đánh tiếng về Greenland, quan tâm đặc biệt tới trữ lượng khoáng sản của Ukraine hay tiếp cận trữ lượng đất hiếm của Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda. Mỹ cũng đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh tự sản xuất trong nước, nhưng mục tiêu này không dễ dàng đạt được ít nhất trong ngắn hạn.